Hôm nay tôi sẽ kể cho các bạn nghe một vài câu chuyện nhỏ nhỏ, về những nơi tôi từng ở, từng gặp… tiếp chuyện hôm trước bỏ dở.
Năm 1994 tôi ở Lào, chỗ tôi ở là Mường Hìm, thuộc tỉnh Xầm nưa. Lúc tôi ở vẫn còn cực kỳ nguyên sơ, chưa đông đúc như bây giờ, rừng còn rất nhiều, toàn rừng già nguyên sinh, và thú rừng cũng còn rất nhiều, ở Mường phin hay phinh gì đó tôi không nhớ rõ tên, đoạn từ Xầm nưa đi U đom say… thỉnh thoảng động rừng vẫn nghe tiếng hổ gầm uồmm… uồmm… nghe vang cả rừng. Tôi có hai ba lần nhìn thấy nó qua ống nhòm từ xa, con hổ vằn vàng đen to, nó đứng ngay bờ cỏ tranh bên kia sông, chúng tôi đứng bên này, cách chừng hơn trăm mét, nó rất bình thản khi nhìn thấy con người… đủng đỉnh bước.
Tôi rất tò mò về loài này, và có kỷ niệm khó quên với nó, đó là hồi mới sang Cam, chúng tôi ở ngay chân dãy núi Kan đăng, bọn tôi khi đó còn trẻ trâu và hay tò mò dại dột… Một hôm, vào tầm cuối mùa khô là tháng 4 trời âm u, ngột ngạt, mây đen vần vũ nhưng không mưa, rừng động, mấy anh em rủ nhau vác súng vào rừng đi săn, nói là đi săn cho oai chứ thực ra có biết tý kinh nghiệm săn bắn gì đâu, mò vào rừng cứ thấy con gì nhúc nhích là bòm thôi… bốn thằng rủ nhau đi, rừng ở nơi này vẫn còn hổ, dân địa phương chỉ cho tôi cách biết rừng có hổ, là khi có những đàn chim gì đó màu xanh to cỡ con chim cu gáy ở mình, thỉnh thoảng lại bay vỡ đàn nháo nhác, kêu quéc quéc inh ỏi. Nên đi rừng đêm hay ngày chúng tôi đều chặt những cây lồ ô cỡ cườm tay vạt nhọn đầu, vác chĩa ngược lên trời để tránh bị hổ vồ, nhất là ai đi cuối đoàn càng phải cẩn thận, vì nghe thợ săn nói “ông” (cách họ gọi con hổ) thường hay vồ người đi sau, nó giống như ma quỷ cũng hay giỡn người đi sau. Đi suốt từ 10 giờ sáng tới chiều tà cũng bòm được 1 con mễn còi…(nó giống con nai mà nhỏ nhỏ như con chó nhà vậy) vác về, vui như hội, hý hửng… quên hết cả vác cây chống hổ vồ… về gần tới chỗ ở, từ xa đã nhìn thấy nhưng phải đi qua một eo núi, gần suối nước, người ta ở miền Trung hình như gọi là Truông thì phải, truông này gần nước nên khá rậm rạp, nhiều cây to với những tảng đá… tới đó mát mẻ, cả bọn dừng lại rửa mặt mũi và ngồi nghỉ. Tôi đứng cách xa ba chú kia chừng hơn chục bước chân, và leo lên một tảng đá to để quan sát rừng bằng ống nhòm, đột nhiên tôi ngửi thấy một mùi rất lạ, khét khét… nồng nồng, thum thủm thối, tôi bỏ ống nhòm nhìn quanh, chợt gai người… ngay dưới tảng đá có một con rắn cạp nong khoang đen khoang trắng rất to đang ngoe nguẩy rất chậm và kỳ lạ… hơi nhích ra chút nữa để nhìn con rắn thì tôi điếng người… một con hổ to tướng, nó màu vằn đen đang thu lu trong tư thế rình mồi, cái đuôi dài ngoe nguẩy làm tôi tưởng con rắn, hai tai cúp ra đằng sau, cặp mắt trừng trừng lạnh lẽo nhìn tôi, tôi ngây người đứng im nhìn lại nó… thực lòng lúc đó tôi không biết phải xử lý kiểu gì với ông nội này, vì chưa gặp bao giờ và không có giáo trình nào dạy vụ này cả… ? ?, lúc đó lại có một thằng đi tới định leo lên tảng đá cùng tôi, tôi giơ tay ra hiệu cho nó, tín hiệu nguy hiểm đứng yên, nhưng nó không để ý và luôn mồm hỏi mượn ống nhòm… tới lúc nhìn ra thì nó không hiểu chuyện gì quáng quàng gọi 2 thằng kia mang súng ra, cả bọn dáo dác… thì vút cái, con hổ tung ngươi phóng đi nhìn vừa nhanh, vừa mạnh… nó vọt xuống phía dưới và phóng vào rừng lẹ làng chỉ trong mấy giây…
Tôi bàng hoàng ngồi thụp xuống, toát mồ hôi, không có kinh nghiệm đi rừng nhưng tôi biết sức mạnh của con mãnh thú kia, nó nặng phải hơn trăm kg, lại là loại vằn đen, người ta nói cọp đen dữ hơn cọp vàng… khi đó tôi chỉ cần nhoài ra thêm, làm nó cảm thấy bị tấn công thì theo đặc tính loài này nó sẽ luôn tấn công trước, không bị nó tha đi nhưng chắc cũng chẳng còn sống nổi với nó. Nó phóng vào rừng rồi gầm như thét lên oàmmm… oàmmm, đinh tai… ngay chỗ nó nằm rình có hai cục bọt mép nó sùi ra to cỡ vốc tay, vừa tanh vừa thối hoắc…
Lần đó tôi nhớ đời.
Còn ở Lào, một hôm có anh bạn lớn tuổi hơn tôi, anh làm kiểm lâm, tên Khỉn, anh rất quý tôi nên rủ anh em vào nhà anh uống rượu, tới đêm chỉ còn hai anh em ngồi nói chuyện, hai thằng kia say đi ngủ hết, anh nói rất khề khà chậm rãi, đúng chất người Lào, Em có hung tinh, sau này cuộc đời gian khổ lắm, hay gặp hiểm nguy… anh kỷ niệm em cái này, anh đứng dậy mở thùng lấy ra cho tôi một chiếc nanh hổ. Em xỏ dây đeo vào cổ cho nó chắn bớt nạn tai…
Anh kể cho tôi nghe về cái nanh hổ, con hổ này chính tay anh bắn nó, anh và cha cùng bạn thợ săn lùng nó gần một năm trời, đủ thứ bẫy nhưng không hạ được nó… theo lời anh kể… con hổ này đã thành tà, nó đã vồ và ăn thịt một ông thợ săn già, một thanh niên đi làm rừng, một bà cụ già ở nhà trông trẻ nhỏ, một người lính… 4 người, có người nó chỉ tha đi chưa kịp ăn, có người nó ăn chỉ còn nửa người, riêng ông thợ săn già chỉ còn mỗi cái sọ, loài hổ khi đã quen máu người thì nó rất tinh ranh ma quái, theo lời anh nói, nó có thể nghe được tiếng người, và biết con người sẽ làm gì để giết nó, nên khi đi săn loại này thợ săn thường chỉ nói thì thầm và ra hiệu với nhau, và chỉ có cách bắn nó chứ bẫy không thể được.
Anh kể cho tôi nghe về đặc tính loài này với giọng thì thầm nho nhỏ, tôi thấy nỗi sợ hãi trong lời nói, thái độ của anh khi nhắc tới loài này. Nó là con vật tinh ma, anh kể, nghe ông anh kể lại… ngày xưa có con hổ đen tua cau, do thời Phỉ Vàng pao loạn lạc người chết nhiều, cứ nghe súng nổ là nó không chạy đi mà mò tới nơi đó ăn xác người… rồi thành tinh, đêm trăng nó giả đò đứng dưới sàn nhà giả giọng chồng gọi vợ hạ thang, mở cửa… người vợ tưởng chồng ra mở cửa và mấy ngày sau dân làng đi tìm chỉ còn thấy mỗi cái đầu, nhất là những thợ săn đi rình nó, bị nó quay vào làng gọi cửa và vồ người vợ tha đi ăn… sau nếu về đêm đến đầu sóc là họ bắn súng để người nhà biết mới được mở cửa… người ta còn kể đêm trăng nó biến thành một ông già đầu trọc lóc ngồi giữa những trảng trống, rừng thưa… xung quanh là những hồn ma bị nó bắt về phải hầu hạ nó, và chỉ đường cho nó về bắt người nhà, nên người Lào nhà ai mà có người bị hổ vồ tha mất xác là từ chạng vạng tới sáng họ luôn đóng cửa, dù ai gọi thế nào họ cũng không mở cửa ban đêm, đàn ông không đi săn đêm, đàn bà thì không ra suối tắm gội, đi rừng thì luôn phải đi ở giữa, còn một mình họ không đi rừng. Ngoài ra họ còn phải mỗi tháng vào ngày rằm trăng sáng, họ phải treo một tảng thịt heo hoặc trâu bò ở sàn để cúng “ông” (tức con hổ)… anh kể rằng tục xa xưa là vậy.
Qua anh kể tôi mới biết nhiều về loài này, khi bắn nó xong, việc đầu tiên thợ săn già nhất phải đốt râu nó, và lấy dao cắt một mảng da ở trán nó, vì râu hổ rất độc, người ta vẫn đồn lây râu hổ, cắm vào củ măng chưa nhú, ngâm vào nước tiểu nó sẽ sinh ra một thứ giòi rất kinh khủng, người miền Trung Việt Nam kể là người cầm đồ thuốc độc dùng loại giòi đó phải không mọi người? (Ai biết về chuyện cầm đồ thuốc độc, xin chỉ giáo ạ). Còn cắt da ở trán nó là vì trên trán loài hổ có những vằn lông như chữ Vương, là Vua… người ta kỵ huý chữ đó… nhưng hổ săn ở rừng và quen máu người họ mới phải làm vậy.
Chiếc nanh hổ tôi vẫn còn giữ và đang đeo trên cổ, tôi không biết là công dụng chống hung, tà… như lời anh Khỉn nói, có hiệu nghiệm không, chỉ thấy là nó có tác dụng khi trẻ em nhỏ khóc đêm, người già nói bị trêu, mà treo ở chỗ nằm của trẻ, nó thôi khóc ngay, điều này tôi đã thử gần 10 nhóc rồi, bạn bè họ vẫn thường nhờ tôi, và nữa là những người bị vong nhập thấy cái răng này rúm người lại, vong ra ngay… nếu vong người nhà thì chân tay co quắp và ôm chặt lấy đầu mắt nhắm tịt không dám nhìn… tôi đã thử bốn lần, cũng có thể là do vô tình… không loại trừ nhé – chứ chưa chắc là do chiếc răng nanh này.
Tôi nghe anh Khỉn nói, đàn ông đeo răng nanh trên, còn đàn bà thì răng nanh dưới, răng nanh trên thì dài hơn và có đường gân như lưỡi dao ở giữa.
Chỉ có điều lạ là những chiếc nanh hổ đeo lâu, thường tự nứt vỡ thành từng mảnh, không riêng chiếc răng của tôi, và chỉ răng nanh trên mới nứt vỡ, còn răng dưới lại không sao…
Câu chuyện tôi kể đây, chỉ mang tính chất đọc cho vui ạ, tôi chỉ kể những chuyện bản thân mình đã trải qua hoặc nghe những người khác kể lại một cách nghiêm túc. Tôi không bắt các bạn phải tin vào bất cứ điều gì. Đơn giản chỉ là nghe cho vui thôi.
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 9
Phần 10
Phần 11
Phần 12
Phần 13
Phần 14
Phần 15
Phần 16
Phần 17
Phần 18
Phần 19
Phần 20
Phần 21
Phần 22
Phần 23
Phần 24
Phần 25
Phần 26
Phần 27
Phần 28
Phần 29
Phần 30
Phần 31
Phần 32
Phần 33
Phần 34
Phần 35
Phần 36
Phần 37
Phần 38
Phần 39
Phần 40
Phần 41
Phần 42
Phần 43
Phần 44
Phần 45
Phần 46
Phần 47
Phần 48
Phần 49
Phần 50
Phần 51
Phần 52
Phần 53
Phần 54
Phần 55
Phần 56
Phần 57
Phần 58
Phần 59
Phần 60
Phần 61
Phần 62
Phần 63
Phần 64
Phần 65
Phần 66
Phần 67
Phần 68
Phần 69
Phần 70
Phần 71
Phần 72
Phần 73