Hôm sau, lúc tôi vừa đến khu học quân sự tụi bạn đã vây quanh.
– Tụi A6 rủ lớp mình đá bóng nè.
– Tụi 11/2 nữa, thằng Kiếm rủ.
– B9 nữa.
– Thôi thôi được rồi. Đứa nào rủ cũng mặc, mới đá hôm qua, để mai đi.
Có lẽ trận thư hùng chiều qua với chiến thắng suýt sao tụi A2 đã đưa tên tuổi lớp tôi, từ một đội bóng vô danh với lần đầu ra trận trở thành đối thủ mới hứa hẹn đầy tiềm năng. Thật ra tôi cũng muốn chiều nay đá thêm trận nữa vì hôm qua, tôi thủ môn suốt từ đầu có đá đấm gì đâu. Nhưng ngặt cái tối qua Thương gọi tôi nói sáng nay bận gì đó nên không gặp được, rồi dời lịch hẹn qua buổi chiều.
Riêng với tà áo trắng này, tôi sẵn sàng gác lại tất cả đam mê qua một bên để được đối diện. Vừa như để giảm bớt cảm giác đầy tội lỗi xưa nay, vừa có cơ hội thỏa đi bao nhung nhớ.
Nghe tôi quyết định, tụi bạn ỉu xìu tản ra. Nhìn theo tôi cũng áy náy lắm. Nhưng lớp tôi vào thời điểm đó, nếu không có tôi đầu têu đứng mũi chịu sào, tụi nó tan rã nhanh chóng. Dù trong đội hình của lớp, vị trí của tôi có sự lựa chọn khác cơ bản ổn thỏa, nhưng tinh thần và khí chất tôi toát ra, khả năng đọc tình huống, sắp xếp nhân sự, lăn xả nhiệt thành… đó là chỗ dựa, là sự tin cậy, để cạnh tranh, để chiến đấu. Nếu một người đã vì mọi người nhiều lần, thôi thì hôm nay mọi người vì tôi một lần vậy.
Quan sát thấy Phượng với Thương đang trò chuyện gì đó góc bên kia. Vì hai lớp sát nhau nên hai cô bạn hay ngồi gần. Lớp tôi nằm giữa, muốn ngắm gái thì thỏa thích. Bên trái có A1 A3, bên phải có A5 A7, toàn hot girl. Con gái thời đó hầu như đều để mặt mộc. Không chút môi son, không chút má phấn. Chỉ có mái tóc dài óng ả được buộc gọn gàng sau lưng hay búi lên cao thành lọn. Vẻ đẹp đó nó chân chất, giản dị và có sức hút đến lạ thường.
Hôm nay học tháo lắp súng. Khẩu AK47 với nhiều chi tiết được chỉ huy phía trên tách ra giới thiệu từng phần nhỏ về cách tháo ra, lắp vô, lên đạn… Phần này tôi chả buồn chú ý lắm. Năm lớp 11, tôi và Minh từng được trường chọn cử đi thi Hội Thao Quốc Phòng toàn thành. Riêng về phần này, tôi cả tháo và lắp chỉ mất chưa đầy 24s.
Giờ giải lao, ngồi cạnh đám bạn đang bàn tán sôi nổi về trận bóng chiều qua, tôi lơ đãng phóng tầm mắt qua lớp Thương. Chợt thấy em đang vui vẻ cười đùa với thằng Vũ bên A6. Nhìn thấy tôi, em nháy mắt cười chào rồi quay đi. Trong lòng tôi bất chợt dâng lên thứ cảm giác nghèn nghẹn bức bối. Có lẽ, cảm giác này, ngày đó, em đã gọi nó là “ích kỷ”.
Thứ cảm giác khó chịu đó bám riết vào đầu óc tôi gần như suốt cả ngày hôm đó. Buổi trưa về, nằm lăn qua lăn lại trên chiếc giường gỗ xoan, hình ảnh ấy vẫn làm lòng tôi chùng chình. Lý trí tôi nói rằng tôi đang sai, tôi không cần phải như vậy. Nhưng cảm xúc trong tôi lại bất chấp, nó cứ vùng vằn rồi tiếp tục lún sâu.
Nhớ lại buổi gặp gỡ hôm nào giữaem và Diệp trên sân trường. Lúc thấy em múa hát tập thể nắm tay người ta, cảm giác này đã một lần tìm đến. Nhưng lúc đó tôi có Diệp bên cạnh, cảm giác khó chịu đó bị nụ cười kia xóa nhòa trong tích tắc. Còn giờ đây tôi đang một mình. Một mình với con tim trống rỗng những tương tư, những tội lỗi, những nghĩ suy chọn lựa… nên tôi càng bị cảm xúc gọi là “ích kỷ” đó dẫn dắt.
Chiều nay tôi sẽ được gặp em. Được ngồi đối diện và nhìn ngắm nỗi nhớ của mình thật gần. Được trò chuyện dù lắm lúc chỉ là những lời “vùi dập” của em dành cho tôi. Cũng phải thôi, tôi xứng đáng nhận những thứ như vậy. Nhưng quan trọng bên cạnh mong muốn giải tỏa nỗi nhớ, tôi còn muốn điều gì khác trong lần gặp gỡ này?! Nếu nói là không có, tôi đang tự dối mình. Còn nếu nói là có, có điều gì, thật sự tôi cũng không định hình được.
Rồi tôi lại bắt gặp mình đang ngẩn ngơ giữa lưng chừng sự khờ dại. Mọi tính toán trong yêu đương dường như chẳng có chút giá trị gì cả. Vì nếu có giá trị nào đó, hẳn tôi đã chẳng cô đơn như bây giờ. Thôi thì tốt nhất, trong buổi chiều nay, hãy để cảm xúc dẫn tôi đến nơi nào nó thích. Không nghĩ suy, không kế hoạch.
Kết thúc buổi tập, tôi chần chừ không biết nên hay không tiến về phíaem. Nhưng chỉ một thoáng, tôi đã quyết rồi, quyết để cảm xúc dẫn dắt rồi, vậy nên tôi dợm bước. Thấy em và Phượng đang cười đùa đi về phía mình, tôi chợt lo sẽ mất đi không gian riêng. Nhưng chỉ vài giây sau tôi chợt hiểu, hóa ra tôi đã quên mất Phượng là ai. Trong cuốn sổ nhật ký chuyền tay hai đứa vẫn đang tâm sự, trong đó, Phượng không nhắc nhiều lắm về Thương, nhưng Phượng vẫn nhắc tôi nên mạnh dạn hơn và dứt khoát trong suy nghĩ.
– Hai bạn đi đi, Phượng bận chút nên về trước. – Nói xong Phượng liếc qua nhìn tôi – Ăn chè vui vẻ nha. Hihi.
Tôi bối rối đứng tần ngần ra đó. Cảm giác như Phượng đang tạo điều kiện cho tôi thực hiện lời tỏ tình của mình vậy. Nhưng đây nào có phải tỏ tình tỏ ý gì cho cam. Chỉ đơn giản là cuộc gặp gỡ của hai người bạn. Hay nói đúng hơn là cuộc gặp gỡ giữa tôi và nỗi nhớ.
– Mình đi thôi V. – Em lên tiếng.
– Xe Thương ở đâu để V dắt cho.
– Hi. Hôm nay Thương không đi xe, V chở Thương nha.
– Ủa, vậy Thương đến đây bằng gì? – Tôi tò mò.
– V có quan tâm không? Nếu V quan tâm thì Thương mới nói.
– Tôi ngập ngừng không biết nên nói có hay không. May thay, cảm xúc trong tôi đã vội vã đỡ lời – V… có…
– V quan tâm làm gì vậy? – Em vừa nói vừa nheo mắt cười.
– Ơ… Thương nói là…
– Thì Thương vừa nói đó.
Tôi lại vẫy vẫy cờ trắng chào thua cuộc đấu khẩu này. Mà cũng chẳng phải đấu khẩu gì, chung quy lại chỉ có mình tôi ú ớ.
Chở em trên con đường ven sông với cơn gió chiều thoang thoảng mơn man trên từng chùm Phượng thắm. Em đong đưa đôi chân của mình rồi chợt mất thăng bằng, bám hai tay vào lưng tôi níu lại. Tôi khẽ cười thật nhẹ. Nắng cuối hè oi ả. Những cảm xúc trong tôi cũng đang bồi hồi rạo rực như ánh nắng trên vai em âu yếm, trên mắt em xa xăm, trên bờ môi em ngọt lịm…
– Ba tháng rồi mình mới gặp lại ha. – Em đẩy ly chè về phía tôi mở chuyện.
– Ủa, mới một tháng thôi mà Thương? – Tôi ngây thơ thật thà.
– Vậy hả. Vậy mà Thương tưởng ba tháng chứ.
– Chợt hiểu ra, tôi gãi đầu cười cười – Thật ra V cũng chẳng biết là bao lâu.
– Điện thoại nhà V bị hư rồi phải không?
– À… Không…
– Chắc chắn là hư rồi.
– V… V không dám điện…
– Sao không dám?
– V ngại…
– Ngại gì? – Em hỏi không để tôi chút thời gian suy nghĩ.
– Ngại… gặp Thương…
– Vậy sao hôm nay không ngại?
Tôi không biết phải trả lời ra sao với câu hỏi này. Suốt một tháng qua tôi ngại gặp em là thật. Đó là lý do tôi không dám nhấc máy gọi đến số điện thoại kia. Vì nếu em bắt máy, chẳng lẽ tôi hét to lên rằng tôi nhớ em? Chẳng lẽ tôi nói với em rằng tôi muốn được gặp gỡ, muốn được bên cạnh, muốn được trò chuyện, muốn được nhìn thấy ánh mắt nâu biếc xa xăm dịu vợi ấy. Và nếu như nói ra hết những điều đó, cuối cùng… để làm gì. Sau tất cả những lạnh lùng, những dứt khoát, tôi liệu đủ xứng đáng để nói ra những lời như vậy sao.
– V đừng nghĩ sâu xa quá, Thương vẫn là Thương thôi. – Em trầm giọng nhìn sâu vào mắt tôi.
– Ngước mặt lên, như bị ánh mắt đó thôi miên, tôi bỗng thơ thẩn trên con đường gập ghềnh của hoài niệm, lắc đầu trong vô thức, tôi thì thầm thật nhỏ – V không… xứng đáng!
Không gian bỗng trở nên mơ hồ. Cảnh vật như lắng đọng. Em cũng im lặng nhìn vào khoảng không mênh mông của hàng me tây trước mặt. Dưới những cơn gió thu đến sớm, vài chiếc là me vàng úa nghiêng mình rơi xuống đất lả tả. Lâu thật lâu. Chỉ có tiếng ly muỗng chạm vào nhau tanh tách. Em chợt lên tiếng.
– Chắc V buồn lắm nhỉ.
– Tôi lại nhớ về đôi mắt long lanh hôm nào rồi lên tiếng – Chắc Thương cũng buồn…
– Tình bạn là đẹp nhất V ạ. Đừng để mình đi xa quá, đến khi nhìn lại, chỉ toàn tiếc nuối.
Tôi trầm tư, rồi mông lung. Tôi có thể làm bạn đơn thuần với cô gái đang trước mặt tôi đây không? Hẳn là không. Vì không có người bạn nào lại “ích kỷ” mong muốn người kia chỉ được làm bạn với riêng mình. Khi đối diện, và cả không đối diện em, tôi không thể nào dựng nên một hàng rào rồi thả cảm xúc của mình vào trong đó để nó dừng lại ở hai chữ “bạn bè”. Chắc chắn sẽ có một ngày nào đó, nó lớn lên, vượt ra khỏi khuôn khổ cho phép. Chắc chắn là vậy!
Nhưng tôi cũng chẳng thể nào quay lưng với bao cảm xúc đang cuộn lên từng ngày. Ánh mắt đó, tiếng nói đó, cả tấm chân tình với dòng chữ nắn nót ngày nào “Thương sẽ nâng niu tình bạn này, vì V là một người Thương quý mến. Tình bạn sẽ luôn đẹp. Vậy nên Thương sẽ luôn giữ, dù đôi lúc, chỉ một mình Thương giữ.”
Tôi không muốn để một mình em giữ nữa. Chỉ tiếc là tôi chưa tìm ra cách để dung hòa cả hai. Thôi thì… Thôi thì cứ để sớm mai với những tiếng chim ca ríu rít gọi tôi dậy. Để những trận bóng thỏa đam mê chạy nhảy tung tăng với lũ bạn làm tôi cười. Để những dở dang mông lung thơ trẻ của tuổi học trò làm tôi bối rối. Để ánh mắt buồn với suối tóc dài miên man cho tôi đợi chờ, cho tôi mong ngóng… Sẽ có ngày cảm xúc của tôi tìm thấy được lối đi!
– Tình bạn luôn đẹp, vậy tại sao nhiều người vẫn muốn những tình cảm khác Thương nhỉ?
– …
Em im lặng vu vơ. Lần đầu tiên em im lặng trước lời tôi nói. Nỗi nhớ phía bên trong tôi đã vơi bớt. Nỗi nhớ của bản thân tôi đã êm đềm. Còn nỗi nhớ về dáng hình trước mặt tôi thế nào, tôi thật không dám chắc…
… Bạn đang đọc truyện Mùa hạ đầu tiên tại nguồn: http://truyensex68.com/mua-ha-dau-tien/
Tôi bỏ mặc chuyện này để cảm xúc tìm kiếm lối đi riêng. Vì đã bao lần rồi, những suy tính có vẻ kỹ càng trong tôi đều mang lại những kết thúc buồn bã. Đưaem về trên con đường nửa lạ nửa quen. Con đường tôi mới chỉ đi dăm ba lần có lẽ. Nhưng nó hằn sâu vào trí nhớ trong tôi ký ức ngày đầu gặp gỡ. Hình ảnh tôi với ku Thành đạp xe len lén đi theo dáng hình chưa quen ngày đó. Hình ảnh tà áo dài trắng với cánh cổng màu tím hôm nào.
– Mà Thương chưa nói V biết ai chở Thương đi học quân sự vậy?
– Hihi. Vẫn tò mò à V. Thì Phượng chở chứ ai.
– Ơ, nhà Phượng phía trên kia mà qua chở Thương đi hả.
– Ừ V, hơi ngược xíu nhưng có biết nhờ ai khác đâu.
– Sao Thương không đi xe?
– Xe Thương lại sửa rồi.
– Vậy… Vậy để mai V qua chở cho.
– Thôi. Không dám phiền V đâu.
Nghĩ ngợi đôi chút. Ngày đó đưa đón em đi về, quả thật chỉ toàn những khoảng lặng buồn bã. Hèn chi giờ em không đồng ý là đúng rồi.
– Ừ, thôi vậy…
– Trời. V thôi nhanh vậy.
– Ủa, là sao Thương?
– Thì cũng phải để con gái nhà người ta làm cao xíu chứ.
– Ơ… V có biết đâu.
– Hihi. Đúng là khờ mà. Thôi tới nơi rồi, V về đi, mai Thương đợi nhé.
– Ok Thương.
Tôi quay xe mà bỗng nghe lòng phơi phới. Đúng là khi để cảm xúc thoải mái đưa ra lựa chọn của nó, tôi thấy đầu óc nhẹ nhõm hẳn, thấy trong lòng cũng thôi chùng chình. Chẳng cần phải suy tính trước sau. Chẳng cần phải đắn đo được mất. Số phận nếu có, đi trăm ngả cũng quay về chốn cũ. Duyên phận nếu không, mãi cố chấp cuối cùng toàn buồn khổ.
Sáng hôm sau tôi qua thật đúng giờ. Áo quần tươm tất, mũ nón gọn gàng. Thấy em đội chiếc mũ lưỡi trai lên rồi xỏ đôi giày đi ra, tôi bỗng thấy cảm xúc mình sao tuyệt vời quá thể. Nếu kết thúc của tất cả những điều này là buồn tủi, tôi vẫn có đoạn đường đi đầy màu hồng trước đó. Và không hiểu sao, dường như khi tôi vui, ánh mắt em cũng thôi xa xăm, thôi bao la.
Đến khu học quân sự trong ánh nhìn ngẩn tò te của tụi bạn. Đặc biệt là ku Thành. Nó lên tiếng hỏi:
– Quyết đinh rồi à?
– Ta không biết!
– Là sao?
– Thì là không biết chứ sao trăng gì. Ta chẳng cần biết ngày mai ngày sau gì cả. Tới đâu thì tới.
– Hơi lạ nghe. Có ai tác động chăng?
Nhắc nó vào hàng, tôi nghĩ về cuốn nhật ký chuyền tay giữa tôi với Phượng. Đúng rồi. Hình như những suy nghĩ trong tôi trở nên thông thoáng như bây giờ là do Phượng mang đến. Trong cuốn sổ đó, với nét chữ mềm mại đều tăm tắp, em mang đến cho tôi những tư duy mới lạ vô cùng. Khi tôi nói tôi dứt khoát, em bác bỏ, khi tôi nói tôi quyết đoán, em lờ đi, và tôi nói tôi phân vân, em đồng ý. Em nói rõ để tôi hiểu bản thân mình rằng, quyết đoán, dứt khoát tôi có thừa, nhưng đó là với công việc, với bạn bè, còn tình cảm, tôi như con thỏ nhút nhác, sợ lạc lối, sợ bẫy rập, nên cứ mãi ngồi ôm cây chờ đợi.
Khi tôi nói về cảm xúc của mình, tôi nhung nhớ, tôi lưỡng lự, tôi đắn đo. Em lại chỉ tôi rằng tình cảm không cần phải đúng sai, không cần nhiều kế hoạch, sự tính toán càng không. Cứ thoải mái cho tâm tư lên tiếng, cho cảm xúc dẫn đường.
Lúc đọc những dòng chữ đó, tôi nghe sao nó sáo rỗng xa xôi quá. Nhưng khi bước vào thực hiện, hóa ra nó lại đơn giản đến vậy. Và từ giây phút này, tôi thầm nể Phượng thêm một bậc. Chẳng biết em lấy những tư duy đó, những lời khuyên đó từ đâu, sao có thể trải đời, có thể chiêm nghiệm đến vậy, em cũng bằng tuổi tôi thôi mà.
Chiều hôm đó, tụi bạn lại quây quanh tôi đòi thiết kế trận bóng như đã hứa. Tôi hơi ngần ngại khi lát nữa phải chở Thương về. Đắn đo chút xíu, đánh bạo qua lớp em dợm thử.
– Lát nữa Thương có bận gì không?
– V chở Thương mà. V thích đi đâu thì đi thôi. – Em cười tinh nghịch.
– Lát lớp V đá bóng, Thương ra xem tí rồi V chở Thương về sau nha.
– Hì, V đá có hay không?
– Không, V chỉ được làm thủ môn thôi.
– Vậy chắc chắn là bắt toàn hụt.
– Sao lại hụt?
– Vì trước giờ V đã bắt được gì đâu, ngay trước mặt còn hụt đây này.
Em nói xong quay lưng khúc khích cười, bỏ lại tôi tơ tưởng trong ngập tràn rối rắm.
Chiều nay lớp tôi giao lưu với tụi 11A2. Đưa ra sự lựa chọn này tôi vốn cũng đã tính toán kỹ. Đây là lần đầu em tới, gọi là cổ vũ cho tôi đá bóng, vậy nên buổi “ra mắt” dù sao cũng phải sáng sủa tí. Mấy đứa 11A2 nhỏ hơn bọn tôi một khóa, lại chẳng có thằng nào trong tuyển, thể hình cũng lèo khèo như lớp tôi. Hơn nữa, khi tôi còn theo mấy đứa 12A2 đá bóng, tụi này tuyệt đối không dám nhận lời mời giao lưu. Thế là tôi nhanh chóng chốt kèo “thơm ngon khó cưỡng” này.
Đạp xe chở Thương phía sau. Sợ em ngại nên tôi cố tình đi thật chậm, tách ra hẳn mấy đứa trong lớp. Ai dè vô tình đi song song với Diệp. Trong thoáng bối rối, tôi lại đạp chậm hơn nữa. Đến sân bóng, thấy tụi bạn đã vô sân tụm lại đợi đội trưởng. Bước xuống xe, tìm chỗ cho em ngồi đâu đó tôi mới vào trong sân.
– Giờ đá sao đây V? – Ku Liêm lên tiếng.
– Lớp này ta không rõ lắm, chỉ biết kém tụi Giang Nam nhiều, anh em cứ như đội hình cũ mà triển khai.
Quay lại giỏ xe lấy chiếc mũ, tôi xắn quần bước vào khung gỗ. Trận đấu bắt đầu với quyền giao bóng thuộc về đội nhỏ tuổi hơn. Tôi tập trung quan sát khi bóng đến chân từng thành viên đội bạn. Thằng Kiếm choi choi như bộ xương di động nhưng kỹ thuật tốt quá. Nếu so với Nguyên con, chắc nó còn nhỉnh hơn chút ít. Dễ dàng đi bóng qua thằng Đông, rồi trước sự chủ quan của Liêm lõm, nó xỏ háng ngọt xớt, may thay ku Liêm cũng chả phải hạng gà con, dù bị qua mặt vẫn kịp huých vai khiến nó mất đà, điều này giúp tôi kịp lao ra phá bóng.
– Không chủ quan nghe bạn. – Tôi lên tiếng nhắc nhở ku Liêm.
Quả biên ném vào, Danh máy ủi hùng hục đuổi theo bóng về tận sân nhà. Nó phá luôn cả cự ly của Liêm và Đông đang duy trì. May thay sự nhiệt thành thái quá của nó làm thằng ất ơ nào đó đội kia hơi hoảng, sút thẳng về khung thành. Trái bóng vu vơ nằm gọn trong tay tôi. Ném thật lực lên tuyến trên cho ku Nhân đang đợi sẵn. Nó độc diễn như xiếc qua thằng hậu vệ bên kia rồi dốc biên xuống tận đáy, sau đó chuyền ngược về ku Hoàng. Đối diện thủ môn, ku Hoàng đệm nhẹ bóng qua góc trái mở tỉ số cho đội nhà trong tiếng hò reo của chị em bên ngoài.
Trận đấu diễn ra được chưa đầy 30 phút lớp tôi đã ẵm gọn 3 trái. Thấy trình độ khá chênh lệch, gọi thằng King thủ môn, tôi ra sân ngồi cạnh em quan sát vào trận bóng. Tụi bạn trong sân như những chú chim ở trong lồng lâu ngày chân chùn cánh rũ, lúc sổ lồng bay nhảy tung tăng cho thỏa bao tháng ngày.
Kỹ thuật của Nhân ca sĩ như tính nghệ sĩ trong người nó, lắt léo, mềm mại, lúc sút thì căng như nhả chữ, lúc đi bóng thì nhanh nhạy như luyến láy, lúc giữ nhịp thì trầm như nén hơi. Danh máy ủi với đôi chân karate và bắp tay hơn 6 tháng đẩy tạ, lao lên thì gầm gừ mãnh liệt, chuyền bóng thì chuẩn xác vô tình, sút bóng thì nhanh nhẹn dứt khoát. Đặc biệt, khi nó giữ bóng ở mọi tư thế, từ trên đầu, ngực, gối, thậm chí cả ống đồng nó cũng khắc banh được, cứ như keo con voi dán chặt vào trái bóng. Nó là thằng duy nhất trong trường tôi lúc đó thuần thục bóng đá freestyle – nhảy múa với trái bóng, hay còn gọi là vũ điệu sân cỏ.
Thằng Kiếm sau những phút đầu tung hoành, đoạn sau đã bị Liêm lõm khóa như khóa tủ sắt. Nhận banh đâu đó thì nhận, xâm phạm cánh trái của ku Liêm thì chắc chắn phải chuyền về.
Thấy đã biết chắc kết quả, tôi rút êm chở Thương về nhà rồi quay lại.
Tuần học quân sự đó trong tôi là khoảng thời gian khởi động cho thật nhiều những sự kiện khi bước vào năm học. Là tiền đề quan trọng để thành lập đội bóng. Là bước đệm đầu tiên để tôi biết lắng nghe trái tim mình. Là khoảnh khắc tôi nhận ra mình phải dứt khoát quên đi những điều đã cũ. Là cuốn nhật ký ngày càng dày thêm. Là quyển sổ thơ đầy thi ca tình ái. Và cũng là khởi đầu cho những chuyến xe đón đưa ai kia.
‘Tại sao V chấp nhận những thử thách trong công việc nhưng lại không chấp nhận những thử thách của tình cảm. Tại sao những thất bại đã qua không mang lại cho V sự tự tin về thành công sẽ đến mà chỉ lo về một thất bại tiếp theo? Nếu không dám đánh đổi, thì cũng đừng chờ đợi – V ạ!
KPGF’
…
Tuần học quân sự kết thúc với lời hẹn vu vơ rằng: “Nếu xe Thương chưa sửa xong thì gọi V qua chở nghen.” Em mỉm cười gật đầu vui vẻ.
Từ hôm đó, những bài thơ trong tập “Khi Tôi Biết Hoài Niệm” của mình mới thôi những lời than thở, thôi những u sầu tương tư sau những ngày dài nhung nhớ…
Kẻ lãng tử phong phanh đời sương gió…
Chốn giang hồ lặn lội khắp 4 phương…
Bỗng một ngày tự cảm thấy vấn vương…
Vì ai nhỉ? Kẻ qua đường giáp mặt.
Gió chiều lên đẩy hoàng hôn tắt nắng…
Một ngày dài thiếu vắng dấu chân ai…
Về thầm trách sao em để tóc dài…
Để có sợi làm say lòng kẻ lạ…
Ta cứ nhìn rồi khen em đẹp quá…
Như ngắm hoa rồi chiếc lá ngẩn ngơ…
Lá có đến bên hoa được bao giờ…
Chỉ thương nhớ là còn hoài dai dẵng…
NPV…
Để đợi đến ngày khai giảng, tôi vẫn phải chịu đựng cái “thương nhớ dai dẳng” đó thêm một tuần.
Cho đến khi những bông hoa sữa trắng muốt bắt đầu thơm nồng mọi ngõ ngách. Khi những chùm phượng bắt đầu rũ và trái phượng như lưỡi kiếm đung đưa. Khi gió mùa chợt se sắt bên những chiếc lá bàng hanh hao úa vàng. Khi trên trời xuất hiện những khóm mây bàng bạc bị gió thu xé toang vương vãi từng mảng nhỏ. Tôi lại “xúng xính” quần áo mới cho ngày khai giảng trọng đại này.
Đôi chân tôi thênh thang trên con đường ngập ánh nắng vàng buổi sáng sớm. Không khí ban mai tinh khôi và dịu nhẹ, mát lanh và mênh mang. Hít thật căng lồng ngực rồi huýt sáo theo những giai điệu vu vơ trữ tình, tôi đạp vun vút qua bao góc phố bao con ngõ thân quen.
Đến chở em theo lời hẹn tối qua. Tà áo dài trắng tinh khôi phẳng phiêu bước ra, một chiếc cài hồng phấn nhẹ nhàng trên mái tóc, đôi hoa tai lấp lánh dưới ánh nắng vẫn không thể lung linh hơn màu mắt nâu biếc dưới hai hàng lông mi dài. Em cười tươi vui và rạng rỡ khiến hồn tôi đi lạc vào mê cung xúc cảm thăng hoa muôn màu.
– Hôm nay… Thương đẹp quá… – Tôi buộc miệng thốt lên.
– V nhận ra lâu rồi mà. – Em tự tin cười khúc khích sau lưng.
– Tiếc là bắt hụt. – Tôi trôi theo cảm xúc.
– Thì bắt lại.
– Được không?
– Nếu V hỏi V có được bắt không thì Thương sẽ nói là được. Còn V hỏi bắt có được không thì cái đó Thương không biết.
Tôi lại ngẩn tò te một thoảng mới hiểu được ý em muốn nói. Dạo gần đây, qua những dòng chữ trong cuốn nhật ký chuyền tay với Phượng, tôi dường như mạnh dạn hơn hẳn khi nói chuyện với Thương. Giảm đi bớt những ú ớ ấp a ấp úng ngày cũ mà có thể nói lên thật rõ tiếng lòng mình đang suy tư. Nhưng tất cả vẫn chưa đủ để đối diện nói chuyện thật “sòng phẳng” với ai kia.
Riêng về Diệp – đóa Hướng Dương của tôi dạo ấy. Từ khi hai đôi mắt chạm vào nhau ở khu quân sự, em vẫn chưa nói với tôi một lời nào. Tôi bâng khuâng nghĩ, đây có phải là điều mà em nói “rồi tôi sẽ biết” chăng? Nhiều lúc tôi không quan tâm lắm, nhưng nhiều lúc vô tình thấy em ngồi buồn miên man ở góc lớp, lòng tôi vẫn cuộn lên những xót xa. Có lẽ điều này với tôi mà nói, là một điểm yếu thật tai hại. Người con gái tôi từng đặt nhiều tình thương, khi những phút giây “hờn giận” đã qua, nếu để nguyên như vậy, tôi có thể dửng dưng, nhưng nếu họ đau khổ vì điều gì đó và tìm đến, tôi thật không đành lòng ngoảnh mặt.
– V đang nghĩ gì vậy? – Em lên tiếng phía sau khiến tôi giật mình.
– À, V đang… vu vơ thôi.
– Chứ không phải nghĩ về ai đó hả? – Em bắn trúng tim đen.
– Ai là ai đâu Thương?
– Sao Thương biết được.
– Hì hì, đúng là V đang nghĩ về “ai đó” thật. – Tôi hí hửng giăng bẫy.
– Thôi đi. Thương đang ngồi sau lưng, cần gì phải nghĩ. – Em né tránh tài tình.
– Thì… thì – đang ấp úng, tôi bỗng mỉm cười với suy nghĩ mới lóe trong đầu – Thì nghĩ làm sao để Thương ngồi hoài ở sau lưng đó.
– Tưởng gì, dễ thôi mà.
– Cái gì dễ?
– V lúc nào cũng khờ khờ vậy hả? Sao giải gì trong trường cũng rơi vào tay A4 ta?
– Có người hiếm khi đạt giải nhưng vẫn đang quay người nhiều giải như quay dế đó thôi.
– Óa – Tôi la thất thanh khi em véo vào lưng tôi một cái đau điếng – Tôi không quay ông, chỉ có ông đang tự quay mình thôi.
Đây là lần đầu tiên tôi bị em véo. Không hiểu sao cảm giác đau đó nó lại ngọt ngào đến vậy. Và khi vừa mới nhâm nhi những ngọt ngào này, tôi bỗng mơ hồ lo lắng về niềm đau phía trước. Nếu mang đến cho nhau thật nhiều mến thương, khi chia ly, nỗi đau hẳn sẽ cháy bỏng lắm. Nhưng lời Phượng hôm nào làm tôi lấy lại phong độ thật nhanh. Hạnh phúc xét cho cùng, là một hành trình chứ không phải đích đến. Và tôi sẽ “dũng cảm” tham gia hành trình này, gặt hái những thi vị, những vui tươi trước đã. Ở phía cuối đoạn đường đó thế nào, làm sao tôi biết được cơ chứ. Sao không thay bao lo âu về đoạn kết buồn bằng cách đợi chờ những hành trình mới mẻ tươi vui?
Đưa xe vào bãi gửi, bước đi thong thả bên em trên con đường cát vàng ươm. Vài cô cậu học sinh mới vào dáo dát tìm bạn cũ. Bỗng tôi thấy một cậu học trò nhỏ với chiếc cặp chéo vai, mũ lưỡi trai bạc phết, ánh mắt tự tin nhìn lên hai chữ Hòa Vang với thật nhiều những hứng khởi từ sâu trong đáy mắt. Tôi chợt nhớ đến mình của hai năm trước. Bản lĩnh, lãng tử, bụi bặm, bước từng bước tự tin vào ngôi trường này với bao ấp ôm hoài bão.
Còn tôi bây giờ, bên cạnh mái tóc dài đen mượt, bên cạnh tà áo trắng thướt tha. Hiện tại, hiện tại dù chẳng phải một đôi nhưng tôi không còn cô đơn như thuở đầu ấy nữa. Và ít phút nữa thôi, khi tôi bước qua cánh cổng này, tôi sẽ đặt chân lên ngày khai giảng cuối cùng của đời học sinh dấu yêu đó. Đặt chân lên năm học cuối cùng của một thời hoa đỏ. Đặt chân lên ranh giới mong manh giữa khờ dại và chín chắn, giữa mộng mơ và kế hoạch, giữa hoài niệm quá khứ và khao khát tương lại.
Trong những dạt dào ấy, tôi đột ngột quay qua ngắm nhìn em thật kỹ. Em cũng như tôi, cũng đang nhìn chăm chú vào chiếc cổng rêu phong màu thời gian đó. Chúng ta có quá nhiều những mộng mơ để nghĩ về, và cũng có quá nhiều những kế hoạch phải đau đáu. Đuôi mắt của em lại chợt xa xăm, chợt mênh mông như thuở nào.
– Mình vào thôi V. – Em lên tiếng khe khẽ.
– Ừ, mình vào thôi.
Qua cánh cổng, tôi và em chia ra hai ngã. Lũ bạn lớp tôi đang chí chóe gì đó với nhau bên kia. Còn bên này, tụi bạn lớp em cũng đùa vui hớn hở. Trong cái không gian đó, tôi bỗng thấy mình thơ trẻ và yếu mềm. Nụ cười tự tin của tôi có thể cho lớp tôi một điểm tựa vững chắc. Nhưng chính những ánh mắt, chính những tiếng hò reo cười đùa trước mặt tôi đây mới là điểm tựa cho sự tự tin đó. Tôi yêu mọi người biết mấy – Dấu Yêu Ơi!
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 9
Phần 10
Phần 11
Phần 12
Phần 13
Phần 14
Phần 15
Phần 16
Phần 17
Phần 18
Phần 19
Phần 20
Phần 21
Phần 22
Phần 23
Phần 24
Phần 25
Phần 26
Phần 27
Phần 28
Phần 29
Phần 30
Phần 31
Phần 32
Phần 33
Phần 34
Phần 35
Phần 36
Phần 37
Phần 38
Phần 39
Phần 40
Phần 41
Phần 42
Phần 43
Phần 44
Phần 45
Phần 46
Phần 47
Phần 48
Phần 49
Phần 50
Phần 51
Phần 52
Phần 53
Phần 54
Phần 55
Phần 56
Phần 57
Phần 58
Phần 59
Phần 60
Phần 61
Phần 62
Phần 63
Phần 64
Phần 65
Phần 66
Phần 67
Phần 68
Phần 69
Phần 70