Đối với nhiều người khác, ký ức tuổi thơ chính là những ngày còn nhỏ, được “cởi truồng tắm mưa”, mặc kệ hết tất cả những lời khuyên ngăn của người lớn, những cơn mưa ngày thơ bé sẽ là những kỷ niệm không thể nào quên đi theo mỗi chúng ta đến hết cuộc đời. Thế nhưng, tôi lại là một trường hợp khá đặc biệt. Vâng, tôi không thích tắm mưa, vì mỗi lần tắm mưa, tôi đều bị sốt cao, 38 39 độ, lâu lâu lại còn được khuyến mãi thêm toping co giật khiến ba mẹ tôi chết khiếp không biết bao nhiêu lần. Bản thân tôi thời điểm đó cũng chưa nhận thức được hết sự nguy hiểm của những cơn co giật mang lại, cơ mà tôi vẫn không thích… đội mưa. Tôi không thích sốt cao, không thích nằm li bì trên giường, không thích nhìn những người thân yêu của tôi lo lắng chăm sóc cho tôi từng li từng tí. Tôi chỉ muốn có sức khỏe, được tự do chạy nhảy, chơi đùa. Tôi chỉ thích cáo bệnh mặc dù không bị… bệnh để trốn học, còn lại tuyệt nhiên chưa bao giờ tôi muốn phải nằm liệt giường liệt chiếu cả, lớn đùng như bây giờ lại càng không.
Cơ mà mặc dù không thích tắm mưa, tôi vẫn có cảm giác thú vị mỗi khi đi bộ dưới cơn mưa, tận hưởng cảm giác người không bị ướt mặc cho những giọt mưa có bắn tung tóe phía bên cạnh. Tôi thích ngồi giữa một khung cảnh quang đãng những ngày trời mưa, được ngắm những giọt mưa và tận hưởng giai điệu gây xúc động của Kiss The Rain. Cho đến tận ngày hôm nay, khi ngồi viết những dòng tâm sự này, tôi vẫn là tôi, vẫn luôn luôn có một xúc cảm mạnh mẽ và lạ kỳ với mưa. Cơn mưa ngày ấy kéo theo không biết bao nhiêu những kỷ niệm, và một trong số đó, là kỷ niệm ngày đầu tiên gặp gỡ.
Sân trường lúc này đã không một bóng người, chỉ còn lại tiếng mưa rơi rả rích và bóng hình một người con gái đang bồi hồi ngóng đợi. Tôi chợt dừng lại khi thấy Uyển My vẫn đứng đó, nàng có vẻ như đang trông mong một ai, nhưng rồi lại thôi. Hít một hơi thật sâu, tôi lấy hết dũng khí tiến đến gần Uyển My:
– Ủa sao My chưa về?
Nàng nhìn tôi, đôi mắt tròn xoe như muốn hỏi:
– Bạn… bạn biết tên mình hả?
– Ừa, mình học chung lớp với nhau mà, My không nhớ mình à? Ban nãy mình giỡn trong lớp bị thầy… ném phấn vô đầu đó.
Uyển My chớp mắt, thoáng nhìn xa xăm rồi bất chợt quay lại với tôi, nở một nụ cười thật tươi, tươi như cách nàng vẫn làm hớp hồn bao nhiêu thằng con trai:
– Ừa, hì, mình nhớ rồi, bạn tên gì nhỉ?
– Mình tên Phong, Thanh Phong. Thanh trong từ Thanh Phong và Phong trong từ Thanh Phong – Tôi tếu táo…
– Hì, vậy mà cũng nói được nữa.
– Hehe, mình mà. Rồi sao My chưa về đi, trưa rồi đó?
Nàng nhìn tôi ái ngại, rồi lại thoáng bối rối đưa tay điện thoại lên xem:
– Ừm, My gọi Grab nãy giờ mà không có ai nhận hết, chắc mưa lớn quá họ ngại hay sao đó.
– Ừa đúng rồi đó, mưa Grab họ tắt app hết rồi. Mà bộ nhà My không có xe hả sao mà phải đi Grab đi học vậy? – Tôi khó hiểu…
– Thật ra thì… My không có biết chạy xe, nên… nên… – Nàng khẽ đỏ mặt, ấp úng…
– À rồi, vậy nên My đi Grab đi học hen. Mà My đủ 18 tuổi chưa đó, sao chưa biết chạy xe?
Uyển My nhìn tôi, nhíu mày:
– Vô duyên.
– Uầy, mình xin lỗi, mình giỡn thôi – Tôi xìu mặt, chưa gì đã chọc giận nàng rồi…
Mặc cho những sự lo lắng và mong đợi của Uyển My, cơn mưa nặng hạt vẫn chẳng có chút gì thay đổi, vẫn cứ lộp bộp rơi trên những mái tôn nhà để xe tạo nên bản giao hưởng âm thanh ồn ào nhưng cũng đầy tĩnh mịch. Tôi thoáng nhìn đồng hồ, đã gần 11h trưa, chắc cũng sắp đến giờ cơm. Tôi không biết những gia đình khác thế nào, cơ mà nhà tôi đã có luật bất thành văn, không cần biết ở đâu làm gì, cứ 11h30 đến 12h là cả nhà sẽ tập trung ăn cơm trưa. Tối đến thì tầm 19h đến 19h30 là lại có một đợt điểm danh gia đình tiếp theo. Cái bộ luật tưởng như chẳng đâu vào đâu ấy đã giúp gia đình tôi luôn quây quần bên cạnh nhau trong suốt 24 năm cuộc đời của mình. Chẳng cần giàu sang phú quý, chỉ là gia đình luôn có nhau đã là hạnh phúc rồi:
– Thôi hay là như này đi, Phong đưa My về nhé, chịu không?
Uyển My khẽ bối rối, nàng ném một ánh mắt ngờ vực về phía tôi:
– Ưm… thôi, để My tự về được rồi!
– Hay quá ha, tự về bằng cách đứng đợi đến hết mưa hả?
– Kỳ cục! – Nàng giận dỗi…
Tôi đâu phải là một thằng đầu óc ngu si tứ chi phát triển, tôi thừa biết Uyển My đang thập phần lo sợ trước lời mời gọi quá ư là… thô thiển tới từ một thằng con trai cùng lớp mới lần đầu gặp mặt. Kể cũng phải, chưa quen biết gì đã đòi đưa rước con gái nhà người ta về, chưa gọi công an đến túm cổ là may lại còn hỏi vặn ngược lại:
– Vậy như này đi, mình đưa My về, nếu mà My không yên tâm thì bây giờ như này đi.
– Ừm, như nào vậy? – Nàng thỏ thẻ…
– My gọi điện về nhà, hoặc nhắn tin gì đó, nói có bạn đưa về, chụp biển số xe mình luôn có gì thì nhà My yên tâm hơn, được chưa?
Nàng đắn đo mất vài giây, lại đưa điện thoại lên xem giờ, sau đó thì cũng chụp choẹt gửi tin nhắn cho gia đình như lời tôi nói. Nếu là lúc đã quen biết mà làm vậy thì đời nào tôi chịu chở, cơ mà dù sao cũng lần đầu tiếp chuyện, cẩn thận vẫn hơn chứ. Trời thì đã mưa, đang mưa và sẽ mưa. Không lên xe tôi đưa về thì có mà đợi đến tối. Nhưng nói gì thì nói, bình thường tôi có mà thèm quan tâm đến tụi con gái khác, có đi bộ lội mưa ướt hết thì tôi cũng chẳng quan tâm lắm, tính tôi nó vậy. Tôi đã không quan tâm đến thứ gì thì chẳng có ai bắt tôi phải để ý đến nó được cả, còn tôi đã tập trung vào ai thì người đó có đi đến cùng trời cuối đất, tôi cũng lần theo được. Cơ mà người mà tôi muốn đưa về lúc này thì đã về mất tiêu từ ban nãy rồi còn đâu. Ái Quyên đối với tôi như một giấc mơ vậy, nàng đến bất chợt và rời đi cũng rất nhanh. Sau khi thông báo gia đình về việc “trao thân gửi phận” cho tôi hồi lâu, Uyển My xem chừng vẫn nhiều phần đắn đo, cứ lúc lắc mãi không thôi:
– Rồi sao đây, tiểu thư? Quyết định lẹ rồi về nè!
– …
– Chà, trời mưa to như này mà đợi chắc cỡ 6 7h tối mới hết mất, chậc!
Tôi giả điên, tung bài dọa nát khiến Uyển My đã có dấu hiệu đứng ngồi không yên. Nàng mấp máy môi, ngại ngùng:
– Vậy phiền… Phong đưa mình về nhen, hì!
– Hehe, không phiền tí nào. Mời tiểu thư lên… ơ…
Nói đoạn, tôi chợt sững người lại khi vừa nhớ ra một bí mật kinh thiên động địa, Uyển My mà nghe thấy chắc cũng thất kinh hét toáng lên mất. Đó là như những gì đã nói, tôi rất ghét áo mưa cánh dơi, loại áo mưa có thể dùng để phủ lên xe, đi 1 hoặc 2 người. Đúng như vậy, loại áo mưa đó chỉ thích hợp với những cơn mưa nhỏ, không có gió, còn khi gió đã nổi lên thì mặc cũng như không, căn bản là đều sẽ ướt hết cả. Vậy nên, chính vì lẽ đó, tôi đã nhanh trí đổi sang loại áo mưa bộ, cách mặc thì cũng không khác quần áo bình thường là mấy, vừa gọn vừa thoải mái chân tay, không phải canh cánh lo tà áo mưa vướng vào bánh xe hay mấy thứ tương tự như vậy. Cách đây ít giờ, tôi vẫn cười cành cạch, vỗ đùi mà tự khen cho ý tưởng mua áo mưa bộ của mình. Cơ mà giờ đây, tôi đã chợt nhận ra một yếu điểm chết người của áo mưa bộ, đó là chỉ dành cho… 1 người. “Khốn nạn, mai phải mua thêm 1 bộ nữa mới được” – Tôi nghiến răng ken két, tự chửi rủa chính bản thân mình:
– Sao vậy… Phong? – Nàng lo lắng…
– À… tại… Phong có mỗi một bộ áo mưa thôi, mà…
– Vậy thôi, Phong về đi, kệ mình – Nàng e ngại…
– Đâu có được. Thôi như này đi, nhà Phong cũng gần trường lắm, đi tầm 2 phút là tới. Giờ chạy ù về tắm nước nóng cũng được, không sao. My mặc vào đi kẻo lạnh!
– Nhưng mà…
Các cụ xưa đã từng nói, anh hùng thì khó qua ải mỹ nhân. Một cao thủ võ lâm đầy dũng mãnh như tôi khi đứng trước đại mỹ nhân Uyển My thì cũng phải run chân mỏi gối, miệng mồm lắp bắp. Thế nhưng không biết làm sao mà giờ tôi nói xạo trơn như bôi mỡ. Từ nhà tôi đến trường cũng có thể nói là gần, mà là gần… 30 phút mới tới chứ 2 phút cái con khỉ. Nhưng không sao, vì người đẹp, vì tương lai con em chúng ta, tôi sẵn sàng chịu mưa để đưa nàng về dinh:
– Không nhưng gì cả, mình con trai khỏe lắm, My mặc vào đi kẻo ướt mai bệnh khỏi đi học cho xem!
– …
Nàng nhìn tôi với ánh mắt đầy hối lỗi. Trời ơi, em đâu có lỗi gì, lỗi là do tôi đã quá say mê vẻ đẹp của em mà thôi:
– Nào, mặc vào để mình dắt xe!
Uyển My không nói gì, chỉ lặng lẽ đi theo sau lưng tôi. Lúc này, nhìn nàng nhỏ bé như con mèo con, nhìn mà chỉ muốn nhào tới ôm chặt vào lòng. Cơ mà đường đường một đấng hào kiệt, không thể lợi dụng thời cơ làm xằng làm bậy với con gái nhà lành. Tôi giúp Uyển My mặc áo mưa vào rồi mau chóng nhảy lên xe, sẵn sàng cho nhiệm vụ quan trọng sắp tới:
– Khoan! Chờ 2s!
– …
Tôi khẽ cúi người xuống, gạt hai bên gá để chân để Uyển My dễ dàng leo lên xe. Ngày xưa mỗi lần chở con gái, tôi cũng chẳng bận tâm lắm đến cái tiểu tiết này. Cơ mà dần dà, tôi thật sự nhận thấy, con gái luôn muốn được chăm sóc, vậy nên, tôi đã cố gắng tập thành thói quen. Đến bây giờ, bất kể người ngồi sau lưng tôi có là con trai hay con gái, người già hay trẻ nhỏ, tôi đều sẽ làm như vậy, một hành động dù nhỏ nhưng chứa đựng biết bao tâm ý:
– Rồi, xong xuôi! Mời tiểu thư lên!
– Hì, chu đáo ghê. Cảm ơn Phong nhiều! – Nàng cười, không cần nhìn, tôi cũng biết đó sẽ là nụ cười như thế nào…
– Bám vào hai bên áo khoác của Phong đi kẻo ngã, đi nhé!
Uyển My nghe lời, nàng khẽ bấu víu vào hai bên áo khoác của tôi trước khi hai đứa lao đầu vào cơn mưa giữa trưa hè.
Trời vẫn rả rích mưa, nhưng từng giọt rớt xuống đã không còn lạnh lẽo và nặng nề như lúc ban đầu. Bầu trời xám xịt kéo theo những đám mây khổng lồ tưởng như đang trực chờ rơi xuống bao trùm hết tất cả. Tôi chở Uyển My băng nhanh qua những cung đường của thành phố. Mưa không lạnh, chỉ hơi mát, nhưng những cơn gió rít quá mới khiến cơ thể tôi không làm chủ được mà khẽ run lên bần bật. Uyển My áp sát miệng vào tai tôi, lo lắng:
– Phong… Phong có bị lạnh lắm không?
– Vô… vô… vô tư đê bạn ơi. Dăm ba… cái… mư… mưa này ăn nhằm gì. Hê… hê!
Tôi vờ nói cứng nhưng người thì cứ sởn gai ốc từng đợt vì lạnh. Tổ sư thời với chả tiết, mưa gì mà mưa mãi không hết vậy nè, tôi thầm chửi rủa:
– Mình xin lỗi Phong nhen, tại mình mà… – Nàng phụng phịu, xem chừng cảm thấy có lỗi lắm…
– Không… không sao cả. Mình khỏe… khỏe lắm! Dăm ba… hắt xì!!!
Lái xe được tầm 10 phút, mưa đã bắt đầu có dấu hiệu nguôi ngoai. Tiếng mưa đã không còn ồn ào như lúc nãy mà thay vào đó là sự nhẹ nhàng lãng mạn của cơn mưa nơi Sài thành. Uyển My đưa tay lên chỉ trỏ không ngừng khi tôi đã bắt đầu lâm vào thế bí. Dù là người con của Sài Gòn đã nhiều năm, cơ mà tôi vẫn không tài nào nhớ hết từng ngóc ngách của cái thành phố đất chật người đông này. Bây giờ ai nói tôi đi đến quận nào thì tôi đều có thể đi được hết, mỗi tội đường nào phường nào thì còn phải trông chờ vào số phận. Uyển My dẫn tôi băng qua vài cây cầu vượt nhỏ, hàng tá những ngã tư trước khi tiến vào con đường LQĐ đầy khói bụi:
– Tới nhà mình rồi, Phong cho mình xuống ngay đây nhen.
Nàng vừa dứt câu là bánh xe của tôi cũng vừa trờ tới. Nhà của Uyển My là một căn nhà mang phong cách cổ điển, nhìn cực kỳ sang trọng nhưng cũng không kém phần tiện nghi. Căn nhà được sơn màu trắng, phần cổng chính cũng màu trắng được tô điểm thêm bằng giàn hoa giấy đủ loại sắc màu. Mưa to khiến cho hoa giấy rụng lã chã nơi trước sân càng làm cho khung cảnh thêm nên thơ trữ tình. Nhà của Uyển My xem chừng cũng khá rộng rãi khi còn có cả phần sân trong khá lớn, ước chừng có thể nhét vừa 2 đến 3 chiếc ô tô. Đón nàng ở cổng chính là một người phụ nữ lớn tuổi với phong thái ăn mặc khá giản dị khiến tôi có đôi phần thắc mắc:
– My về rồi hả con, đưa cặp sách đây cho dì rồi vào nhà nhanh kẻo ướt! – Người phụ nữ đón lấy chiếc cặp từ tay Uyển My rồi nở một nụ cười trìu mến…
– Dì Út vào trước đi, con vào ngay nè!
Uyển My với tay lấy chiếc dù nhận từ người mà nàng gọi là Dì Út rồi chạy đến phía tôi:
– Phong ướt hết rồi, coi chừng bệnh đó, hay là Phong vào nhà mình một lát đi, tạnh mưa hẵng về – Nàng nhìn tôi với ánh mắt đầy vẻ biết ơn, xen lẫn là một chút gì đó tội lỗi…
– Không sao… sao đâu, mình khỏe… khỏe… khỏe lắm, My vào nhà đi… kẻo… ư… ướt!
Tôi nói, răng môi lúc này cứ thế va vào nhau cồm cộp khiến Uyển My càng thêm khó xử:
– Mình xin lỗi Phong nhiều, tại mình… – Nàng nói như khóc, khóe mắt nhìn như đã rưng rưng…
– Ơ kìa, ai đấm mà cậu mếu? Yên trí đi, mình khỏe như trâu, thấy chưa?
Chẳng hiểu từ lúc nào, miệng mồm tôi lại hoạt động hết công suất, không còn va đập như ban nãy nữa:
– Thiệt không đó? – Uyển My bĩu môi…
– Thiệt sao không, vào nhà đi không bệnh, giờ Phong về!
– Cảm ơn Phong nhiều nhen, mình…
– Cảm động quá rồi phải không, hehe. Thôi đùa đó, vào nhà đi, Phong về nhé, bái bai Tiểu Uyển My!
– …
Tôi vẫy tay chào nàng rồi mau chóng chạy vụt đi, để mặc cho nàng đứng ngơ ngác ở cổng chưa kịp ú ớ trả lời, trong lòng lúc này thì lại khoan khoái tột đỉnh vì độ ngầu của bản thân:
– Há há, ai mà ngầu được như Phong nữa, hê hê! Ơ…
Và trưa hôm ấy, tôi về nhà, mà quên lấy lại… bộ áo mưa.
– Hơ hơ, hắt xì!
– Thằng kia sao đi mưa không mặc áo mưa? Ngu thế hả con. – Mẹ tôi khởi nguồn…
– Mấy thằng như này thời nay chúng nó gọi là “dân chơi không sợ mưa rơi” đấy em – Ba tôi đối ẩm…
Những lời thăm hỏi động viên của song thân phụ mẫu khiến tôi cảm động muốn rớt nước mắt. Chậc, chỉ vì cái tính sĩ gái không bao giờ bỏ, tôi đã tự chuộc họa vào thân. Này thì đầu trần không sao, này thì nhà gần 2 phút. Tôi nằm bẹp dí trên giường suốt buổi chiều hôm đó, cũng may là kịp về nhà tắm nước nóng không hậu quả chắc còn khôn lường hơn nữa. Kể cũng lạ, người tôi vừa đội mưa cùng là Uyển My, thế nhưng tôi lại chỉ nhớ đến gương mặt đầy nét quý phái của Ái Quyên. Cơ mà con gái thì rốt cục vẫn chỉ là con gái, vẫn sinh ra để làm khổ tụi con trai như tôi. Haizz. Tôi thở dài, nằm yên trong phòng mà chìm đắm vào giấc ngủ với tiếng nhạc du dương ở bên cạnh.
Tôi rất ít khi ngủ, nói chính xác là tôi ít khi nào ngủ ngoài giờ… ngủ. Nói có vẻ khó hiểu nhưng thực chất là chẳng có gì cao siêu. Thời khóa biểu của tôi sẽ bắt đầu hoạt động từ khoảng 7h sáng cho đến 11 giờ đêm, khoảng thời gian sau đó tôi dành toàn tâm toàn ý cho việc ngủ. Thói quen này đã được tôi gìn giữ suốt bao nhiêu năm qua, vậy nên sức khỏe của tôi cũng có thể coi là luôn được đảm bảo. Ngoại trừ mấy pha thích làm màu đầu trần tắm mưa thể hiện với gái, tôi cũng có thể nói là rất ít khi bị bệnh hoạn phải nằm liệt giường. Hình như đêm nay tôi lại nằm mơ, trong giấc mơ thấm đẫm tình cảm đó, tôi mơ thấy mình và Ái Quyên cùng nhau sánh bước tiến về phía lễ đài chuẩn bị cắt bánh uống rượu giao bôi thì bỗng, Uyển My từ đâu lao tới ném… áo mưa vào mặt tôi rồi nàng cùng… Ái Quyên… bỏ đi mất:
– Ơ ơ, oáp!!!
Thức dậy sau một giấc ngủ dài hơi khác thường lệ, tôi vươn vai đầy khoan khoái khi cơn đau đầu ban nãy đã tan biến đi tự lúc nào. Nhiều lúc tôi tự hỏi, không biết dòng máu Saiyan có chảy trong huyết quản của tôi hay không, thế nhưng mỗi lần đau ốm bệnh tật, chỉ cần ngủ dậy là cơ thể tôi như đã tự chữa lành hết 90%. Giấc mơ quái đản ban tối khiến tôi bất giác bật cười. Mà nói mới nhớ, có nhiều lúc tôi có những giấc mơ vô cùng logic với tình tiết câu chuyện có thể gọi là tinh túy hơn siêu phẩm Hollywood, cơ mà lúc dậy tôi lại chẳng nhớ được miếng nào. Ấy thế mà với mấy giấc mơ mang xu hướng tùm lum và tào lao, tôi lại nhớ rất rõ, thế mới đau chứ. Với tay lấy điện thoại kiểm tra, ôi mẹ ơi, đã gần 7h… sáng. Vậy là sau khi về nhà tắm rửa và ăn một miếng cháo qua loa, tôi đã ngủ một mạch hơn 14 tiếng đồng hồ. Đây chắc có lẽ là giấc ngủ dài nhất trong cuộc đời tôi từ xưa đến giờ. Vậy là hôm nay, được đi học rồi đây, được gặp nàng rồi đây, hê hê. Mở toang cửa sổ, tôi như một người bị giam nhốt lâu năm nay tìm lại được ánh nắng của sự sống. Những tia nắng đầu ngày nhẹ nhàng mà ấm áp khẽ nhảy nhót trên bậu cửa sổ, đâu đó những chú chím ríu rít đuổi nhau trên những cành lá, hôm nay trời đẹp, không mây không mưa, ít nhất là cho đến hiện tại.
Đánh răng rửa mặt ăn uống xong xuôi, tôi tạm biệt ba mẹ để sẵn sàng cho một ngày mới năng động và tràn đầy sức sống. Thở hắt ra một tiếng, tôi phấn khởi dắt xe ra để chuẩn bị bắt đầu buổi học đầu tiên. Và ngày hôm đó cũng đã đánh dấu một trong những kỷ niệm khó quên nhất trong cuộc đời tôi, nghĩ lại đến tận bây giờ, tôi vẫn cảm thấy có chút gì đó nuối tiếc.
Chuyện là…
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 9
Phần 10
Phần 11
Phần 12
Phần 13
Phần 14
Phần 15
Phần 16
Phần 17
Phần 18
Phần 19
Phần 20
Phần 21
Phần 22
Phần 23
Phần 24
Phần 25
Phần 26
Phần 27
Phần 28
Phần 29
Phần 30
Phần 31
Phần 32
Phần 33
Phần 34
Phần 35
Phần 36
Phần 37
Phần 38
Phần 39
Phần 40
Phần 41
Phần 42
Phần 43
Phần 44
Phần 45
Phần 46
Phần 47
Phần 48
Phần 49
Phần 50
Phần 51
Phần 52
Phần 53
Phần 54
Phần 55
Phần 56
Phần 57
Phần 58
Phần 59
Phần 60
Phần 61
Phần 62
Phần 63
Phần 64
Phần 65
Phần 66
Phần 67
Phần 68
Phần 69
Phần 70
Phần 71
Phần 72
Phần 73
Phần 74
Phần 75
Phần 76
Phần 77
Phần 78
Phần 79
Phần 80
Phần 81
Phần 82
Phần 83
Phần 84
Phần 85
Phần 86
Phần 87
Phần 88
Phần 89
Phần 90
Phần 91
Phần 92
Phần 93
Phần 94
Phần 95
Phần 96
Phần 97
Phần 98
Phần 99