Năm mèo lan man chuyện mèo, hổ.
1. Nấu giả cầy “ma mèo”
Ngày tôi ở Bokeo, Lào, đó là thung lũng Chiang Khong, cuối đường số 3 nối sang Campuchia, nơi đó gần ngã ba Huổi Xây rẽ trái là đi Paibeng, Udomxay, giáp sông Tà beng. Đó là vùng sơn địa người Lào thơng và người Môn khmer sống chủ yếu.
Chúng tôi ở đó cùng một đơn vị trinh sát pháo binh của bạn, ngày đó rừng còn rậm rịt và những con đường nhựa làm từ thời Pháp đã gần như hư hỏng, đá lổm nhổm như những chiếc bát ăn cơm trên đường, ổ gà ổ trâu khắp nơi, vắng vẻ và hoang vu lắm.
Chỗ chúng tôi ở gần một nhánh sông chảy từ dãy Dangrek ra Tà beng, có một cây cầu làm từ thời Pháp, bé xíu chỉ vừa một chiếc xe Gra kéo pháo loại to chạy qua, đi qua cầu chừng 200 mét, bên tay phải có một kho lương thực cũ bỏ hoang, cái kho lương thực này chẳng biết làm từ bao giờ, nó làm bằng gỗ và lợp ngói phủ giấy dầu, nền xi măng tôn cao chừng gần mét, nghe đồn xưa nó là nhà tù của Pháp nhốt tù chính trị ở đó, phía sau kho, dưới những tán rừng vẫn còn những dấu tích lờ mờ cột bê tông và dây thép gai han rỉ trơ trọi âm u trong rừng, cạnh đó là con đường nhỏ nham nhở vắt lên quả đồi đỏ đi vào đơn vị.
Phía dưới thung lũng là một nghĩa địa hoang, nghe người dân nói xưa là bãi bắn và chôn xác tù, có vẻ như có khá nhiều người bỏ mạng tại đó, thỉnh thoảng mưa vẫn làm trơ ra những khúc xương người màu vàng hoặc đen.
Cuối bãi bắn, sát mép rừng có một ngôi miếu, ngôi miếu này được xây bằng đá khá cẩn thận, tựa lưng vào một cây lò dò rất to, mùa quả khỉ kéo tới hàng đàn ăn quả, quả lò dò to bằng đầu ngón tay út và có màu xanh sậm, từng chùm như quả xoan, tôi từng hái ăn thử, nó giống hệt quả dùi đục vậy.
Khá nhiều lần chúng tôi thấy dân ở mường Hằm quanh đó tới cái miếu cúng bái, người Lào vốn hiền lành và sùng tín tâm linh… tôi tò mò ghé cái miếu xem nó thờ cái gì.
Cứ tưởng nó thờ một ông Thánh hay ông Thần gì đó, hóa ra là thờ một con mèo. Tượng con mèo bằng đất nung to tướng xấu hoắc với gương mặt hung dữ quái đản, cặp mắt như mắt hổ nhìn trừng trừng trông ghê cả người, trông như tượng mấy con mèo bệnh mà người ta bệ lên ở nhiều tỉnh tết vừa rồi ở ta làm linh vật mừng xuân Quý mèo vậy.
Người dân mang đồ tới cúng lễ, ngoài cơm nếp, thịt luộc gà luộc lại có cả gà còn sống, một cặp trống mái trói vào nhau kêu quang quác khi thấy chúng tôi mò vào, thấy lạ lạ tôi hỏi Thoong Vi (TV) một sĩ quan Lào, sao họ lại cúng gà sống??
TV lật đật kéo chúng tôi ra và nói nhỏ, họ cúng thần mèo anh ạ.
Tôi suýt bật cười, sao không cúng bao con người nằm đây mà lại làm miếu cúng mèo nhỉ…
Lần mò tìm hiểu thì tôi được biết, ngôi miếu đó là để cúng một con ma mèo từ khá lâu rồi.
Mãi mới tìm được một người dân từng làm ở kho lương thực đó, nghe cô kể lại rất nhiều chuyện ma tà về cái kho lương thực đó, nào là nơi đó rất nhiều “ma đói” đêm trăng họ từ rừng kéo ra, từ khe cạn bên cạnh kho… rồi cánh đồng trước mặt, từng bầy ngồi, lăn lê bò toài kêu khóc xin ăn, các cô phải lấy gạo và muối vãi ra cho họ… rồi có một con mèo ma không rõ từ đâu ở đâu, thường xuất hiện vào đêm có trăng, nó chắp tay sau lưng đi như người lều nghều quanh bờ tường gỗ của kho gạo, thấy người thì nó đứng lại nhìn trừng trừng, hai con mắt đen thui sâu hun hút như hai hốc mắt đầu lâu người chết, thỉnh thoảng nó ngồi trên những cành tre của hai rặng tre phía ngoài sát cánh cổng sắt đã đổ sập của kho gạo, cành tre là xuống tận gần sân và nó kêu gào những tiếng rất khủng khiếp, và có nhiều người bắt gặp nó đi lòm khòm như người già từ phía bãi bắn phía sau lên vài ba lần, thế là người ta sợ hãi xây cái miếu thờ nơi đó vào năm 76 để thờ nó, thờ cúng nó cẩn thận thì chuột bọ không phá kho gạo, không thờ cúng nó thì chuột phá ghê lắm… tới giờ kho gạo đã bỏ hoang chuyển đi nơi khác nhưng ban đêm thỉnh thoảng người ta vẫn nghe tiếng nó kêu gào, lúc phía dưới bãi lúc ngay trên nóc kho gạo hay lùm cây tre gai hai bên cổng…
Tôi từng nghe nhiều câu chuyện ma quỷ ở những nơi có kho chứa gạo, thậm chí là những nhà kinh doanh gạo kể lại… nhưng chuyện “ma mèo” thì thật lòng chưa nghe thấy bao giờ, nghe cô kể lại với vẻ sợ hãi thì tôi tin cô hơn câu chuyện của cô.
Ngày hôm sau thì tôi rủ thêm hai thằng nữa mò ra cái kho gạo cũ, chả có ai trông nom gì, cả một khu hoang tàn, hai bên có hai dãy nhà xây giờ bỏ không gió lùa thông thống, cái kho gạo to lớn xây tường phía dưới phía trên lại thưng bằng gỗ trông rất kỳ lạ, đạp cửa vào trong thì mạng nhện trắng như sương mù và nền đất thì cơ man là phân dơi, cứt chuột hôi xì… rọi đèn nghiêng ngó trước sau cũng không thấy gì lạ cả, ra phía đằng sau thì thấy những cái bục bằng xi măng phủ cây rậm rịt như những ngôi mộ hoang, có lẽ đó là nơi cho xe chở hàng lùi vào để bốc và dỡ hàng, chiếc băng chuyền bằng sắt han gỉ đổ gục một nửa, một nửa trơ ra phơi mưa phơi nắng… chẳng có gì lạ cả.
Ba thằng hậm hực ra về sau khi không quên hái vài quả đu đủ xanh mọc hoang đằng sau.
Bẵng đi vài hôm nữa, một buổi sáng, khi xuống nhà ăn tôi nghe mấy lính trinh sát bạn kể đêm qua lính thông tin đi kiểm tra đường dây về gặp “ma mèo” và bị nó dọa cho chạy bán sống bán chết về, nay bỏ cả cơm…
Tôi mò lên hỏi cậu lính đó, cậu ta vẫn còn sợ hãi kể run run, em vừa đi qua cửa kho gạo rẽ trái là vào đơn vị, đang lên dốc thì thấy nó đi trước mặt, ban đầu hai anh em tưởng người già đi đâu, sau thấy lạ vì người già lòng khòng mà sao đi nhanh thế, càng đi theo nó càng đi nhanh, rồi tới hàng trẩu bên phải tà luy thì vút cái nó nhảy tót lên cành trẩu cao tới 5 – 6 mét ngồi đó buông hai chân xuống và gào như trẻ con khóc… ái chà, chuyện khét đây… tuy nửa tin nửa ngờ nhưng tôi cũng gật gù thôi, không dám nhận xét gì.
Tới lúc hỏi ra mới biết khá nhiều anh em lính đã gặp, có cậu kể nó đen thui, bò ngoằn ngoèo ngang đường, có người kể nó lẽo đẽo sau lưng vừa đi vừa thở khìn khịt, nhiều cậu thì không thấy mà chỉ nghe tiếng nó kêu gào ban đêm trong rừng vắng khi gác đêm thôi…
Tầm nửa tháng sau đó, một đêm trời mưa, chúng tôi đang ngồi đánh bài bôi nhọ thì anh Luyện chạy về, người ngợm lấm lem như trâu cày, chân đất chân dép, anh gào lên… Tụi mày đâu xách súng theo tao, đm tao vừa bị ma trêu…
Chúng tôi chạy theo anh, vừa chạy vừa buồn cười, không hiểu ông này định vác cắc bùm ra nói chuyện phải quấy với “ma mèo” hay sao nữa.
Ra tận đầu dốc chỗ rẽ xuống đường, thấy cái xe đạp của anh vẫn vứt chỏng chơ, cái cặp giấy tung tóe mưa ướt hết, rọi đèn xung quanh chẳng thấy gì, mấy anh em chửi bới loạn xị một hồi rồi kéo về.
Về nhà chúng tôi hỏi anh, anh L kể, Tao vừa xuống xe dắt lên dốc thì thấy nặng quá, tưởng xe mắc vào cái gì cố mãi không lôi nổi, tới lúc chớp lóe lên mới thấy con gì nửa như người nửa như ma nó kéo sau xe, nhìn nó như bà già mà nó lại có đuôi…
Mắc cười lắm nhưng mấy anh em không ai dám cười to, đành an ủi anh, thôi, anh đi tắm đi rồi ngủ, mai tạnh ráo ra coi sao.
Trưa hôm sau mấy anh em mò mẫm ra, loanh quanh rồi kéo nhau xuống dưới bãi chỗ cái miếu, người dân mới dâng đồ cúng xôi và thịt luộc, chúng tôi hạ đồ lễ chia nhau chén luôn, thấy cái bệ bên ngoài trống trơn không thấy có gà sống như mọi khi, tôi tò mò đi qua gốc cây lò dò vào phía trong rậm hơn, đột nhiên tôi nghe rõ mồn một một âm thanh ma quái the thé run run nửa như tiếng mèo, nửa như tiếng trẻ con khoc nho nhỏ, thú thực bất ngờ nên tóc tai tôi dựng ngược cả lên, vừa lùi lại vừa móc cây rìu ra vì không mang súng, ở đây chung tôi sử dụng rìu nhiều hơn, chiếc rìu bằng hơn hai ngón tay mà những phu trầm hay dùng, lưỡi cong cong như rìu thạch sanh, vừa chặt cây phát cành vừa làm vũ khí, khi cần phi rìu uy lực sát thương không thua gì súng đạn…
Từ chỗ tôi đứng nhìn vào phía bụi cây rậm phía trong, tôi thấy một vật gì đó vừa đen đen xám xám vừa lều nghều chậm rãi… nó như đứng trên hai chân và mặt như đang nhìn tôi và phát ra âm thanh đó.
Ban đầu tôi có giật mình chết trân, dựng cả tóc lên… nhưng sau đó trấn tĩnh ngay, tôi vờ như không nhìn nơi đó, mặt quay đi nhưng mắt vẫn kín đáo đảo sang đó… có những tiếng coo… coo… coo… rất lạ vẫn khe khẽ phát ra nơi đó, và cái bóng xam xám đó như hơi chuyển động… y như tôi phán đoán, linh miêu hay hùm dây rồi, chứ tha gà sống đi thì mày không thể là ma được rồi – hùm dây là con vật mà ở Lào và nhiều vùng núi phía Bắc Việt Nam hay có, tôi không biết tên thật nó là con gì, chỉ thấy thợ săn gọi nó vậy, nửa mèo nửa hổ, người dài ngoẵng và gian manh như sói, chuyên rình rập và cướp cả mồi của thợ săn nếu đi săn không mang theo chó, là nó sẽ bám theo, ngồi chờ thợ săn bắn rơi chim hay thú là nó ở dưới đợi sẵn chở luôn – tôi vờ coi như không thấy và quay lại cửa miếu.
Tối về tôi kể lại với anh Ch, và bàn kế hoạch đi “tiễu phỉ” anh Ch khoái trí đồng ý ngay, ba hôm sau trời lắc rắc mưa, hai anh em sang bên bạn mượn một con gà còn sống trói lại, mỗi người khoác một M16 vặn ống giảm thanh cẩn thận, tránh tiếng nổ – loại này chính xác hơn AK, đợi sâm xẩm mò ra cái miếu, đặt con gà lên cái bệ đá phía ngoài, buộc nó lại cẩn thận, rồi hai người hai góc bắn, trùm áo mưa sĩ quan của tàu cấp lúc đó, có hai mặt xanh lá và đen, lộn màu đen ra nguỵ trang và nằm im chịu muỗi đốt đợi… đèn pin để cạnh, súng mở khóa lấy sẵn đường ngắm…
Không phải chờ lâu, chỉ chừng 15 phút sau đã thấy phía bụi cây sau miếu khẽ lay động rồi, trời còn chưa tối hẳn, một cái đầu bù xù thập thò, thề là yếu bóng vía, mắt quáng gà thì không tưởng ma mới lạ, nói thật khi ngắm bắn nó tôi thoáng chút phân vân, không biết nó là thứ gì nhỉ… nhỡ đâu nổ súng rồi mà thấy đạn như bay vào hư không là bỏ mẹ, vì tầm hơn chục mét với khẩu M16 thì tay súng bá vàng của tôi gần như chưa bao giờ trượt cả, nếu là mục tiêu hữu hình… còn nếu nó vô hình thì đúng là bỏ mẹ thật… chắc phải ốp mìn bay cái miếu không thì nó trả thù cho chết…
Cái đầu bù xù lắc lư, cặp mắt ánh lên láo liên, trực diện trước đường ngắm của tôi… chíu… Phía bên anh Ch cũng nghe phạch! Hai phát liền, hai anh em lao lên ngay, trời chưa tối cũng vẫn bật đèn soi… may quá ông nội hùm dây thật, con này to lạ lùng, chắc do ăn gà cúng nhiều, ngoài ăn đồ cúng nó còn mò vào gần đơn vị bạn thoắng lai rai gần trăm con gà nữa, nó nặng tới gần ba chục ký lô, hôi xì nanh và vuốt như con báo đang bật đùng đùng thêm một lúc, hai anh em tháo con gà bẫy khoac súng thay nhau vác nó về, hò hét gọi anh em từ xa chuẩn bị nồi niêu dao thớt thôi…
Chả biết cái thứ mà hay trêu và dọa người như nhiều người kể trước đó nó có thật hay không, và hình hài nó ra sao vì tôi đã nhìn thấy nó bao giờ đâu, còn thứ tôi bắn được này thì thịt nó ngon lắm bà con ạ, chả biết nó là giống gì, vằn vện xám đen nhìn ngầu như hổ, nhưng mặt lại như con mèo và đuôi rất dài, người cũng dài với đầy đủ móng vuốt nanh như loài hổ…
Mai nghỉ xin kể tiếp chuyện ma hổ ở Lào hầu bà con nhé.
… Bạn đang đọc truyện Chuyện đời lính tại nguồn: http://truyensex68.com/chuyen-doi-linh/
Năm mèo đáng ra phải bàn chuyện mèo bắt chuột, mà bàn chuyện chuột bọ thì chán ngắt…
Thôi, được nghỉ chút kể tiếp cho bà con nghe chuyện về hổ ở Lào và khu ba biên “tam giác vàng” một thời.
Chuyện về hổ thì tôi được chứng kiến nhiều và từng bắn nó khi nó định thịt chúng tôi, và nghe kể lại cũng có, chuyện thợ săn, phường săn kể, chuyện ở rừng, thậm chí là chuyện về “ma hổ” nữa.
“Ma hổ” thì tôi không tin lắm, vì nói thật, tôi chưa thấy nó bao giờ cả, tai thì nghe nhiều rồi nhưng phải mắt thấy nữa thì mới tin. Nhưng có nhiều người rất đáng kính đáng tin, kể lại cho tôi nghe, chẳng biết đánh giá ra sao… chỉ biết kể lại cho mọi người nghe chơi, và tôi sẽ bỏ bớt những chi tiết quá hoang đường nhé.
Vừa rồi, khi tụ tập với mấy anh bạn chiến hữu cũ, được nghe anh kể lại chi tiết hơn một câu chuyện mà ngày trước lúc ở ba biên chúng tôi từng được nghe kể, anh là người lai Hoa – Lào, sinh ở Miến Điện nhưng hiện tại thì sinh sống tại quận 5 Sài Gòn.
Khi ở Hủa Xây, Bokeo Lào, chúng tôi ở thung lũng Pà O, người địa phương gọi là núi Pà O, ngọn núi này cùng nằm trong dãy Dangrek kéo dọc biên giới Lao Cam Thai, bên trái phía Tây là Miến Điện vùng cao và trồng rất nhiều cây thuốc phiện, nơi đó gần như vô chính phủ và rất nguy hiểm, người dân gần như ai cũng có vũ khí quân dụng, thậm chí cả trung liên RBD vác nghênh ngang, họ canh tác cây anh túc và nấu nó thành thuốc phiện sau đó bào chế trưng cất ra heroin và buôn bán cũng như sử dụng công khai, mỗi một đám người đều như một đội quân thực thụ với súng đạn đầy mình… tôi cũng từng xem họ nấu thứ chất chết người đó từ cây, cành, hoa quả và rễ cây anh túc đó ra thành thuốc phiện, mùi thơm rất ma quái và lạ lùng, ai cũng hút thứ đó kể cả phụ nữ và trẻ em, thậm chí những em bé mới sinh chưa biết hút thì người lớn hut rồi phà hơi vào miệng chúng, họ rất khỏe dù thời tiết và cuộc sống, điều kiện sống nơi đó rất khắc nghiệt, tôi cũng có hút thử thứ đó vài lần. Thuốc phiện thì rất lạ, nó không như thuốc lá hay thuốc lào, dù cùng là thực vật mà ra, chưa hút bao giờ hút cũng không bị sặc ho hay khó chịu, mà khói cũng không như thuốc lá thuốc lào, nó êm dịu, thơm và ngọt ngọt… nhưng khi say (phê) thì ối giời ơi luôn, ba bốn ngày ăn gì nôn đấy, người cứ chao đảo bồng bềnh.
Ăn thứ lá non nó nấu với thịt gà, loại gà lông xù như quả bóng và chân ngắn tũn nhưng thịt rất ngon, không chê vào đâu được… ăn sống cũng được, lá anh túc có vị đắng nhưng hậu ngọt ngọt… ăn xong thì say thấy ông bà ông vải.
Ở khu vực đó thì toàn rừng núi, núi đá pha đất, và rừng thì nguyên sinh đại ngàn tới âm u, sáng đẹp trời thì cũng phải 10 giờ mới thấy mặt trời, trong rừng luôn có một thứ gì đó lờ mờ như khói như sương mà người ta vẫn hay gọi là lam sơn chướng khí vậy.
Thú rừng thì nhiều vô kể, dân ở nhiều mường bên phía Lào chỉ sống bằng nghề săn bắt hái lượm những thứ lâm thổ sản từ rừng ra thôi, họ có trồng cả lúa nếp nương nữa, thứ nếp hạt dài và nhỏ chứ không tròn.
Từ Hua khong đi vào chỗ chúng tôi thì gần nhưng phải qua nhiều ghềnh thác nguy hiểm của dòng Mekong, đi hướng Pác Thạ sang thì dễ đi hơn nhưng đường xa và nguy hiểm kiểu khác, vì nơi đó có nhiều mỏ vàng và đá quý gì đó nên những thành phần vô chính phủ khá nhiều, đường núi thì hoang vu và vắng vẻ còn một mối nguy hiểm nữa là thú dữ, đặc biệt là hổ.
Hổ ở nơi này thì nhiều, cho tới tận giờ tôi nghe nói vẫn còn, còn ngày đó thì nó là nỗi khiếp sợ của dân mường, bản và nỗi e ngại của chúng tôi mỗi khi di chuyển qua rừng, mỗi khi động rừng hay có trăng là chúng thi nhau gầm rú khắp nơi à uôm nghe kinh cả người, rất nhiều lần tôi thấy nó tận mắt, chỉ cách chừng mấy chục bước chân. Con hổ vàng sậm vằn đen to như con bò bước lững thững và quay nhìn chúng tôi bình thản, đuôi ngoe nguẩy như con rắn cạp nong chẳng chút gì là sợ sệt cả…
Hổ nơi đó nhiều, và nó ăn thịt người cũng nhiều.
Tôi nhớ có lần đọc và nghe trên mạng mấy anh iu túp bơ kể chuyện đi săn, anh Hoàng gì đó kể chuyện anh đi săn và theo luật săn thì phải im lặng suốt chuyến đi… chả hiểu sao nữa.
Những người dân ở vùng núi cao, vùng sâu thường cất giữ rất nhiều bí ẩn của con người, những bí ẩn đó nếu không thấy tận mắt mà chỉ nghe kể không thôi thì rất khó tin bà con ạ, những “bùa phép” “thuật chú” của họ rất bí ẩn và kỳ lạ, không riêng tôi được thấy mà có rất nhiều người từng thấy, và có nhiều những nhà nghiên cứu nghiêm túc những thứ bí ẩn đó cũng phải sửng sốt hoang mang.
Thợ săn thì nhiều, nhưng thợ săn hổ thì ít thôi, và họ có nhiều cái khá bí ẩn và lạ lùng. Tôi đã từng viết về những thợ săn hổ ở bài cũ nào đó trong trang tôi, nhưng tôi cũng bỏ bớt đi nhiều chi tiết khó tin hay bí ẩn, vì tôi không thích sự mê tín hoang đường thiếu căn cứ.
Chắc hẳn mọi người đã từng nghe chuyện ngậm ngải tìm trầm, đi săn hổ cũng na ná vậy đó. Thợ săn hổ và phu trầm có nét giống nhau là rất kín tiếng, họ kiêng kỵ nói dối nên chỉ im lặng khi không muốn nói ra điều gì đó.
Anh bạn tôi từng là thợ săn hổ, lang thang khắp thâm sơn cùng cốc, và có những chuyện cho tới tận bây giờ gần 40 năm rồi tôi mới có dịp hỏi anh và nghe anh thổ lộ nhiều điều, khi đã rửa tay gác nỏ về phố.
Hổ với dân rừng núi là con vật linh thiêng, thợ săn bình thường không săn nó, họ e sợ nó và gọi nó bằng những cái tên như ông ba mươi, ông kễnh, ngài, khái… vv…
Khi những con hổ tấn công và ăn thịt con người quen mồi thì thợ săn mới phải ra tay, ở Lào lúc loạn thổ phỉ thì xác chết nhiều, và loài hổ bỗng nhiên không phải đi săn cũng có đặc sản bày sẵn, có những con hổ già hay què cụt chân, như giai thoại hổ ba chân ở Đông Nam bộ Việt Nam xưa, đơn giản và chẳng phải ghê gớm gì, chỉ là chúng không còn đủ sức để săn những con mồi khác vì những con mồi khác đòi hỏi nhiều sự khó khăn hơn con người, con người ở góc độ nào đó có thể là chúa tể, nhưng khi gặp cọp giữa rừng thì… xin lỗi, chỉ là cục xúc xích cho hổ nếu không phải phường săn có vũ khí và đông người. Nếu đang đi giữa rừng mà bất chợt gặp hổ thì tôi đảm bảo rằng những người bạo gan nhất chắc chắn cũng phải bủn rủn rụng rời tay chân khi đối diện với con hổ to như con bò cặp mắt sắc lạnh đầy vẻ chết chóc cùng những nanh vuốt và sức mạnh khủng khiếp trong khối cơ bắp…
Khi vồ dễ, ăn lại ngon thì chúng quen hơi thôi, ban đầu là xác chết sau thì là người sống.
Thợ săn hổ loại đó là những người đặc biệt, ngoài sự dạn dày kinh nghiệm họ còn sử dụng một thứ hộ thân nữa, đó là “ngải”.
Trong phường săn không phải ai cũng có thể ngậm ngải, thường là người đầu phường, chủ top… đã ngậm ngải thì phải im lặng, những bạn săn cũng dạn dày kinh nghiệm, thạo việc nên chỉ cần làm theo hiệu lệnh của đầu phường.
Khi đi có thầy cúng tới cúng khấn đàng hoàng, và kiêng kỵ khá nhiều, khi xuống thang họ phải đi thẳng không quay lại, không đi qua gầm sàn, chỉ đi lúc mặt trời lặn.
Ngải và “luật” dùng ngải cũng là điều bí ẩn, tôi sẽ kể cho mọi người nghe thêm vào dịp khác.
Khi người thợ đi săn hổ người ở nhà của họ cũng phải kiêng kỵ khá nhiều, sở dĩ họ phải vậy vì con người giữa đại ngàn và đối đầu với chúa sơn lâm thì ngoài kỹ năng ra thì đức tin tinh thần của họ là Thần Thánh thôi chứ còn ai nữa.
Đầu phường sẽ đi trước, bạn săn theo sau nói chuyện thoải mái nhưng không được phép nói chuyện với đầu phường đang ngậm ngải, và khi rình hổ cũng không được nói, vì giống hổ tinh khôn, mũi cực nhạy, nó có thể đánh hơi thấy con người từ rất xa nhất là trong đêm, khi rình hổ thì họ phải phơi sương và thoa lá kép giã ra để không còn mùi người, điểm mà không giấu mùi được là hơi thở và khí thoát ra khi nói nên họ phải ém hơi vậy, còn đầu phường ngậm ngải thì không được nói.
Khi ngậm ngải thì đầu phường dường như thay đổi, họ như được có thêm kỹ năng không phải của con người bình thường nữa, họ có thể nhìn trong đêm, nghe và ngửi từ rất xa, thậm chí nhắm mắt lại đi họ cũng không bị vấp té – điều này tôi thấy tận mắt nên không nói quá, khi lần đầu đụng đám thợ săn hổ tôi còn tưởng người đầu phường bị câm, rất lạ lùng và bí ẩn – người đầu phường sẽ dẫn dắt bạn săn lần theo dấu vết hổ và nhử hổ bằng mồi thịt, rình và bắn…
Hổ vồ người và ăn mồi theo trăng, đầu tháng nó sẽ ăn từ đầu, giữa hay cuối tháng nó sẽ ăn chân trước, và bộ lòng ruột nó sẽ luôn bỏ đó tha đi giấu và ăn sau cùng khi đã bốc mùi, với con mồi là thú nó lại không ăn như vậy, luôn ăn từ đầu…
Người ta nói nhiều về con người khi bị hổ vồ thường thành “ma trành, ma khái” gì đó, họ nói rằng những hồn ma đó không siêu thoát và luôn theo con hổ đó chỉ cho nó bắt những người khác để thế mạng cho mình… tôi chỉ nghe kể vậy và cũng đã có lần nhìn thấy vài chuyện lạ lùng, nhưng cũng không dám nói chắc rằng điều đó đúng hay sai…
Nhưng “ma trành, ma khái” là một thứ gì đó rất kinh khủng với người sơn cước rồi, nhưng còn một loại ma cũng “trành, khái” vậy mà kinh khủng hơn nữa, theo lời họ kể lại thôi chứ tôi chưa được nhìn thấy bao giờ.
Đó là ma người thợ săn đầu phường… nếu con hổ quá ghê gớm, như họ nói nó có tinh rồi thì nó sẽ mạnh hơn “ngải” và nó sẽ bắt lại người đầu phường kia, vong hồn “ngậm ngải” kia mới thực sự đáng sợ hơn những loại “trành khái” bình thường…
Không riêng người đầu phường đó bị hổ vồ ăn mà cả dòng họ nhà đó còn bị nạn nữa, hổ sẽ bắt mỗi năm một người nhà.
Thợ săn hổ bị hổ vồ chết họ thường cúng bái rất cầu kỳ, các thầy mo thầy giàng sẽ phải cúng xin rất lâu, và có mộ chôn thì họ cũng phải dùng cọc gỗ đóng và quây cọc cẩn thận xung quanh, thường thì chẳng ai dám tới gần, tôi từng nhìn thấy một ngôi mộ như vậy từ ngã ba Pác thạ vào Lim Phoi, ngôi mộ đó chỉ chôn mỗi cái đầu sọ còn sót lại của người thợ săn, nó cứ to dần ra theo thời gian như một cái gò nhỏ, ngay gần con đường mòn, sau đường làm to ra thì công binh cũng né chứ không dám đụng vào cái gò mả đó.
Ma đầu phường họ hay gọi là ma hổ, theo như bạn kể lại thì nó có hình dáng nửa người nửa thú không rõ ràng như những “ma thường” và đêm có trăng thường hay ngồi phía ngoài nhà nhìn vào trông như một bụi cây, cứ mỗi trăng họ phải cúng cho nó một lần bằng thịt sống, tiết và củ sả rồng, tôi có nghe nói sả rồng cũng là một loại ngải gì đó, không rõ đúng hay không nữa…
Nếu không cúng đủ nó sẽ rung nhà sàn suốt đêm chẳng ai ngủ nổi và con nít cứ khóc không chịu nín…
Người vùng sơn cước rất sợ mồ mả chôn xác người bị hổ vồ, hoặc nhà ai có người bị hổ ăn thịt, đi rừng săn đêm thì họ dám nhưng ban ngày bảo tới gần những ngôi mộ đó thì chẳng ai dám, thậm chí hỏi chuyện họ cũng không dám kể hoặc nói tới nhiều, nhất là vào buổi tối… dường như họ kiêng kỵ nhắc tới những thứ đó.
Có lần tôi tưng nghe người ta kể về loài ma hổ… ma trâu, rồi ma gà, ma chó… chẳng rõ thực hư sao, nhưng tôi nghĩ vạn vật đều có linh, nhất là loài hổ… thì cũng có thể lắm chứ, vì lời đồn chắc chắn nó cũng phải bắt nguồn từ những gì có thật từng xảy ra hoặc nhiều người biết và thấy. Tôi tin vì nếu như ai từng biết về loài này thì mới thấy rõ… đêm có trăng mà nghe nó à uôm giữa rừng, hay nó ngửa cổ ngắm trăng, rồi bắt chước tiếng những con thú khác kêu hay kêu như người cười trong rừng hoang thì khối người tè trong quần chạy không nổi chứ ở đó mà không với tin… nổi gai ốc và ớn lạnh là cảm giác của tôi khi nghe thấy những âm thanh đó trong đêm trăng, khi rừng có hổ về thì im phắc tiếng chim thú, chỉ còn tiếng con chim gọi hồn te rétttt te réttt kêu đều đều buồn thảm trong đêm, loài này cũng lạ, nó cứ bay theo con hổ trong đêm và tiếng kêu nghe thật rợn người…
Lại bận việc rồi, rảnh tôi sẽ kể tiếp nhé.
Chúc mọi người ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ ạ…
Chào anh chị em Quảng Ngãi ạ, hẹn gặp lại…
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 9
Phần 10
Phần 11
Phần 12
Phần 13
Phần 14
Phần 15
Phần 16
Phần 17
Phần 18
Phần 19
Phần 20
Phần 21
Phần 22
Phần 23
Phần 24
Phần 25
Phần 26
Phần 27
Phần 28
Phần 29
Phần 30
Phần 31
Phần 32
Phần 33
Phần 34
Phần 35
Phần 36
Phần 37
Phần 38
Phần 39
Phần 40
Phần 41
Phần 42
Phần 43
Phần 44
Phần 45
Phần 46
Phần 47
Phần 48
Phần 49
Phần 50
Phần 51
Phần 52
Phần 53
Phần 54
Phần 55
Phần 56
Phần 57
Phần 58
Phần 59
Phần 60
Phần 61
Phần 62
Phần 63
Phần 64
Phần 65
Phần 66
Phần 67
Phần 68
Phần 69
Phần 70
Phần 71
Phần 72
Phần 73