Ngày thứ 3 ở Đà Lạt, mưa nhỏ từ sáng, sương mù và hơi nước lan tỏa trong không khí, ẩm ướt. Vì lý do thời tiết, kế hoạch du ngoạn Langbiang phải hoãn lại, trong lúc chờ đợi, tôi sang phòng Tiểu Quỳnh giúp nàng chuẩn bị đồ đạc cho buổi cắm trại. Từ hôm đến nhà nàng, đây là lần đầu tiên tôi dám bén mảng đến phòng “công chúa”, tôi có cảm giác, chỉ là cảm giác, có thể bất cứ lúc nào, ở một ngóc ngách bí hiểm nào đó, mẹ nàng, bố hay thậm chí là bà nội đang quan sát tôi, một ý tưởng điên rồ để che đậy sự nhút nhát của mình. Rõ ràng chẳng có gì phải lo lắng, mọi người đối xử với tôi quá tốt, Tiểu Quỳnh đủ trưởng thành, tôi đủ chín chắn để không làm chuyện sằng bậy, nếu lỡ bước vào phòng nàng mà quên để cửa mở.
– Minh vào được chứ? – Tôi nói một cách dè chừng.
– Vào đi – nàng mỉm cười, không chút đề phòng – giúp Quỳnh xếp mấy chiếc túi ngủ.
– Thời tiết sẽ khá lên chứ nhỉ?
– Vẫn hay như vậy… đang mùa mưa… đợi lát nắng lên là mình có thể đi. – Nàng trấn an, có thể nàng không phải chuyên gia trong lĩnh vực thời tiết nhưng tôi tin tưởng tuyệt đối.
Gấp xong mấy chiếc túi ngủ, chính xác là bốn, bỏ chúng vào ba lô, sau đó, hai đứa bỗng lóng ngóng tay chân, nên làm gì tiếp theo, tôi tự hỏi mình, mở cửa và ra ngoài, tôi không nhút nhát đến thế, ở lại, nghe cũng được, dù nó không ổn lắm, một nam một nữ trong phòng và đây là hang cọp. Tôi đứng dậy, gãi đầu, Tiểu Quỳnh cũng bối rối giống tôi, nàng đi lại giá sách, lựa một quyển, thậm chí không liếc qua tên sách, rồi nằm lên giường mở sách ra xem, rất tự nhiên giống như đang ở phòng mình, ồ… tất nhiên, tôi quên mất.
– Minh thích đọc sách không? – Nàng nói và hé mắt nhìn qua gáy sách.
– Ừ… thích, Minh cũng đọc khá nhiều – tôi nói và lướt tay trên giá sách. – Quỳnh thích đọc thể loại gì?
– Tiểu thuyết văn học, thần thoại… Còn Minh?
– Truyện thiếu nhi. – Tôi nói với đôi môi tủm tỉm.
– Sao – nàng cười ngạc nhiên – Lớn đầu thế này mà.
– Không như Quỳnh nghĩ đâu… chẳng hạn như truyện Lord of the Rings hay Harry Potter – tôi tựa người vào giá sách, cầm lên một quyển.
– Quỳnh cũng thích đọc mấy quyển đó – nàng mỉm cười – nhưng chúng được xếp vào thể loại truyện thiếu nhi từ khi nào vậy?
– Với Minh thì chúng là truyện thiếu nhi… vì mang yếu tố cổ tích – nhắc đến truyện, lại nhớ ngày xưa – Minh chẳng bao giờ muốn lớn cả – tôi cười thầm.
– Trong Lord of the Rings, Minh thích nhân vật nào?
– Arwen… công chúa xứ Rivendell… Còn Quỳnh? – Tôi vờ suy nghĩ, đó là cái tên tôi chọn ngẫu nhiên trong hằng hà các nhân vật của truyện, nàng hé môi định trả lời thì tôi đã vội nói trước – Ấy khoan, để Minh đoán… uhm… Aragorn?
– Tất nhiên… Minh đoán đúng rồi đó. – Nàng cười.
– Thật dễ đoán… chúng ta có nhiều điểm chung quá – tôi không thể che giấu nụ cười gian xảo, ngầm bảo rằng nàng cũng háo sắc giống tôi.
– Aragorn không chỉ đẹp trai… anh ta can trường và dũng cảm, ai mà không thích một người đàn ông như vậy – nàng ngượng ngùng, miệng tủm tỉm.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế, chăm chú quan sát những món vật dụng xinh xắn, nằm ngăn ngắn trên chiếc bàn gỗ sơn trắng, có một thứ làm tôi thích thú hơn cả, đến độ tôi phải cúi xuống nhìn thật kỹ. Đó là một mô hình, chiếc cổng hoa, giống với loại cổng dùng trong đám cưới, hay một kiểu mái vòm trong thần thoại. Bốn cái cột là thân cây, thuôn dài, khỏe khắn, bộ rễ ôm lấy bậc thềm, cành lá đan vào nhau tạo thành mái che, hoa và những chiếc lá nhiều màu sắc.
Bên dưới mái vòm là một đôi tình nhân đang khiêu vũ, chàng trai trong bộ vest đen, cô gái mặc chiếc váy trắng. Một tác phẩm, tuyệt đẹp, nhưng điều ngạc nhiên nhất, chúng không phải hàng trang trí công nghiệp, không phải bằng nhựa mà được làm từ đất sét, và chỉ có đôi tay khéo léo mới có thể tạo ra. Tôi quay đầu về phía Tiểu Quỳnh.
– Cái này Quỳnh làm à?
– Uhm – nàng mỉm cười, gật đầu. Tôi cứ ngỡ nàng sẽ bảo ai đó tặng nhưng Tiểu Quỳnh làm tôi ngưỡng mộ quá đỗi, những ngón tay của nàng thật kỳ diệu.
– Đẹp không chê vào đâu được… Quỳnh thật làm người khác ghen tị đấy. – Tôi vừa nói vừa bước lại gần giường.
– Sao lại phải ghen tị chứ… chỉ là đồ thủ công thôi mà – nàng tủm tỉm, có lẽ đang hạnh phúc vì được khen.
– Vì Quỳnh bước ra từ tiểu thuyết – tôi nói về nàng, rồi nằm xuống chiếc giường, cũng không hẳn là nằm, đầu và lưng tôi tựa vào tường. Chiếc giường lớn, mỗi đứa một bên, chúng tôi cách nhau chừng 50 cm. Tôi mở quyển sách đang cầm trên tay, lướt qua vài dòng, nhưng tâm trí thì đang đặt nơi khác.
Tiểu Quỳnh không nói gì, chỉ mím môi, cố dấu nụ cười, nàng đang rất chăm chú, một sự chăm chú kỳ lạ. Tôi và nàng đọc sách, những kẻ đọc sách bằng tâm tư, không một tiếng động trong phòng, thứ âm thanh duy nhất là bản nhạc hiphop phát ra từ phòng Trúc Quỳnh. Để phá vỡ không khí phẳng như trang giấy, tôi quyết định gấp cuốn sách lại và quay sang Tiểu Quỳnh, phát hiện má nàng đang ửng hồng nhưng đôi mắt vẫn không rời trang sách, nàng lại lật tiếp một trang, rất tự nhiên.
– Quyển này Minh không hiểu lắm… Có thể… cho Minh đọc cùng được không? – Tôi nhìn quyển sách của nàng, lòng thấp thỏm vì sợ bị từ chối, quyển sách đó quá dày, nếu ngồi cả ngày cũng chưa chắc đọc hết chứ đừng nói là chỉ xem lướt qua. Đề nghị của tôi rõ ràng mang một hàm ý khác, quá lộ liễu. Tiểu Quỳnh quay sang tôi, nàng mím môi suy nghĩ một giây rồi gật đầu.
– Ừm… Cùng đọc – nàng chìa cuốn sách ra, nhích lại gần tôi hơn, khoảng cách lúc này là 40 cm, vẫn quá xa, tôi nhích vào gần nàng, khoảng cách còn 20 cm.
Cuốn Eclipse trong bộ truyện Twilight của nhà văn Stephenie Meyer, Tiểu Quỳnh lật sang trang tiếp theo, một cảnh khá lãng mạn, Bella và Edward đang hôn nhau.
“Nụ hôn làm cho tôi khiếp sợ. Nó chứa đựng biết bao nỗi căng thẳng, sức nặng, theo cái cung cách mà anh đang ép chặt môi mình lên môi tôi – chẳng khác gì anh đang lo sợ chúng tôi chỉ còn có bấy nhiêu thời gian bên nhau.”
Tôi dám chắc rằng hai đứa đang cùng đọc đến đoạn đó, giống như những người xem phim trong rạp, chúng tôi yên lặng theo dõi diễn biến câu chuyện. Bàn tay tôi chuyển động, nó chạm vào bàn tay Tiểu Quỳnh, nắm lại, cảm nhận sự mềm mại từ làn da của nàng, cảm nhận sự tê cứng, run run trong vài giây. Tiểu Quỳnh nhìn tôi, môi mấp máy, định nói gì đó, nhưng tôi lên tiếng trước – “trang tiếp theo”, rồi lật tờ giấy. Bàn tay nàng đã nằm gọn trong tay tôi, chúng đan vào nhau.
Thời gian trôi đi thật nhanh, chẳng mấy chốc đã hết chương, tôi và nàng chuyển sang chương mới, cũng đúng lúc đó, tia nắng xuyên qua lớp mây đục ngầu, xuyên qua khung cửa sổ lấm tấm nước, chiếu thẳng lên giường, nó tạo thành một vệt dài ngăn đôi chúng tôi, trang sách được nắng làm cho lấp lánh, chói lóa, không thể đọc được nữa, chúng tôi nhìn nhau, mỉm cười, nụ cười dần dần khép lại, chỉ còn cái nhìn, ánh mắt hai đứa như muốn nói, nó đang ham muốn, cái sự rạo rực khó cưỡng lại, bờ môi nàng quá đẹp, đỏ hồng tự nhiên và hoàn mỹ.
“Cốc Cốc… Chị ba ơi… mình đi thôi” – tiếng gọi của Trúc Quỳnh làm Tiểu Quỳnh giật mình, nàng rút tay lại, bối rối đứng dậy. Thật không đúng lúc, tại sao không muộn hơn 5 phút nữa, à… không, chỉ cần 3 phút, 3 phút là đủ, Trúc Quỳnh đã tự biến mình thành kẻ đáng ghét. Tôi đứng dậy ngay sau đó, khẽ cười với Tiểu Quỳnh ngầm bảo nàng – “mở cửa đi”.
Ngay khi cánh cửa mở, nụ cười của Trúc Quỳnh chuyển từ vui vẻ sang tò mò, lúc này, vai tôi đã mang chiếc ba lô chứa đầy mấy cái túi ngủ.
– Mình đi được chưa nhỉ? – Cô em gái tủm tỉm.
– “Đi thôi” – cả tôi và Tiểu Quỳnh cùng đồng thanh, hai đứa ngượng ngùng, tôi vội bước theo nàng ra khỏi phòng.
– Có quên gì trong phòng không đó – Trúc Quỳnh cười với tôi, rõ ràng nàng đang có ý trêu chọc.
– Chắc chắc là không, nếu có thì đó là sự tiếc nuối. – Tôi hững hờ đáp và ăn ngay một cái đánh vào vai từ Tiểu Quỳnh.
Khi chúng tôi xuống dưới nhà, bác gái đã chuẩn bị xong mấy phần cơm hộp, theo ý kiến của tôi mẹ Tiểu Quỳnh có lẽ là người nấu cơm hộp tuyệt nhất trần đời, chúng không những ngon mà còn được sắp xếp rất khoa học và đẹp mắt, hôm qua lúc ăn cơm ở bờ hồ Tuyền Lâm, Tiểu Quỳnh đã bật mí cho tôi biết rằng, một đối tác người Nhật đã hướng dẫn mẹ nàng làm cơm hộp Beto (nghệ thuật cơm hộp của Nhật Bản). Sau khi để gọn mấy hộp cơm vào ba lô, bác gái ân cần dặn chúng tôi:
– Đi đường núi, mấy đứa phải cẩn thận đấy, nhất là Trúc Quỳnh lúc nào cũng giỡn – bà nhìn con gái cưng như muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ.
– Hôm nay con sẽ ngoan… moa – nàng hôn lên má mẹ mình.
– Trúc Quỳnh sẽ nằm dưới sự giám sát của cháu… bác yên tâm – tôi mỉm cười.
– Ừm… – bác gái vẻ hài lòng – … À… Tiểu Quỳnh, con mang theo áo mưa chưa? Nếu tối trời mưa thì phải về nhé.
– Dạ, con để trong ba lô rồi… bọn con đi nhé mẹ. – Tiểu Quỳnh vẫy tay tạm biệt, bác gái tiễn chúng tôi ra tận cổng, ở đó, Huy và bác trai đang kiểm tra chiếc jeep, mọi thứ đều ổn, động cơ chạy êm và mạnh mẽ, bạt che được tháo xuống cho thoáng.
Tôi để mấy chiếc ba lô vào giữa xe, Huy giúp tôi bằng cánh tay không bị thương, Huy luôn cười, nụ cười của anh khiến Tiểu Quỳnh thoải mái, nàng ngồi với Huy ở trước, tôi và Trúc Quỳnh ở ngay phía sau. Khi mọi thứ đã đâu vào đó, Huy vào số, bác trai vẫy tay.
– Chà… giá ba mà trẻ lại được như các con nhỉ – bác trai cười, vừa hài lòng vừa tiếc nuối – Mấy đứa đi chơi vui nha.
– Bye… Bọn con sẽ chụp thật nhiều ảnh – Tiểu Quỳnh vẫy tay đầy hào hứng.
Chuyến đi chơi bắt đầu lúc gần 10h, chiếc jeep nhẹ nhàng đi xuống con dốc rồi rẽ vào đường chính, mấy vũng nước nhỏ trên đường bị lốp xe cán qua, bắn nước tung tóe, bầu trời dần trong hơn, chỉ còn những đám mây mỏng trôi lững lờ, nắng vàng ấm áp bao phủ lấy mọi vật. Có cảm giác cả mùa hè đang được cơn gió cuốn qua, thổi tung tóc chúng tôi, mát lạnh. Trúc Quỳnh không thể giấu được sự phấn khích của mình, nàng mở nhạc từ điện thoại, vặn to hết cỡ, giai điệu rộn rã, vui tươi.
– Oh yeah tuyệt quá – Trúc Quỳnh đứng hẳn lên, giang hai tay đón lấy cơn gió, nàng hơi mất thăng bằng.
– Cẩn thận đấy… nguy hiểm lắm… mau ngồi xuống đi. – Tôi vội lên tiếng, giật thót khi chiếc xe vào cua, không khéo nàng ngã mất.
– Em làm gì thế? – Tiểu Quỳnh quay lại, nàng cũng đang lo lắng giống tôi.
– Em không sao… thế này thích lắm… tuyệt quá.
– Ha ha… có muốn anh chạy nhanh hơn không? – Huy cười ra bộ thích thú.
– Tuyệt vời… nhanh lên anh. – Nàng lúc lắc mái đầu, gió thổi tung tóc, cả hai tay nàng vẫn giang rộng – Này… – nàng gọi tôi – Giữ lấy chân tôi… không tôi ngã bây giờ?
– Cái gì – tôi ngớ người, nhìn lên thấy Tiểu quỳnh đang tủm tỉm cười.
– Mau lên – Trúc Quỳnh cau có.
– Được rồi… được rồi – tôi đồng ý, nhích lại gần và ôm chặt lấy chân trái của nàng. Trúc Quỳnh thích thú hưởng thụ cảm giác bay bổng, đôi lúc cảm tưởng như nàng sẽ bay lên thật, kéo theo cả tôi.
Tiểu Quỳnh mất khoảng 10 giây để cảm thấy thích thú, sau đó, nàng cũng đứng lên, vịn vào khung xe và để cho mái tóc hung nâu, óng mượt của mình bay thỏa thích. Nàng nhắm mắt lại, ngẩng khuôn mặt xinh đẹp ra trước gió, hình ảnh ấy làm tim tôi xao xuyến, ngay cả Huy cũng không kìm được lòng, tôi thấy anh nhìn Tiểu Quỳnh mấy giây, thật may chiếc xe vẫn trên đường.
Quay lại với thực tại, mà thực tại ở đây là cái chân trái của Trúc Quỳnh, nàng không chịu đứng yên đâu, liên tục nhún nhảy theo nhạc. Chiếc jeep vui vẻ của chúng tôi ngay lập tức thu hút sự chú ý của mọi người, nhất là các vị khách nước ngoài, họ thậm chí đưa máy ảnh lên chụp. Hôm nay cả hai chị em Quỳnh đều mặc quần jean, một suy nghĩ lướt qua đầu tôi, ngước nhìn Trúc Quỳnh, tôi bỗng tiếc nuối và cảm thấy có lỗi khi nhìn Tiểu Quỳnh.
Phải một lúc sau, hai nàng mới chịu ngồi yên, khi chiếc xe tiến lên đỉnh Ra Đa. Xe len giữa cánh rừng thông, bên vệ đường vài chú ngựa nhởn nhơ gặm cỏ, chúng hoàn toàn không quan tâm đến sự có mặt của chúng tôi, càng lên cao đường càng dốc, liên tục ôm cua. Trên đường chúng tôi bắt gặp những chiếc jeep màu xanh lơ chở khách xuống núi, xe họ lướt qua chỉ trong gang tấc, rất nhanh mà lại đúng ở khúc cua, nó khiến tôi và hai cô nàng thót tim, nhưng ngay sau đó Huy trấn an.
– Yên tâm, mấy tay tài xế đó lái quen rồi, không có chuyện gì đâu.
– Họ không giảm ga thì phải. – Tôi cố cười nhưng tim vẫn run.
– Vậy mới phê chứ – Huy cười, anh xem bộ rất thích thú.
Mất khoảng 15 phút để lên đến đỉnh Ra Đa ở độ cao 1929m, tôi biết chính xác như vậy vì đã đọc sơ sơ qua tấm biển hướng dẫn bằng hai thứ tiếng Việt – Anh. Không gian trên này đang bị một đám mây bao phủ, sương mù khắp mọi nơi, nhưng đây không phải điểm dừng chân của chúng tôi, đích đến thực sự nằm ở độ cao 2167m, đỉnh Núi Bà. Để đến đó, chúng tôi phải quay lại ngã ba có trạm kiểm soát của vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, rồi từ đó leo bộ lên tới đỉnh. Trúc Quỳnh đã chuẩn bị cho chuyến đi rất kỹ càng, mọi người đều phải mang giày thể thao có đế gai, mấy chiếc găng tay, chỉ thiếu bộ dụng cụ leo núi là thành chuyên nghiệp, nói vui vậy thôi chứ đường lên không khó lắm, nhưng bạn có thể cần đến một cây gậy để giữ thăng bằng và tựa lúc mỏi.
Chúng tôi đi qua rừng thông, những cây thông ở đây đều thuộc loại cổ thụ, có cây to phải hai người ôm, rêu xanh phủ dưới các gốc cây, từng bước chân có thể nghe tiếng răng rắc từ các nhánh cây nhỏ gãy dưới chân. Thời tiết ở đây thay đổi rất nhanh, chốc chốc lại có sương mù, thực ra là mây mà thôi, chúng đến rồi lại đi. Cánh rừng khoác trên nó một màu xanh tuyệt đẹp, non tơ và óng ả, những thảm cỏ xanh mướt vẫn còn ướt đẫm sương.
Tôi và Huy mỗi đứa một cái ba lô, nhưng vẫn đi nhanh hơn hai cô nàng, lúc mới bắt đầu leo, Trúc Quỳnh còn khoe rằng mình là tay leo núi cự phách nhưng sau mấy lần bị bỏ lại nàng đành phải giơ cờ trắng.
– Đợi chị em tui với… mấy ông đi đâu mà nhanh quá vậy – nàng thều thào.
– Hứ… bảo đi là đi một lèo luôn – Tiểu Quỳnh liếc xéo tôi.
– Ha ha… vậy ngồi nghỉ nhỉ… uống nước ha – tôi vội nịnh nàng, lấy ngay chai nước.
– Tui nữa… tui nữa – Trúc Quỳnh nhanh nhảu.
– Sao bảo leo không biết mệt mà. – Tôi cười.
– Ai bảo tui mệt… đưa chai nước đây.
– Hì – Huy tủm tỉm, anh tựa vào gốc cây.
Tôi ngồi trên một thân cây đổ, ngước nhìn bầu trời, lúc này chỉ còn là những mảng xanh dương lốm đốm giữa màu xanh non của cây lá. Bên cạnh tôi nghe Tiểu Quỳnh hít một hơi sâu, nàng nhắm nghiền mắt, như cảm nhận hơi thở của rừng. Không khí ở đây thanh khiết đến nao lòng, cánh rừng như cỗ máy điều hòa tự nhiên, lọc hết mọi bụi bẩn và thêm vào đó cả hương thơm, thứ hương thơm từ nhựa cây, từ những đóa hoa dại.
Sau khi đi hết rừng thông chúng tôi tiến vào rừng già, cây cối ở đây có phần rậm rạp, lối mòn bị cành lá che lấp phần nào. Khu rừng có một thảm thực vật vô cùng phong phú, chỉ một cái ngẩng đầu tôi đã đếm được đến 4 – 5 đóa lan rừng màu sắc khác nhau, ngoài ra còn vô số các loài hoa dại, đủ màu sắc, hình thù. Mùi của rừng, tôi tạm gọi như vậy vì thật là khó diễn tả nó giống mùi gì, được trộn lẫn giữa cây cối, đất, đá, rêu, hoa… tất tần tật, hương phảng phất, thật sảng khoái khi hít một hơi đầy, chẳng khác nào uống một lon Redbull.
Ở đây có vô số các loại cây quý hiếm, đó là lời nhận định từ anh hướng dẫn viên du lịch, anh ấy làm hướng dẫn viên cho mấy người khách nước ngoài, khi đám chúng tôi bu lại, anh vui vẻ kể và chỉ tên mấy loại cây bên đường, Chò Sót, Chò Nước, Long Não… các loại hoa như, Bạch Phượng, Mắt Trúc, Tuyết Ngọc, Bạch Nhạn… Mỗi bước chân chúng tôi, đều lổm chổm các vật cản, chủ yếu là dây leo, rễ cây, mọi người trong nhóm mấy lần vấp ngã, nhưng đều ổn, đi một hồi cái quần jean của tôi chi chít những vệt nâu, xanh từ rêu.
Những đoạn khó đi, dốc, phải cần đến dây thừng mới leo một cách dễ dàng, chúng tôi phải thay phiên kéo, đỡ, chờ nhau rồi nghỉ chân nhiều lần. Nhưng không sao, mệt mỏi, không hề gì, mọi vất vả cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng khi mọi người lên tới đỉnh, cảm giác thật khó tả. Chúng tôi lên tới đỉnh núi đúng lúc trời quang, không có mây mù, mặt trời ẩn hiện trong màn sương – mây trắng muốt, mọi ngọn gió đều mát đến kỳ lạ, mọi hơi thở đều trong lành, cảnh vật núi non, sông hồ, cả một vùng đất rộng lớn bao la, hùng vĩ được thu vào trong tầm mắt, cả bọn vỡ òa ôm nhau hạnh phúc, chúng tôi nằm lăn ra đám cỏ ướt.
Sau giây phút hạnh phúc đó là đến khoảnh khắc hạnh phúc khác, khi mọi người thay phiên nhau chụp hình, quay phim, thật may là chúng tôi nhanh chóng hoàn tất việc đó trước khi mây mù phủ kín đỉnh núi, cảm giác đứng trong mây bồng bềnh như đang ở tiên giới, không gian lúc này chỉ gói gọn trong mấy chục mét vuông quanh đỉnh núi, không thể nhìn xa hơn được. Bữa trưa của chúng tôi diễn ra ngay sau đó, ở độ cao trên 2000m so với mực nước biển, có lẽ đây là bữa cơm trên trời đúng nghĩa đen, cảm giác ngon miệng đến lạ lùng.
Lát sau, chúng tôi ngồi nghỉ và ngắm nhìn khung cảnh đất trời, trên đỉnh núi lúc này ngoài chúng tôi còn một nhóm khách nữa, cả thảy hơn chục người. Tôi thong thả bước xuống ngồi cạnh Tiểu Quỳnh, nàng đang nhìn đó, cái nhìn xa xăm.
– Quỳnh nhìn gì vậy?
– Không gì cả… chỉ nhìn thôi… giá có đôi cánh để bay khắp mọi vùng đất nhỉ… thật tự do biết bao – nàng mỉm cười.
– Ồ… được chứ… tất nhiên là được – tôi tủm tỉm.
– Sao – nàng hấp háy mắt.
– Nhìn nè… – tôi lôi từ trong túi áo tờ giấy hướng dẫn của anh hướng dẫn viên du lịch lúc nãy cho, lấy từ trong ba lô một cây bút, ghi lên đó – “Tiểu Quỳnh đã đến đây”, xong rồi gấp lại thành chiếc máy bay đưa cho nàng. – Nào… Quỳnh ném đi… sẽ được đi du lịch khắp mọi vùng trời.
– Hi… được rồi… Quỳnh sẽ cất cánh – nàng mỉm cười, ném chiếc máy bay. Gió làm nó bay lên cao, ra xa, lượn một vòng rồi lại bay lên đến khi khuất tầm mắt, tôi nghĩ nó đã bay lên tận mây – Minh nghĩ nó sẽ bay được bao xa? – Nàng nhìn tôi, ánh mắt long lanh, tôi luôn thích nàng nhìn mình như vậy.
– Về lý thuyết… nếu có gió, nó có thể bay đến mọi nơi trên trái đất, bay qua các đại dương, vượt qua những đỉnh núi đến với mọi chân trời – tôi khẽ cười và nhìn sâu vào mắt nàng, những ngón tay của tôi lại bắt đầu chuyển động.
– Tiểu Quỳnh à – Huy đột ngột ngồi xuống bên cạnh Tiểu Quỳnh, điều đó phá tan giây phút tình cảm của hai đứa, thật bực mình – Em có băng cá nhân không, tay anh bị vết xước.
– Sao vậy anh? – Nàng lo lắng.
– Chỉ là miếng vỏ cây quẹt phải – Huy mỉm cười đưa bàn tay cho nàng.
– Anh đợi tí, em để trong áo khoác… biết thế nào cũng bị thương mà – Tiểu Quỳnh lục tìm trong túi, trong lúc đó ánh mắt tôi và Huy chạm nhau, như có dòng điện chạy ngang, dù tối qua hai đứa đã thỏa thuận sẽ cạnh tranh công bằng nhưng thực tế cái cảm giác “khó ưa đối thủ” vẫn hiện hữu, tôi sợ rằng chỉ cần mình lơ là thì Huy sẽ cuỗm Tiểu Quỳnh đi mất. Nhìn cái cách Tiểu Quỳnh ân cần dán băng keo cho Huy và nụ cười mãn nguyện của anh là tôi nóng hết cả ruột, tay chân như bị cỏ làm ngứa ngáy.
– Chà… em khéo tay quá, dán kín rồi nè… anh cảm ơn – Huy cười đắc thắng, cái nhìn âu yếm nũng nịu với nàng, Tiểu Quỳnh đã thế còn cười đáp lại, một cách vui vẻ, thật là không chịu được, tôi hừ một tiếng khe khẽ.
– “Hù” – bất ngờ từ phía sau Trúc Quỳnh hù một tiếng làm tôi giật thót, tưởng như chút nữa là cắm đầu xuống núi. – Hi… giật mình nhé? – Nàng hí hửng ngồi xuống bên cạnh.
– Bà vừa thổi bay 10 năm tuổi thọ của tôi đấy biết không hả. – Tôi thở gấp, mặt cắt không còn giọt máu.
– Gì chứ… nhiều lắm là một năm… Hi – nàng không những không lo cho tính mạng quý giá của tôi mà còn nhe răng ra cười.
Chúng tôi hạ sơn vào một thời điểm không chính xác lắm, 1h hay 2h gì đó, mặt trời như đang đùa giỡn, nó vẫn ở đâu đó trên đỉnh đầu, khuất sau các đám mây. Buổi chiều thật đẹp, nắng và gió êm ả trên những triền núi, bầu trời trong xanh, cho thấy đêm nay sẽ không có mưa, mong là vậy, nếu không sẽ thật lãng phí một ngày tuyệt vời, tối nay chúng tôi dự định sẽ cắm trại ở làng Cù Lần. Đường vào “ngôi làng” nhỏ ấy là đường đất, đất đỏ, sau cơn mưa đêm qua, đất mềm nhũn, nhầy nhụa, đất bám vào vào lốp xe rồi bắn ra các mảnh nhỏ. Con đường gập gềnh, hoang sơ, đi xuyên qua cánh rừng, cảm tưởng như vừa được xe ủi tạo ra, xe chúng tôi phải vượt qua mấy con suối, chiếc jeep nhỏ bé nhưng đầy mạnh mẽ, không chướng ngại nào cản nổi nó, cứ thế băng băng lên trước.
Vì sao gọi là làng Cù Lần? Tiểu Quỳnh giải thích rằng nó xuất phát từ tên cây Cù Lần và ở đó còn có con Cù Lần, tên nghe lạ quá, suốt quãng đường trí tưởng tượng của tôi hình dung nó trông giống con đười ươi, cho đến khi được nhìn tận mắt thì hóa ra nó bé tí, đôi mắt to, nằm giữa đám lông đen kịt, hun hút như cái hố tối tăm, những cái chân lèo khèo di chuyển chậm chạp, nhìn mặt nó đúng là cù lần, tội nghiệp, tôi dám chắc nó có vài giác quan hơn hẳn con người.
Làng Cù Lần thực ra không có cư dân sinh sống, nếu có thì đó là các nhân viên khu du lịch, không gian được thiết kế trông hơi giống với một khu làng của đồng bào Tây Nguyên, cũng nhà sàn, lối bài trí, nhưng tất nhiên được tạo nên từ sự cách điệu của các kiến trúc sư. Ngôi làng hòa mình giữa thiên nhiên, các ngôi nhà nằm vắt vẻo bên sườn đồi, yên tĩnh giữa rừng thông xanh ngắt.
Chúng tôi đi tham quan Phòng Tranh, Chợ Chồm Hổm, chèo bè ra giữa hồ, xách giỏ đi bắt cá suối. Con suối nhỏ lội chỉ một gang tay, nhưng thật là lắm cá, không hiểu chúng ở đâu ra, chúng tôi hì hục, bì bỏm, tóm mấy con cá bằng tay không, Tiểu Quỳnh bắt được con to nhất, nó giãy đành đạch làm nàng tuột tay, cũng may tôi tóm được ngay sau đó. Bắt được khá nhiều cá, nhưng cuối cùng chúng tôi chỉ giữ lại ba con cho bữa cơm chiều.
Sau bữa cơm dân dã ở nhà hàng khu du lịch, bọn tôi thuê một chiếc lều, rồi cắm trại ở cạnh hồ. Cùng cắm trại với chúng tôi còn có mấy đoàn khách khác, trại gần chúng tôi nhất là một nhóm sinh viên từ Tp. HCM phượt đường dài lên đây. Khi mặt trời chuẩn bị khuất núi, tôi và Huy vẫn đang loay hoay sửa chiếc lều, Huy căng bên này thì tôi kéo bên kia, thành ra chiếc lều cứ xiên xiên vẹo vẹo, phải chỉnh cả buổi nó mới đứng thẳng được, trong lúc đó, hai chị em Quỳnh biến đâu mất, lúc các nàng quay lại thì đã sạch sẽ tinh tươm, tóc tai còn ướt và thơm phức. Cả ngày leo rừng, lội suối tôi và Huy lúc này bắt đầu bốc mùi, trước sự xua đuổi của hai chị em, hai thằng tức tốc chạy đi tắm.
Màn đêm dần buông xuống cánh rừng, các ngôi nhà trong khu du lịch đều sáng đèn, ánh đèn chiếu xuống mặt hồ, vàng nhạt, lung linh, không gian thoáng đạt và trong lành vô cùng, cảnh tượng không khác mấy so với ngôi làng của người Hobbit. Chúng tôi ngồi phía sau chiếc lều, hướng ra hồ, trên một khúc gỗ giống như ghế, Huy và tôi thi xem ai ném đá xa hơn, những hòn đá của Huy lúc nào cũng nẩy vào lướt xa hơn của tôi, hai chị em Quỳnh kể về kỷ niệm thời đi học, những trò nghich ngợm của Trúc Quỳnh, những lần các nàng đi chơi trên núi, lúc đó có cả Huy, hồi lớp 8 Tiểu Quỳnh bị ngã xe đạp, Huy đã cõng nàng từ trên đồi đến tận trạm y tế.
Khi nghe câu chuyện của họ, chợt tôi thấy lòng man mác buồn, tôi rất ghen tị với Huy, anh có cả tuổi thơ bên Tiểu Quỳnh, tôi thực sự rất muốn biết nhiều hơn về nàng… nàng đã lớn lên thế nào, lúc nhỏ nàng thích chơi trò gì, nụ cười của nàng ra sao, nàng có hay bị bố đánh đòn giống tôi không, chắc là không, mà lúc đó tôi đang ở đâu nhỉ, à… bên cạnh Tiểu Vy, cũng không tệ lắm. Tôi quay sang Tiểu Quỳnh, nàng cũng quay lại, môi hai đứa khẽ cười, đôi mắt nàng thật đẹp, dường như đang lấp lánh. Gió thổi nhẹ trên mặt hồ, từng đợt sóng nhỏ lăn tăn.
Buổi tối, khu du lịch tổ chức đốt lửa trại, một đống củi lớn được chuẩn bị, ngọn lửa từ từ phủ kín lấy, màu vàng, đỏ rực của lửa xua tan cái lạnh, các nhân viên khu du lịch trong bộ đồ dân tộc bắt đầu nhảy múa quanh đống lửa, họ đánh cồng, gõ chiên, thực hiện các động tác múa khá đơn giản, âm thanh rộn ràng hòa lẫn trong tiếng nổ lách tách từ đống lửa nhanh chóng kéo chúng tôi và các du khách khác nhập hội, dù chẳng biết múa nhưng chúng tôi không hề thua kém trong việc tạo không khí, hò reo inh ỏi. Ngoài ra, khu du lịch còn bố trí cho khách uống rượu cần, chúng tôi uống bằng một cái cần trúc dài, rượu thơm nồng, ấm, cảm giác lâng lâng, ngây ngất.
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 9
Phần 10
Phần 11
Phần 12
Phần 13
Phần 14
Phần 15
Phần 16
Phần 17
Phần 18
Phần 19
Phần 20
Phần 21
Phần 22
Phần 23
Phần 24
Phần 25
Phần 26
Phần 27
Phần 28
Phần 29
Phần 30
Phần 31
Phần 32
Phần 33
Phần 34
Phần 35
Phần 36
Phần 37
Phần 38
Phần 39
Phần 40
Phần 41
Phần 42
Phần 43
Phần 44
Phần 45
Phần 46
Phần 47
Phần 48
Phần 49
Phần 50
Phần 51
Phần 52
Phần 53
Phần 54
Phần 55
Phần 56
Phần 57
Phần 58
Phần 59
Phần 60
Phần 61
Phần 62
Phần 63
Phần 64
Phần 65
Phần 66
Phần 67
Phần 68
Phần 69
Phần 70
Phần 71
Phần 72
Phần 73
Phần 74
Phần 75
Phần 76
Phần 77
Phần 78
Phần 79
Phần 80
Phần 81
Phần 82
Phần 83
Phần 84
Phần 85
Phần 86