Chuông reo vào tiết học, theo thời khóa biểu thứ hai thì môn đầu tiên là Vật Lí, cả lớp thấp thỏm chờ đợi người giáo viên đầu tiên xuất hiện. Ai sẽ bước qua cánh cửa đó đây? Là một thiên thần thánh thiện sẵn sàng cho điểm 10 vì học sinh hay sẽ là một tử thần luôn mạnh tay giáng vài con dê – rô vô bài kiểm tra một tiết?
Tất cả sẽ được biết sau ít giây nữa…
Tiếng bước chân vọng lại từ hành lang, rõ ràng chỉ có những bậc tông sư mới có âm thanh đi đứng kiểu này, tôi nghe mãi đã thành quen, còn lạ lùng gì nữa. Ái chà, bậc tông sư này là phụ nữ mất rồi, tiếng giày từ xa đã thành tiếng guốc tới gần.
Xuất hiện trong phút giây nín thở của học sinh 12A1 tụi tôi, là cô Tuyết trong tà áo dài màu xanh đậm. Cả lớp có vẻ chả biết gì về cô, nhưng tôi thì biết rất rõ, thế cho nên vừa thấy cô bước qua ngạch cửa là tôi đã toét miệng cười, thở phào nhẹ nhõm. Nói đại khái qua thì theo tôi nhớ, dạy Vật Lí có tiếng nhất trường Phan Bội Châu trước giờ là thầy trưởng bộ môn Hữu Phước giờ đã về hưu, kế nhiệm từ năm nay sẽ là thầy Luận. (Thầy Phước về sau tôi cũng có theo học luyện thi tại nhà thầy theo lời khuyên của ông Phúc, và hình như tôi nhớ con dâu của thầy chính là nữ MC Đỗ Thụy của chương trình Trúc Xanh từng nổi đình đám khi ấy). Về cô Tuyết tuy chưa là trưởng bộ môn nhưng vốn đã là một giáo viên giỏi của môn Vật Lí, đã từng dạy ông anh bá đạo của tôi suốt hai năm, lại xem ông anh tôi như học trò cưng. Cho nên tôi cũng từng có dịp học phụ đạo ở nhà cô một năm, và cũng được cô dành sự ưu ái nhất định như đã từng dành cho ông anh tôi vậy, bởi hai anh em tôi đều học giỏi.
Khang mập cũng chung đợt học với tôi lúc ấy, có điều hai thằng sau này vì mê bắn Gunbound nên dù… tiếc lắm cũng đành xin nghỉ lớp cô để dồn tài lực và tài chính luyện bắn xuyên lốc, bắn góc cao, bắn chế độ Aduka – thì – vào.
Tôi khều tay Tiểu Mai, cười cười nói nhỏ:
– Êm rồi, quen, cô biết anh!
Nàng nhún vai cười nhạt, vẻ như cho là tôi hành xử trẻ con hay sao đây mà.
Khang mập đứng dậy đầu tiên, dõng dạc hô to:
– Cả lớp, đứng!
Bọn tôi cùng đứng dậy thưa:
– Chúng em kính chào cô ạ! – Chữ “ạ” lúc sau được ngân dài ra như một âm điệu.
Cô Tuyết bước lên bục giảng, để chiếc cặp da màu đen lên bàn giáo viên rồi mỉm cười vẫy tay ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống.
Khang mập lại hô to:
– Các bạn, ngồi!
Thoáng ngạc nhiên, cô Tuyết bật cười:
– Vậy là các bạn biết phải ngồi xuống rồi, lớp trưởng cần gì phải hô thêm nữa vậy?
Thái độ vui vẻ của cô bỗng chốc làm nỗi lo âu của hết thảy học sinh tan biến, cả lớp trở nên thoải mái hẳn ra. Khang mập ngắc ngứ gãi đầu, cười gượng dạ thưa rối rít.
Đợi cả lớp ngồi hết rồi, thì cô mới giới thiệu tên và nói luôn cô cũng sẽ là giáo viên chủ nhiệm 12A1 năm nay, giảng dạy môn Vật Lí và kiêm cả môn Kĩ Thuật Công Nghiệp. Cả lớp vỗ tay rào rào, một số đứa thở phào nhẹ nhõm vì nãy giờ tưởng giáo viên dạy môn khô khan này phải có bộ dạng như robot chứ. Tôi thì đã biết cô từ trước nên lại càng khoái chí hơn nữa, chắc mẩm năm nay ngon lành cành đào rồi.
Người tính không bằng trời tính, tôi tính không bằng… cô Tuyết tính. Vì chỉ ít phút sau khi giới thiệu, hỏi han ban cán sự lớp gồm lớp trưởng, các lớp phó, tổ trưởng với cờ đỏ là ai thì cô mới hỏi tiếp:
– Cán sự bộ môn, đứng lên cô xem!
Chả hiểu mô tê gì sất, tôi vẫn đường hoàng đứng phắt dậy, kế tiếp là Tiểu Mai, Tuấn rách, Khả Vy, Luân khùng – đủ năm môn Toán Anh Hóa Văn Lí.
Trông thấy tôi, cô Tuyết nhận ra ngay:
– À, em trai thằng Phúc đây mà! – Khiến cho tôi toét miệng cười hãnh diện.
Nhưng niềm vui của tôi chỉ được đến đấy là hết. Ngay sau đó, cô lại gọi tiếp:
– Những ai vừa mới chuyển chỗ ngồi, đứng lên luôn cô xem nào!
Mấy đứa chuyển chỗ tụi tôi nghe như có bom nổ giữa lớp, không hẹn mà cùng run rẩy đứng dậy. Cô Tuyết lướt mắt qua một vòng rồi trầm giọng hỏi:
– Sao cán sự môn lại tập trung ngồi cụm một chỗ thế này?
Rõ ràng ý cô là cụm tôi, Tiểu Mai cùng Tuấn rách, ba môn Toán – Anh – Hóa. Tôi đâm ra tắc tị, thầm nghĩ phen này thôi bỏ mẹ rồi, tái ông được ngựa chưa hẳn là hên. Tuấn rách sợ chết đầu tiên, nó lẩy bẩy phát biểu:
– Thưa cô, em xin… được về lại chỗ cũ ạ!
Khốn nạn mày chưa, đồ không có nghĩa khí mà! Tôi rủa thầm thằng này không thương tiếc.
Cô Tuyết thở hắt ra:
– Cô không khó tính, nhưng cũng không dễ đâu. Thôi, ai nấy về chỗ cũ, đầu năm cô bỏ qua!
Cả đám tội đồ nghe được tha bổng thì mừng rỡ lắm, vội giải giáp về quê, thu dọn cặp táp lượn ngay lại chỗ cũ, mạnh ai nấy bước. Duy chỉ có mỗi bàn ba dãy bên phải là vẫn còn 3 người đứng nguyên như tượng, là Ái Khanh, tôi, và Tiểu Mai.
Cô Tuyết ngạc nhiên hỏi:
– Cả ba em này sao đây?
Thấy tôi vẫn còn đần mặt ra vì khổ sở chân chẳng muốn rời, Tiểu Mai đành ứng tiếng trước:
– Thưa cô, em vốn là ngồi ở chỗ này rồi ạ. Bạn Nam không khá môn tiếng Anh nên mới muốn ngồi gần em để được kềm cặp, nên em… cũng đồng ý!
Phải vậy chứ, chồng làm thì… vợ phải chịu chứ. Tốt lắm Tiểu Mai, cố lên em, anh luôn trốn đằng sau em đây này!
Được lời như cởi tấm lòng, tôi cũng song kiếm hợp bích với nàng liền:
– Dạ đúng, thưa cô. Bạn Trúc Mai cũng… dở Toán lắm nên tụi em ngồi gần bên coi như là bổ sung cho nhau, dạ!
Tôi vừa nói xong là đã nghe trong lớp có mấy đứa bụm miệng cười khúc khích, Tiểu Mai thì quay phắt sang nhìn tôi như có trăm nghìn mảnh băng trong mắt nàng chuẩn bị phóng sang.
Cô Tuyết không dễ gì bị tôi giỡn chơi, bước tới xách tai tôi lên:
– Ai chả biết năm vừa rồi cô bạn gái của anh cầu thủ đây được điểm tổng kết cao nhất nhì toàn trường, mày tính qua mặt cô phải không con? Sao không giống anh Phúc điểm tốt nào hết vậy?
Tôi la oai oái, phải nhón chân lên đưa mắt nhìn cô như muốn nói cô ơi, em từng học cô một năm rồi nè. Dù gì em cũng giống ông anh em mà, ai cũng nói vậy hết, cô thương tình đi mà…
Chuyện tốt đồn xa, hẳn nhiên cô Tuyết trước khi nhận lớp cũng phải điều tra và biết đến tám chín phần tình hình 12A1 mà mình sắp chủ nhiệm rồi. Nên vải thưa che mắt thánh gì được, tôi đành nhăn nhó ôm tai, ôm cặp sách lủi thủi trở về lại chỗ cũ là ở đầu bàn sáu giữa lối đi trong tràng cười âm ỉ của cả lớp.
Thấy tôi ngồi xuống trước mặt, Luân khùng vỗ vỗ vai cười đểu:
– Chào mừng người anh em đã bỏ chỗ tối, về chỗ sáng!
Nhưng tôi quạu quọ làm như không nghe thấy, hất tay nó ra.
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 9
Phần 10
Phần 11
Phần 12
Phần 13
Phần 14
Phần 15
Phần 16
Phần 17
Phần 18
Phần 19
Phần 20
Phần 21
Phần 22
Phần 23
Phần 24
Phần 25
Phần 26
Phần 27
Phần 28
Phần 29
Phần 30
Phần 31
Phần 32
Phần 33
Phần 34
Phần 35
Phần 36
Phần 37
Phần 38
Phần 39
Phần 40
Phần 41
Phần 42
Phần 43
Phần 44
Phần 45
Phần 46
Phần 47
Phần 48
Phần 49
Phần 50
Phần 51
Phần 52
Phần 53
Phần 54
Phần 55
Phần 56
Phần 57
Phần 58
Phần 59
Phần 60
Phần 61
Phần 62
Phần 63
Phần 64
Phần 65
Phần 66
Phần 67
Phần 68
Phần 69
Phần 70
Phần 71
Phần 72
Phần 73
Phần 74