Truyện sex ở trang web truyensex68.com tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, tất cả các truyện sex 18+ ở đây đều chứa nội dung người lớn, nghiêm cấm trẻ em dưới 18 tuổi truy cập vào trang web chúng tôi để đọc truyện.

Phần 86

Sinh nhật, đã từ lâu cụm từ này thường không đi đôi với cái tên Thanh Phong nữa. Ngày còn bé, lúc tôi khoảng 4, 5 tuổi gì đấy, chị hai tôi thì tầm 9 tuổi, gia đình còn khó khăn, tôi và chị chẳng bao giờ có điều kiện được ba mẹ tổ chức cho những bữa tiệc sinh nhật với đầy đủ kẹo bánh, cũng chẳng bao giờ biết đến cái gọi là bánh kem hay nhận những món quà nhỏ nhắn xinh xắn từ bạn bè cùng lớp. Nhưng khi tôi lớn thêm một chút, cỡ chừng 4 năm sau đó, khi ba mẹ tôi làm ăn kinh doanh khấm khá lên phần nào, tôi cũng đã hạnh phúc mà đón nhận, những buổi tiệc sinh nhật không quá hoành tráng nhưng lại vô cùng ấm áp, vô cùng rộn ràng mà ba mẹ cũng những người bạn thân thương. Tôi còn nhớ rất rõ cái cảm giác hồi hộp, lo lắng và mong ngóng khi tự mình đặt tay viết những dòng thiệp mời đầu tiên, sau đó thì mang theo một túi thiệp mời lên lớp và phát cho chúng bạn như phát tờ rơi. Ngày đó, tôi chỉ biết là đứa nào cũng làm như vậy, thành ra tôi cũng vô thức làm theo chứ chẳng hiểu gì sất. Tôi cũng chẳng nhớ rõ tôi đã mời những đứa nào, nhưng tất cả những ai đã dành thời gian quý báu để tham dự và chúc mừng tôi trong ngày đặc biệt của mình, tôi đều luôn luôn ghi nhớ và biết ơn đến tận mãi về sau. Bản thân tôi là một người sống tình cảm, tôi quan trọng nhất là về một mối quan hệ bền vững chứ không phải là việc tính toán thiệt hơn trong bất cứ chuyện gì. Tôi có thể không mời bạn vì bạn nhà ở quá xa hoặc gia đình bạn không có điều kiện để mua quà cáp cho tôi, thế nhưng khi bạn mời lại tôi, tôi vẫn sẽ vui vẻ đến dự với đầy đủ không thiếu một thứ gì, cả vật chất lẫn tinh thần. Đó chính là con người của tôi, dù có hơi ngốc nghếch, nhưng lại thực tâm đến lạ thường.

Tôi còn nhớ rất rõ năm sinh nhật lên 10 của mình, một buổi tối đầy mưa gió và lạnh lẽo. Tôi hồi hộp và lo lắng tột cùng khi quần áo trang trọng cùng ba mẹ đợi chờ nhưng đã quá nửa tiếng mà chẳng thấy ai trờ tới, dù chỉ là một người. Tôi biết ngoài trời đang mưa rất lớn, và những người bạn của tôi dù sao cũng chỉ là những cô cậu bé còn lẽo đẽo theo cha mẹ, làm sao có thể vượt qua những thử thách của thiên nhiên để tham dự một buổi tiệc sinh nhật vô thưởng vô phạt của tôi. Thế là, tôi khóc lóc mè nheo, tôi đòi ba mẹ tôi phải gọi cho bằng được những người bạn của tôi đến tham dự, một cách hết sức ích kỷ và… trẻ con:

– Huhuhu, con không biết đâu, ba mẹ phải gọi bạn đến cho con, huhuuh…
– Nhưng mà mưa lắm, các bạn không đến được đâu con, đợi một lát nữa xem! – Mẹ tôi buồn bã trấn an, dù rằng bà biết cơn mưa này có lẽ cũng chẳng sớm dứt…
– Huhuhu, sinh nhật mà chẳng có ai tới, con không thèm làm sinh nhật nữa…

Tôi ấm ức bật khóc, tôi chạy lên phòng, vùi đầu vào đống chăn nệm đầy rẫy và khóc nấc lên thành từng tiếng, ngột ngạt và đau nhói. Ngày đó, cái nỗi buồn của tôi nó giống như hạt cát vậy, nhưng với một đứa trẻ chỉ mới chập chững lên 10, cái hạt cát đó lại là hạt cát khổng lồ, một hạt cát giữa biển khơi, độc nhất, và vô vị.

Nhưng đã gọi là kỷ niệm đáng nhớ nhất thì dĩ nhiên là sẽ có rất nhiều bất ngờ rồi phải không? Chỉ ít phút sau, mưa chẳng những không dứt mà còn có phần thêm nặng hạt. Tôi thì lúc này đã quá chán nản, dù rằng miệng vẫn gào thét nói không cần nữa, nhưng vẫn cố gắng liếc nhìn ra bầu trời đen kịt ngoài kia, những mong có một phép lạ nào đó, hoặc một người nào đó, sẽ vì tôi, vì ngày sinh nhật trọng đại này mà tìm đến. Và rồi thì 1, rồi 2, rồi 3, 4… chẳng hiểu vì lý do gì, tất cả những người bạn của tôi, đã lần lượt kéo đến trong niềm hân hoan và vui sướng tột độ của thằng nhóc Phong 10 tuổi năm ấy. Lần đầu tiên trong cuộc đời mình, tôi đã biết thế là giọt nước mắt của niềm vui, vì từ bé đến giờ, tôi vẫn luôn nghĩ, người ta chỉ khóc khi buồn mà thôi…

Rồi thì thời gian cứ thế tàn nhẫn trôi, tôi giờ đây đã là một chàng thanh niên 25 tuổi, đầy hoài bão, đầy ước mơ nhưng cũng không thiếu những trăn trở, những ngờ vực và cả những nỗi niềm tâm sự không biết gọi thành tên. Tôi vùi mình vào cuộc sống đầy khó nhọc, tự mình trải qua hết những đắng cay ngọt bùi của quãng thời gian khó khăn, tôi tự trấn an bản thân rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn dù tôi chẳng rõ lúc nào điều ấy mới diễn ra. Tôi chẳng còn thiết tha đến cái gọi là sinh nhật, là thêm một tuổi, là nhận quà, là thổi nến bánh kem, chẳng cần nữa. Tôi chỉ muốn biết, tương lai của mình có thực sự đạt được như những gì tôi mong muốn không hay chỉ là những chuỗi ngày đằng đẵng chờ đợi, cố gắng nhưng rồi tất cả mọi thứ lại như đổ sông đổ biển. Nhìn những người xung quanh vui vẻ tận hưởng những quãng thời gian tuổi trẻ sôi nổi, hào hứng ấy, tôi tự dưng lại dâng lên trong lòng một nỗi niềm khôn xiết, một sự tủi thân mà chẳng biết phải giãi bày với ai khi bên cạnh tôi lúc này đã thiếu vắng đi một bóng hình quen thuộc.

“Hôm nay bǎobèi của em đã tròn 25 tuổi. Chúc anh có một ngày sinh nhật thật nhiều ý nghĩa bên gia đình, bạn bè của anh. Em rất xin lỗi vì đã không thể ở bên cạnh anh trong một ngày đặc biệt như hôm nay. Em rất nhớ anh và hy vọng anh cũng vậy. Hứa với em rằng dù sẽ phải trải qua thêm những lúc khó khăn như thế này, hãy vững tin và cố gắng thật nhiều nhé, vì tương lai của em sẽ phải trông cậy vào anh đó, tình yêu của em. Em yêu anh nhiều, Uyển My của anh”

Tôi thức dậy với những dòng tin nhắn tràn đầy xúc cảm từ người con gái tôi thương, chỉ tiếc là, hôm nay, tôi sẽ không được chứng kiến nụ cười tỏa sáng ấy, gương mặt xinh đẹp và bờ môi cong đầy mê hoặc đó. Tôi vui vì sau tất cả, Uyển My vẫn luôn luôn là người quan tâm đến tôi, luôn luôn là người biết tôi cần gì và muốn gì, dù rằng nàng cũng đành lực bất tòng tâm, chẳng thể nào làm khác hơn. Thế nhưng, tôi cũng buồn nhiều thứ, tôi buồn hơn cả là vì sinh nhật này, có lẽ, sẽ là ngày sinh nhật buồn nhất trong cuộc đời của tôi, của một thằng con trai chỉ vừa chập chững biết đến cái gọi là áp lực, là gánh nặng của một tương lai phía trước. Đã 3 ngày nay, tôi không được nói chuyện, không được nhìn ngắm gương mặt thanh tú của nàng vì lịch làm việc của nàng có vẻ là đã quá dày đặc, không sao có được quãng thời gian trống. Hít một hơi thật sâu, tôi mỉm cười vươn vai mở cửa sổ, chuẩn bị sẵn sàng để đón lấy những tia nắng ấm áp của một ngày mới đầy thử thách. Thế nhưng, số phận dường như vẫn muốn trêu ngươi tôi thêm nhiều lần nữa, vì chẳng có giọt nắng nào lay lắt bên bậu cửa sổ mà tất cả chỉ còn là một màu xám xịt, lạnh lẽo và vô hồn. Những hạt mưa rơi lâm râm chẳng đủ để khiến người ta ướt, nhưng lại khiến trái tim thương tổn của tôi đắm chìm thêm trong đại dương của tĩnh lặng:

– Sinh nhật vui vẻ, ông tướng của tui!

Cố gắng nở một cười gượng ép, tôi đón lấy món quà trong chiếc hộp được gói ghém vuông vắn với màu xanh navy mà tôi thích cùng chiếc nơ bằng kim tuyến lấp lánh, rực rỡ:

– Con cảm ơn dì, yêu dì.
– Nói yêu tui mà mặt như cái bơm vậy đó hả? – Dì Hạnh đưa tay vỗ nhẹ lên má tôi…
– Hờ hờ, con yêu dì mà, dì không tin sao? – Tôi cười buồn…
– Dạ tin, nhưng mà ông vui lên dùm tui, lớn đầu rồi đó, đừng có vậy nữa! Tui đi làm đây!
– Dì đi cẩn thận, bái bai.

Dì Hạnh lắc đầu ngán ngẩm trước cái bộ dạng quá ư là… chán đời của tôi. Cảm giác như ngay lúc này, chẳng có cái quái gì trên đời có thể khiến tôi thật sự cảm thấy vui vẻ và phấn chấn trở lại được. Tôi đã ngâm mình trong cái tâm trạng ủ dột này được gần 1 tháng trời rồi nhưng vẫn tăm tối chẳng thể nào tìm được đường thoát ra. Tôi biết mình không thể nào cứ ở mãi trong cái hố sâu tuyệt vọng này, tôi cần thay đổi và đứng lên thật nhanh, vì chỉ chớp mắt nữa thôi, lỡ mà Uyển My trở lại, tôi vẫn chưa có gì trong tay, thì tương lai của hai đứa, liệu rằng sẽ phải tính ra làm sao. Nhưng nói là một chuyện, còn bắt tay vào làm lại là một chuyện khác viển vông hơn, mà hiện tại thì tôi cũng chưa có nhu cầu thay đổi bất cứ thứ gì, có cảm giác cơ thể tôi vẫn còn muốn phải… thả dàn vài hôm nữa cái đã.

Sau khi thi kết thúc đợt 1 của học kỳ 3, chúng tôi sẽ ngay lập tức bước vào đợt 2 luôn chứ không có ngày nghỉ, vậy nên là coi như hôm nay lại bắt đầu một buổi học mới, kiến thức mới và những sự chán nản mới. Con đường đến trường này dĩ nhiên là tôi đã đi đến mòn cả bánh xe, thế nhưng gần như chưa bao giờ, tôi lại tập trung và ngắm nhìn cảnh quan xung quanh nhiều như hôm nay. Từ nhà tôi lên đến trường thì có khá nhiều cách đi, nhưng tôi thường lựa chọn đi theo con đường lớn nhất mà mọi người hay đi, lý do đơn giản là vì nó rộng rãi, gần nhất, tuy kẹt xe như cơm bữa nhưng tôi vẫn có cảm giác là nó gần, thành ra thường ngày tôi sẽ đi theo hướng đó. Cơ mà hôm nay, tôi lại thấy trong đầu không được vui cho lắm, thành ra thay vì đi thẳng một mạch từ nhà đến trường, tôi lại vòng vèo qua nhà Uyển My, ngắm nhìn bụi bông giấy một lúc rồi mới thở dài lên trường. Từ nhà Uyển My lên trường thì tôi quyết định sẽ đi theo con đường bờ kè Hoàng Sa – Trường Sa huyền thoại. Đường Hoàng Sa và Trường Sa là hai con đường song song nhau, chạy ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè của TP. HCM. Ngày xưa thì tôi nhớ ở đây nổi tiếng với mùi thơm “ngào ngạt” vì rác thải và tất cả những thứ bạn có thể nghĩ ra được nó đều nằm ở dưới kênh, cơ mà sau này, với sự đầu tư quyết liệt của lãnh đạo thành phố, nơi đây đã thực sự lột xác, trở thành một con đường vô cùng quan trọng trong giao thông của thành phố. Dọc theo bờ kênh, điều dễ dàng đập vào mắt người đi đường nhất chính là màu xanh của đủ các thể loại cây cảnh được trồng xung quanh tạo nên một sự thoải mái và dễ chịu mỗi lần đi ngang qua. Bên cạnh màu xanh của cây lá, dọc vỉa hè còn được tô điểm thêm bằng những màu sắc rực rỡ của rất nhiều loại hoa cỏ mùa xuân, mùa hè, mùa thu, mùa đông. Những màu sắc ấy như những điểm nhấn tinh tế đủ để làm nổi bật lên vẻ đẹp cũng như sự lãng mạn mà con đường này đem lại. Từ sắc hồng kiêu sa của những đóa tường vi cho đến Vẻ rực rỡ như ngọn lửa đang bập bùng cháy của những bông hoa huệ chuối, mọi thứ như hòa quyện lại để vừa vặn giới thiệu lên những nét đặc sắc và tinh hoa nhất của cung đường đã đi vào lịch sử này. Tôi khẽ mỉm cười nhẹ nhàng trong khi vẫn miệt mài lướt đi trên đường. Sự mát mẻ cũng như không gian trữ tình của buổi sáng nơi đây khiến lòng tôi vơi bớt đi phần nào những phiền muộn, dù rằng thật khó để mọi thứ có thể trở lại được như lúc ban đầu.

Hôm nay tôi đã cố gắng đi học thật sớm, sớm hơn rất nhiều so với những ngày trước đó, chỉ để làm duy nhất một việc đó là ngắm nhìn đường phố, tự chữa lành cho tâm hồn xác xơ này, nhưng dường như vẫn chưa đủ thì phải. Vì là buổi học đầu tiên, nên ai nấy đều cố gắng đi sớm nhất có thể, dù sao thì ấn tượng ban đầu cũng là thứ nên được tốt đẹp hơn trong mắt thầy cô giáo, chứ mà để các vị sư phụ nóng mắt thì xem chừng là cũng khó mà qua ải, gì chứ các môn càng ngày càng khó rồi đấy, hừm hừm:

– Hello Phong yêu dấu, sao sáng sớm mặt mày bí xị thế? – Tuyết Mai lý lắc tiến vào, hôm nay nàng vẫn xinh như thường lệ, không có gì khác biệt, ngoại trừ việc mái tóc xoăn nay đã… xoăn hơn một chút…
– Mới uốn lại tóc à? – Tôi vẫn nằm bẹp trên bàn…
– Sao biết? Hì hì, mới uốn thêm một chút, nó hơi bị nhả nếp ra. Xinh không?
– Xấu lắm.
– Xấu nè!

Tuyết Mai vả vào mặt tôi mấy cái muốn nổ đom đóm mắt. Gì chứ cô nàng này quả thực khác xa một trời một vực so với tiêu chuẩn con gái mà tôi thích. Tôi chỉ đặc biệt dễ cảm mến với những nữ nhân có vẻ ngoài ưa nhìn, tính tình thì hiền lành, nhẹ nhàng, tốt bụng càng tốt, mà căn bản là giờ tôi cũng có hình mẫu cụ thể luôn rồi, được như Uyển My thì coi như là… đúng tiêu chuẩn của tôi, mỗi tội không thấy có người thứ 2:

– Yêu quái. Bớt đùa lại đi!
– Cho này! Ăn đi cho bớt buồn! – Tuyết Mai đẩy một thanh Kitkat về phía tôi…
– Đâu ra đấy, đừng bảo nhặt? – Tôi nheo mắt nhìn nàng…
– Điên, người ta mua đấy, có cả hóa đơn này, tin không?

Nàng xòe tờ hóa đơn ra trước mắt tôi, đúng là vừa mới mua thật:

– Mà mua có 1 cây thì giữ ăn đi, cho tôi làm gì?
– Nay sinh nhật cậu, ưu tiên đấy! – Nàng cười tươi, khoe má lúm quen thuộc…
– Sao… sao biết?
– Hì hì, bí mật. Sinh nhật hạnh phúc, đừng buồn nữa đó!

Tôi cảm kích Tuyết Mai, thế nhưng trong cái tâm trạng này, tôi lại chẳng dám mở miệng ra khen nàng tới tấp như tôi dự định, vì là dù cho có thế nào đi chăng nữa, tôi cũng cảm thấy tôi và nàng không có nhiều điểm chung, vậy nên, sự rung động có lẽ chỉ là nhất thời, rồi nó sẽ sớm qua đi, vì tôi chỉ muốn chờ đợi một mình Uyển My mà thôi:

– Cảm… cảm ơn Mai…
– Đỏ mặt kìa, Mai dễ thương quá phải không? – Tuyết Mai nhe răng khểnh…
– Ừ. Dễ thương lắm – Tôi thành thật…
– Lâu lắm rồi mới khen được một câu thật lòng, hihi.

Không phải là tôi đã biến thành con người bất lịch sự, mà bởi vì tôi thật sự chẳng thể nào vui nổi ngoại trừ việc cố gắng rặn ra những nụ cười đáp lễ đối với những người bạn đã cất công nói lời chúc mừng sinh nhật đến tôi. Tôi rất cảm kích, từ tận sâu trong đáy lòng, thế nhưng khi tâm hồn tôi như đã chết phân nửa, tôi chẳng còn thiết tha gì đến mấy cái phù phiếm như sinh nhật sinh nhẽo gì cả:

– Phong! Xuống đây em nói nè! – Ái Quyên gõ nhẹ lên trán tôi rồi ngoắc tay ra hiệu tôi đi theo…
– Sao vậy? Sao không nói luôn? – Tôi ngơ ngác…

Ái Quyên khẽ nhăn mặt, khiến tôi dễ dàng hiểu ra, hóa ra nàng không muốn nói chuyện tại bàn tôi là bởi vì “khắc tinh” của nàng cũng đang ngồi tại đó, dù rằng Tuyết Mai cũng không có vẻ gì là quan tâm cho lắm, chỉ chăm chăm lướt điện thoại:

– Sao vậy? Nay em đi sớm thế?
– Còn sao nữa? Chúc mừng sinh nhật, hì hì.

Nàng xòe tay ra một hộp quà màu đỏ với nơ vàng được trang trí bởi những họa tiết theo kiểu gợn sóng bắt mắt, bên cạnh đó còn kèm thêm một tấm thiệp nhỏ xinh ở trên được vẽ rất tỉ mỉ, dường như là bằng tay:

– Đẹp quá, em tự làm đấy à?
– Đoán xem! – Nàng cười hiền, chăm chú nhìn tôi đang mân mê hộp quà…
– Anh mở ra xem nhé?
– Tùy anh! Nhưng đừng cho nhỏ Mai coi! – Ái Quyên đổi thay độ ngay tức thì khi nhắc đến Tuyết Mai…
– Uầy, hai người làm gì cứ như nước với lửa thế? Làm hòa đi!
– Không! Còn lâu! Ông mà còn dám bênh vực nhỏ Mai trước mặt tôi thì coi chừng! – Ái Quyên đe dọa, sao nghe giọng lưỡi quen quá vậy nè…
– Bênh bé Quyên chứ Mai nào ở đây, hê hê – Tôi cười đáp lễ, đột nhiên thấy có chút gì đó hạnh phúc nhen nhóm…
– Dẻo miệng lắm, thôi về chỗ đi! Nhớ đó!
– Cảm ơn em nhiều.
– Ừm.

Tôi về chỗ ngồi chưa ấm thân thì một món quà nữa lại đến, và lại là một cô bạn nữa, à không, chính xác hơn, lần này, là một cô bạn nhưng luôn miệng gọi tôi là sư phụ, dù rằng tôi chỉ hướng dẫn nàng ta được vài đường cơ bản mà thôi:

– Sư phụ, ra đây con nói nè! – Thanh Ngân đứng ngoài cửa lớp, cười tươi tắn vẫy tôi…

Khỏi phải nói là cái độ duyên dáng của Thanh Ngân là điều mà bất cứ thằng con trai nào trong lớp tôi đều đã từng thấy qua, dễ hiểu là vì nàng ta thường hay xuất hiện chung với tôi, và với thằng Linh lớp trưởng. Cơ mà mê mẩn là một chuyện, còn có tán tỉnh được không lại là một chuyện khác, vì hễ cứ có thằng nào dám cả gan đụng đến Thanh Ngân, thằng Linh sẽ lạm quyền lớp trưởng mà đưa ra những quy định hà khắc, bắt ép trực nhật đến gãy cả sống lưng cũng chưa ngừng. Thành thử ra, sau một hồi không thể lay chuyển ý định của thằng Linh, hết có đứa nào ham tiếp cận Thanh Ngân luôn:

– Hửm? Gì đó?
– Quà sinh nhật cho sư phụ nghen! – Thanh Ngân thoáng ngại ngùng…
– Ôi… không cần phải vậy đâu – Tôi bối rối nhận lấy hộp quà thứ 3 trong buổi sáng ngày hôm nay, 3 hộp quà và một thanh Kitkat…
– Đừng buồn nữa nha, mọi người quan tâm ông lắm đó!
– Cảm ơn bà, hic, không biết đền đáp mọi người sao nữa – Tôi xúc động, nói không nên lời…
– Có gì đâu, sư phụ phải vui vẻ lên đi, từ từ sư mẫu sẽ về mà, đừng nghĩ nhiều, nha?
– Ừm, cảm ơn… đệ tử.
– Vậy thôi, con về lớp hen? – Thanh Ngân lại cười tươi, nhưng trong khi tôi không có cảm giác gì thì ở bên trong, chắc ít nhất là có thằng Linh đang ngẩn ngơ đấy…

Phải nói là từ nhỏ đến giờ, tôi chưa từng nhận được nhiều quà sinh nhật từ các bạn nữ như hôm nay, chỉ là mỗi tội có tiếng nhưng chẳng có miếng. Người ngoài nhìn vào thì nghĩ tôi may mắn, số hưởng, nhưng rồi rốt cuộc thì cũng có xơ múi được cóc khô gì đâu. Đầu tiên thì là dì Hạnh xinh đẹp yêu dấu, dĩ nhiên là một người mà khi tôi đã phải gọi là “dì” xưng “con” thì làm quái có khả năng nào ở đây, vậy nên, dẹp dì Hạnh qua một bên vậy. Kế đến là Tuyết Mai, một cô bạn mới quen, rất xinh, rất cá tính, tuy hơi quậy một chút, nhưng mà xem chừng không có dấu hiệu gì gọi là thích tôi, thậm chí còn không biết là nàng có thích… con trai không nữa kìa, nhìn tôi và nàng giống hai thằng con trai hợp cạ hơn là một đôi nam nữ có thể xảy ra bất cứ sự rung động nào. Còn tôi và Ái Quyên cũng không khá khẩm hơn là bao, vì sự vụ là nàng đã được mặc định với vai trò… em gái Uyển My, đồng thời cũng sẽ là em gái tôi, thế nên dĩ nhiên là chẳng có cái quái gì khác biệt được, đã thế gần đây Ái Quyên còn xuất hiện một cái đuôi đáng ghét, xem chừng rất được lòng nàng chứ chẳng chơi. Cuối cùng, đệ tử yêu Thanh Ngân. Cũng như trường hợp của tôi với dì Hạnh, một cô nàng gọi tôi là “sư phụ” xưng “đệ tử” thì hẳn là cũng vô vọng, mà tôi thì cũng không thích Thanh Ngân theo kiểu trai gái, tôi xem nàng là một cô em gái hơn. Túm cái váy lại mà nói thì hiện thời, tôi là một người may mắn, nói thế cũng chẳng sai, nhưng đằng sau sự may mắn đó, cũng không có thứ gì khác biệt, ngoại trừ một tâm hồn đang dần dần… vụn vỡ.

Chẳng biết từ lúc nào, tôi bỗng dưng cảm thấy ghê sợ với cái cụm từ “sinh nhật” đầy rẫy bất trắc và hiểm nguy. Đối với những người khác thì tôi không biết thế nào, chứ với riêng bản thân tôi, dạo gần đây, các dịp “sinh nhật” luôn luôn là nơi xảy ra những sự kiện đi vào lòng… đất, những bước ngoặt không thể để đâu cho hết bất ngờ. Đầu tiên là gây lộn với chính thằng Đức ở sinh nhật của nó vì Uyển My, kế đến là gây lộn với thằng Hải ngựa cũng vì Uyển My, và cuối cùng, gần đây nhất, là xém chút nữa bị Ái Quyên nghỉ chơi, và cũng là vì… Uyển My nốt. 3 bữa tiệc sinh nhật, 3 người thân nhất trong lớp thì đều đã diễn ra và hoàn toàn là… thảm họa đối với cá nhân tôi. Vậy nên, khi đến lượt mình, tôi bất giác cảm thấy lạnh sống lưng, dù rằng tôi chưa hề và cũng không có ý định sẽ tổ chức để mà làm gì cả, tôi không có tâm trạng đâu, thật đấy.

Ngày còn bé thì mỗi khi đến sinh nhật, ba mẹ và chị hai tôi sẽ là những người đầu tiên tặng quà cho tôi. Nhưng rồi theo thời gian, tôi lớn lên, chị hai tôi cũng trưởng thành, lập gia đình, có gia đình riêng, còn ba mẹ tôi cũng lớn tuổi thêm, bận bịu chăm lo cho việc làm ăn kinh doanh, thế nên mọi người chỉ kịp chúc mừng tôi bằng đôi ba lời nhắn thấm đẫm tình cảm. Đối với tôi mà nói, chỉ cần mọi người nhớ đến ngày này, tôi đã mừng lắm rồi, không cần quà cáp làm gì cho phiền phức, tôi cũng rất sợ cái cảm giác… nợ ân tình của mọi người, dù đó có là người trong gia đình đi chăng nữa. Năm nay cũng vậy, bỏ qua hết những lời rủ rê mời mọc của bạn bè, tôi quyết định sẽ… chẳng làm gì để kỷ niệm năm thứ 25 mà tôi hiện diện trên cõi đời này ngoại trừ việc ăn một bữa cơm thân mật cùng các thành viên trong gia đình:

– Gọi chị mày chưa? – Mẹ tôi tất bật nấu nướng…
– Con nói rồi, chắc đang đến – Tôi bần thần, ngồi thừ người trên bậc cầu thang…
– À ra ngoài nói thằng Đức ở lại ăn luôn, Phong!
– Mẹ khỏi lo đi, kiểu gì nó chả ở lại, cái thằng đó mặt dày mà.

Mà kể cũng lạ, mấy ngày gần đây, trời lúc nào cũng cứ âm u tăm tối, nhưng tuyệt nhiên lại không có cơn mưa dai dẳng cũng như quá vũ bão, chỉ chốc chốc là mưa phùn, họa may lắm thì mới rào rào vài phút rồi lại tạnh, chẳng kéo dài như tôi nghĩ. Tôi thì thích mưa, nhưng phải là mưa trong lúc tôi đang ở trong nhà, hoặc là chí ít thì cũng đang ở ngoài đường nhưng mà đã được trang bị áo mưa kỹ lưỡng, còn ngoài ra, tôi không thích cái kiểu thời tiết này cho lắm, cứ âm u như mấy ngày nay là tốt nhất. Và có vẻ như ông trời đã thấu hiểu được nguyện vọng của tôi, cỡ 5 ngày nay, ngày nào cũng âm u, mát mẻ, dễ chịu, gió thì cũng không quá mạnh, chỉ vừa đủ mát mà thôi:

– Mấy giờ rồi? – Mẹ tôi tiếp lời…
– Gần 7h tối rồi mẹ.
– Chết thật, mẹ đặt con cá nướng bên Phan Văn Trị, quên lấy về rồi!
– Mẹ sắp sai con đi lấy đúng không? – Tôi nheo mắt ngờ vực…
– Đúng là con trai mẹ, thông minh đấy, xách xe ra lấy về ngay cho tao! – Mẹ tôi đổi tông giọng liên tục, đúng là một bậc thầy trong việc… đe dọa…

Trong cái nhà này, tôi luôn là đứa bị sai bảo nhiều nhất, dĩ nhiên là vậy rồi, vì ngày xưa thì tôi nhỏ nhất, còn bây giờ khi bà chị hai đã đi khỏi tôi vẫn là đứa nhỏ nhất, và phận lính lác thì thoát làm sao khỏi việc suốt ngày phải đóng vai người hầu kẻ hạ kia chứ:

– Chậc, mẹ trả tiền cho người ta chưa? Con không có cắc nào đâu.
– Tổ cha mày, lấy tiền trong giỏ xách tao đấy, con với chả cái, làm thì có tiền mà cái gì cũng mẹ.
– Hơ hơ, tiền con để dành lấy vợ chứ bộ.
– Mày lấy bé My thì tao lo, còn lấy đứa khác thì tự lo.
– Ơ… mẹ nói thế…
– Nói gì mà nói, đi nhanh lên, sắp mưa rồi đấy!
– Mẹ khéo lo, mưa sao được, mấy ngày nay có mưa gì đâu.
– Ừ, lát về hỏng con cá thì mày chết với tao.
– …

Khẽ lướt qua phòng khách, dì Hạnh và cái đuôi tên Đức của dì vẫn đang cười nói rôm rả, chẳng hiểu sao đội này dụ dỗ ba tôi thế nào bây giờ tôi thấy ba đang chơi game đá bóng trên con PS4 của tôi với thằng Đức, dì Hạnh thì vừa nghỉ tay sau một hồi phụ giúp mẹ tôi nấu nướng, xem chừng không khí vui vẻ đầm ấm giữ lắm.

Mặc dù hôm nay là sinh nhật tôi, tôi cũng chẳng có một chút cảm giác gì gọi là vui vẻ, gọi là hạnh phúc cả, vì ngoài những món quà mà tôi nhận được ra, dẫu vẫn rất biết ơn những người thân của mình, tôi chẳng thể bói ra được chút cảm xúc nào khác để tận hưởng một ngày đặc biệt như vậy. Tôi biết mình sẽ chẳng thể chìm đắm trong cái cảm giác tệ hại này quá lâu nữa, vì học kỳ quan trọng sắp tới đã chuẩn bị bắt đầu, và hơn tất cả, tôi không muốn phụ lòng mong mỏi của những người xung quanh, khi họ đều hy vọng vào sự trở lại của tôi, của một thằng Phong giỏi giang, hoạt bát và tràn đầy tự tin.

Tôi thất thểu dắt xe ra ngoài, bầu trời lúc này đã đen kịt những mây, từng cơn gió thổi qua đã mạnh mẽ hơn thường lệ, chốc chốc lại cuốn theo những cơ man nào là bụi, là rác, là lá cây mà rong ruổi khắp trên các mặt đường. Những tia chớp khẽ lóe lên ở dãy nhà cao tầng xa xa, đi đôi với những tiếng ầm ầm giận dữ của ông trời, kèm theo bầu không khí đã dần trở nên lạnh lẽo hơn khiến tôi đồ rằng, có vẻ cơn mưa này sẽ thực sự không tầm thường chút nào. Đắn đo suy nghĩ hồi lâu, tôi quyết định sẽ không mang theo áo mưa, vì tôi cảm thấy, mình sẽ nhân cơ hội này trú mưa ở đâu đó, giả vờ như không có cách để về nhà đồng thời trốn tránh luôn thực tại, trốn tránh tất cả những người thân yêu đang chờ tôi trở về với bữa cơm gia đình đầm ấm. Tôi biết một khi mình làm vậy, tức là tôi đã quá ích kỷ, thế nhưng, tâm trạng tôi lúc này quả thực không sao hiểu nổi, đến cả tôi cũng không hiểu được nó, thì làm sao mọi người xung quanh có thể làm được kia chứ.

Trước mắt là thế, tôi vừa dạo xe vòng vèo vừa hy vọng trời sẽ đổ cơn mưa thật lớn, đủ để tôi không kịp về nhà nhưng đừng quá to khiến tôi ướt đẫm người, tôi không muốn bị bệnh đâu, hic hic. Quán cá nướng mà mẹ tôi thường mua nằm ở đường Phan Văn Trị, cách nhà tôi không xa lắm, chỉ khoảng 3 đến 4 cây số. Con đường này thì được cái là hàng quán cũng khá nhiều, san sát nhau ở hai ven đường, mỗi tội là đường khá nhỏ, mà lưu lượng xe đi lại thì quá ư là đông, thế nên việc kẹt xe ở đây diễn ra như cơm bữa. Hễ cứ tầm chiều chiều, khoảng từ 4h30 chiều trở về sau, quãng thời gian mà những người đi làm công ăn lương tan ca, và kèm theo học sinh tan học, tất cả cùng hợp sức lại, ùa vào nhau để làm con đường Phan Văn Trị dài ngoằng này cũng phải khóc thét vì mức độ ô nhiễm từ khói xe và số lượng người đang chờ hết kẹt xe phải gọi là đông khủng khiếp. Vậy nên, dù là với bất cứ lý do gì, tôi sẽ không bao giờ đi lại qua con đường này vào những khung giờ nhạy cảm như thế, vì rõ ràng là khi làm điều đó, tôi đã tự tay trừ đi nửa tiếng đến 1 tiếng trong cuộc đời mình chỉ để… chà lết trên đường, những mong thoát khỏi những màn kẹt xe dai dẳng.

Nghĩ ngợi vẩn vơ, tôi vòng vèo một hồi lại quay lại đúng một địa điểm quen thuộc, dù rằng ở đây chẳng có cá nướng, cũng chẳng có gia đình nào đang chờ đợi tôi. Cái trạm xe buýt quen thuộc ngày ấy, giờ đây đã không một bóng người sau khi những chuyến xe gần như là cuối cùng vừa lăn bánh cách đây không lâu. Vẫn cái chỗ ngồi quen thuộc đó, thế nhưng những tấm biển hiệu quảng cáo đã được thay thế khác đi, tuy vẫn tạo cảm giác ngờ ngợ nhưng lại vô tình khiến không gian có đôi chút lạ lẫm. Tôi bần thần dắt xe dựng kế bên rồi chui tọt vào góc ngồi, cái góc mà tôi và Uyển My đã cùng nhau trú mưa nhiều đêm ấy, đó cũng là cái góc mà cả tháng nay, ngày nào cũng tầm giờ này là tôi phải xách xe đến và ngả người vào… tận hưởng. Tôi ghét cái cảm giác này, cái cảm giác muốn tìm thấy được thứ gì đó thân quen, vẫn cứ cố gắng hy vọng, dù rằng biết mọi chuyện sẽ chẳng ra sao thật sự rất đau khổ, rất dằn vặt và rất… đau lòng.

“Lộp bộp… lộp bộp”

Những giọt nước mưa đầu tiên, nặng nề và mạnh bạo đã vô tình trút xuống mái che nơi cái trạm xe buýt nhỏ nhoi mà lạnh lẽo ấy. Tôi cố gắng ngồi nép mình vào phía trong hết sức có thể, lấy hai tay tự ôm chặt bản thân rồi lặng lẽ ngồi nhìn theo cơn mưa đang ngày một diễn biến tăng tiến hơn. Và tôi đã được thỏa nguyện, đã có được lý do để có thể không trở về nhà, vì tôi chẳng mang theo áo mưa, và cũng sẽ chẳng có con cá nướng nào được đem về nhà hết, vì tôi đâu có ý định sẽ làm điều đó đâu chứ.

Cơn mưa mùa thu lại ào ạt đổ xuống, những giọt nước rơi nặng trĩu và oán giận như cố gắng trút thẳng từ nơi bầu trời xám xịt kia. Dưới mái che của trạm xe buýt cũ kỹ, tôi vẫn lặng yên tận hưởng khoảng không gian tĩnh mịch cùng giai điệu Kiss The Rain man mác vang lên từ chiếc điện thoại bên cạnh. Cảm giác được nghe những nốt nhạc trầm buồn này giữa cơn mưa quả thực là một trong những cảm giác… tuyệt vời nhất trên cõi đời này, dù rằng nỗi day dứt mà nó đem lại không gì có thể đong đếm. Chiếc áo khoác của tôi lúc này ướt đẫm, đôi vai nhô cao vì lạnh, mái tóc dính nước mưa rũ vội xuống trán, vài giọt nước lăn chậm từ những lọn tóc đen bóng tạo nên những bong bóng nước dưới mặt đất, chầm chậm… vỡ tan. Xung quanh, nước đọng thành từng vũng lớn trên mặt đường, tạo nên tiếng lộp độp khi những giọt mưa tiếp tục rơi. Ánh đèn đường vàng vọt phía xa chỉ le lói, hắt ánh sáng mờ nhạt lên vỉa hè trống trải, nơi chỉ có một thằng con trai đang co ro gặm nhấm nỗi buồn, nỗi buồn mà có lẽ sẽ chẳng có thứ gì hóa giải nổi.

Mưa càng lúc càng lớn, thân thể tôi lúc này cũng đã ướt đẫm những giọt nước mưa. Thế nhưng tôi vẫn ngồi đó, tay nâng chiếc áo khoác lên quá đầu để che chắn cho chiếc điện thoại yêu quý vẫn đang làm tốt nhiệm vụ là truyền tải đến những cảm xúc mơ hồ qua giai điệu của bản nhạc Kiss The Rain thần thánh. Tôi buông ánh mắt nhìn xa xăm qua màn mưa dày đặc, dường như đang đắm chìm trong những dòng suy nghĩ mà chỉ có mình tôi hiểu, mình tôi cảm nhận. Mưa rơi quá lớn, làm mờ cả khung cảnh trước mắt tôi, nhưng có lẽ cũng khiến tôi cảm thấy được một sự cô đơn quen thuộc, một sự cô đơn tưởng như sắp chạm đến đỉnh điểm của nỗi tuyệt vọng. Trạm xe buýt trở thành nơi trú ẩn tạm thời, tách biệt tôi khỏi thế giới ngoài kia, nơi mà những giọt mưa nặng nề đó tuy không thể chạm tới tâm hồn nhưng cũng biết cách làm tôi chẳng thể thoát ly được những cảm xúc… đau thắt.

Tiếng mưa rơi đều đặn, như một bản nhạc buồn vang lên giữa lòng phố thị lúc này vắng lặng hẳn những tiếng xe cộ. Có lẽ sức nặng của những cơn gió, những hạt mưa và cả những tiếng sấm chớp kinh hãi đã khiến người ta chẳng còn dám bước chân ra đường nữa. Từng đợt gió lạnh thổi qua, làm rung lên từng tấm biển quảng cáo cũ kỹ trên trạm xe buýt, chúng phát ra những âm thanh kẽo kẹt đầy ma mị và chơi vơi, hệt như cảm giác của tôi lúc này. Tôi cố gắng giữ cho chiếc áo khoác của mình xòe rộng hết mức có thể để che đi những giọt nước vô tình có thể làm ngắt quãng dòng cảm xúc trong bài hát mà tôi đang nghe. Tôi hít sâu một hơi, cảm nhận hơi lạnh có vẻ như đang thấm dần vào tận lồng ngực. Những chiếc xe ô tô thỉnh thoảng vụt qua, tạo nên từng làn nước bắn lên vỉa hè, rồi biến mất nhanh chóng vào khoảng không mờ mịt:

– Về chưa con? – Giọng mẹ tôi đầy lo lắng…
– Chưa mẹ ơi, con quên… mang áo mưa – Tôi ngây ngô đáp…
– Tao đã bảo rồi không nghe, thế hết mưa về sớm đó, cả nhà đang chờ!
– Dạ… con biết rồi.

Tôi liếc nhìn đồng hồ trên màn hình điện thoại, đã 7h30 phút tối, thế nhưng thời gian dường như không còn ý nghĩa trong khoảnh khắc này nữa, vì tôi cũng chẳng thiết tha làm gì cả. Tôi cứ cố gắng chờ một điều gì đó, dù biết mọi thứ lúc này đã thực sự vô định, thực sự mịt mờ, chẳng có đường ra. Những kỷ niệm cũ cũng người con gái tôi thương bất giác ùa về, những đoạn ký ức lướt qua như những giọt mưa đập mạnh vào mặt đường, từng chút một, gợi lên những nỗi đau và tiếc nuối. Đôi mắt tôi chẳng biết từ bao giờ đã ngấn lệ, tôi thở hắt ra, từng hơi thở nặng nề, trống rỗng. Những người thân đang chờ đợi tôi ở nhà, chẳng biết liệu họ có cảm nhận được rằng, tôi đang trải qua những giây phút cực kỳ khó khăn và đau khổ hay không? Nếu có biết, xin hãy tha lỗi và cảm thông cho tôi, vì thằng Phong của ngày hôm nay quả thực đã quá đỗi mệt mỏi rồi.

Xa xa, tiếng bước chân ai đó vang lên giữa những tiếng mưa xen lẫn, càng lúc càng gần hơn, đủ để cho tôi nhận biết được dù rằng tiếng chân ấy tưởng như đã chìm nghỉm trong vô vàn những âm thanh khắc nghiệt của thời tiết. Thế rồi bất thình lình người đó dừng lại ở phía cuối trạm. Tôi chẳng buồn ngước mặt lên vì có vẻ đó cũng chỉ là một người lạ cô đơn, giống như tôi, cũng đang cố gắng tìm chỗ trú mưa, đứng dưới mái che, chỉ cách tôi có một vài bước chân. Cả hai không ai nói gì, chỉ có tiếng mưa và những giai điệu piano nổi da gà của nhạc sĩ Yiruma là lời đối thoại duy nhất giữa tôi và người đó, ngay lúc này. Nhưng trong sự tĩnh lặng mà yên bình đó, tôi cảm thấy dường như giữa chúng tôi đang có một sự kết nối vô hình. Cơn mưa tuy lạnh lẽo, nhưng có lẽ lại mang đến sự gắn kết bất ngờ giữa những người xa lạ, cùng chung một điểm dừng trong cuộc đời ngược xuôi này. Người đó vẫn đứng yên hồi lâu, có vẻ là một cô gái, tay đang nắm chặt cán của một chiếc ô nhỏ tối màu, nhìn tôi về hướng tôi dài đằng đẵng, ngỡ như chẳng thể có điểm kết.

Mưa vẫn rơi, không có dấu hiệu sẽ ngừng lại, giống như nỗi buồn trong lòng tôi vậy. Trong giờ phút ấy, bằng sự tò mò cố hữu của mình, tôi nặng nề ngẩng đầu lên, ngắm nhìn từng hạt mưa lấp lánh dưới ánh đèn đường, rồi chuẩn bị sẵn tinh thần nhìn về phía cô gái xa lạ kia. Trong khoảnh khắc kỳ diệu ngày ấy, tôi cảm thấy trong lòng mình như dâng lên một nỗi nhẹ nhõm, một niềm phấn khích không thể diễn tả được bằng lời văn khô khan này, cứ như thể cơn mưa vô tình kia đã cuốn trôi đi phần nào những nỗi niềm nặng trĩu trong lòng tôi. Và trong màn mưa thăm thẳm của buổi tối hôm đó, một giọng nói nhẹ nhàng vang lên, đầy trong trẻo và… hoài niệm:

– Anh đẹp trai gì đó ơi, sao lại ngồi khóc một mình thế?

Thể loại