Hôm nay được rảnh rỗi chút, xin kể cho các bạn nghe những mẩu chuyện nhỏ về 2 ngọn núi nổi tiếng ở Campuchia.
NÚI KULEN HAY CÒN GỌI LÀ NÚI VẢI.
Đây là một ngọn núi nổi tiếng, gọi là núi nhưng thực ra tôi thấy nó chỉ cao hơn những quả đồi cao miền Trung du, Bắc bộ Việt Nam tý chút. Cách Siemriep chừng 4 – 50 cây số.
Từ Siem rieep đi qua Angkor theo hương Srenoy, qua Kulen tới Srenoy… hoặc có thể đi từ ngã ba Rolu thẳng vào Tbaeng đường xấu và khó đi vô cùng.
Nói tới Kulen chắc chắn nhiều cựu binh K vẫn còn nhớ những căn cứ Khơmer đỏ trên ngọn núi này. Tôi chỉ được đi qua nơi này khi các bác cựu đi trước mở đường chứ không được “vinh hạnh” tham chiến trận nào ở đây, máu người lính Việt Nam đổ ở đây khá nhiều…
Khi tôi qua, chỉ có rừng già hoang vu những hố đạn pháo, công sự hầm hào, căn cứ đổ nát cùng xương trắng và vải đen… của pọn polpot sót lại, thỉnh thoảng lại gặp ở rừng sâu những bãi xương người nhìn xa như một bãi củi khô vàng…
Tôi từng nghe anh em kể khá nhiều về nơi này, nhưng ấn tượng nhất vẫn là mìn, mìn dày đặc như trấu nhiều tới nỗi sau khi qua đó, chúng tôi đều trở thành “thiện xạ về gỡ mìn”. Chúng tôi gom lại từng đống mìn rồi kích nổ vang rừng.
Bây giờ thì tôi không biết vì đã lâu không quay lại đó, còn hồi đó thì chỉ có một con đường để lên đỉnh nuí, quanh co hiểm trở và chết chóc.
Ở đó rất nhiều cây vải, chắc có lẽ vì vậy nên núi có tên núi Vải. Khỉ vượn hàng đàn đậu đen cả cây, chúng phá tan hoang nơi nào chúng đi qua.
Địa hình nơi này là một loạt đồi nối tiếp nhau thoai thoải có một đỉnh cao nhất là Mahenda, anh em tôi vẫn đùa với nhau là Đồi “ma rên la” vì nhiều hiện tượng ma quái ở đó.
Nhiều tàn tích đổ nát còn sót lại thì nó như một thành phố cổ xưa lắm rồi, vì cây cối mọc trên những tàn tích đó có cây tới cả chục người ôm, những bộ rễ ghê rợn như những con trăn khổng lồ trùm lên khắp nơi, dưới ánh chiều tà nhìn nơi đó thực sự đáng sợ.
Tới bây giờ chúng tôi mới biết đó từng là kinh đô xa xưa của Campuchia một thời hoa lệ, chứ lúc đó chúng tôi chẳng biết gọi tên nơi đó là gì chỉ biết gọi theo mục tiêu là những con số trong bản đồ tác chiến.
Nơi đó về đêm thật u ám, lạnh lẽo và ma quái, gió rừng rì rà rì rầm suốt đêm như tiếng rất nhiều người lầm rầm cầu nguyện gì đó, rõ nhất là tiếng ngựa hý và tiếng kèn gì đó nghe như tiếng còi tàu biển u u, um um rất khó chịu…
Ở đó chỉ hai đêm, thật lòng ngoài âm thanh thì tôi không nhìn thấy thứ gì khác lạ, nhưng hai đồng đội của tôi đêm gác chung thì tới sáng có kể lại họ nhìn thấy rất nhiều những bóng đen lố nhố im lìm vật vờ xung quanh nơi chúng tôi ngủ, tới gần sáng hai người dậy nấu cơm cũng noí có rất nhiều bóng đen lập lờ trong ánh lửa… tôi không biết anh em có nhìn lầm không, chứ còn lúc đó chúng tôi không lôi những chuyện như vậy ra trêu đùa hay dọa dẫm nhau.
Tôi vẫn có thói quen khi ăn trong những khu rừng hay khu tàn tích đó thường cúi đầu hay rắc chút cơm ra xung quanh mời “họ”… Và nồi cơm hôm đó nhão nhoẹt và nhạt nhẽo rất khó ăn, chỗ như cháo chỗ thì còn thấy cả hột gạo đỏ quạch.
Xung quanh khu đó có một con suối rất to, có đoạn to như con sông, những anh từng sống nơi đó kể lại, rất nhiều người bị “lôi kéo” xuống con suối đó, khi vượt suối chúng tôi thận trọng thăm dò cẩn thận, không ai thấy điều gì dị thường, chỉ có làn nước lạnh buốt…
Nhiều anh em kể lại vào đêm trăng, có rất nhiều các cô gái bơi lội ở đó, ở đó vẫn còn những thềm đá ong rất rộng ngay sát suối, cỏ rêu mọc xanh rì…
Đêm trăng sáng vằng vặc nhìn nơi đó và nghe âm thanh từ rừng già vọng ra người cứng bóng vía cũng phải nổi gai ốc.
Vào lúc chiều tà còn nhiều tiếng boong boong nghe như tiếng chiêng cồng hay chuông chùa vọng từ đâu đó trong rừng già lại, kỳ thực là nơi đó chẳng còn gì nguyên vẹn, đừng nói tới một ngôi chùa.
Có một điều khó quên dù chỉ trải qua hai ba ngày đêm đi qua nơi đó… đó là những cơn gió lạnh từ đâu đó bất chợt làm tất cả rùng mình nhưng cây cối thì không hề lay động, và người chúng tôi nổi gai liên tục, với cảm giác âm u, u ám khó chịu.
Ngọn núi Bokor hay còn gọi là Tà lơn.
(Câu chuyện của tôi ở ngọn núi này rất khó hiểu và khó tin, ngay với cả bản thân tôi, cho tới tận bây giờ, nên nếu có bạn nào nói nó hoang đường xin bỏ qua nhé.)
Tôi chưa bao giờ có ý định “câu like” qua những bài viết trên trang.
Chỉ là kể lại mọi người đọc cho đỡ buồn thôi…
Khi tôi đến ngọn núi này, đó là tầm cuối năm 99, tôi vừa rời bom đạn và những cánh rừng chết chóc để tới đây, không phải như khái niệm “du lịch” như bây giờ, vì lúc đó nơi này hoang sơ và… rậm rịt, gần như không có dân ở, dù năm 93 Vua Shihanouk đã cho thành lập thành một khu bảo tồn quốc gia rộng lớn gần như hết cả núi này.
Năm đó tôi đến núi không phải vì công việc, mà vì một việc của cá nhân, tôi muốn tìm gặp một người ở núi để mong được giải đáp một số câu hỏi.
Người đó tôi chưa từng gặp bao giờ, chỉ nghe nói từ miệng hai người bạn đáng kính của tôi, là hai hàng binh polpot sau đó sát cánh cùng tôi trong những cánh rừng mênh mông mà tôi vừa bước ra…
Núi Tà lơn thuộc dãy Damrei, thuộc tỉnh Kam pot, nơi có cánh rừng Say với những ảo ảnh ma quái chết chóc khiến nhiều người bỏ mạng.
Tà Lơn là một ngọn núi thiêng, trên vùng đất thiêng theo người Campuchia, những người già vẫn gọi là núi U Bò, vì nó giống cái u trên lưng con bò đực.
Tôi cùng một cậu em người Cao Bằng (“chiến hữu” từ hồi đó tới giờ) và hai người bạn Campuchia, xuất phát từ Koh Kong qua Ambel, bên trái là Kam pong speu, phải là cảng Sihanoukville… không theo đường chính phía Bokou mà theo đường qua phum Butolt lên núi, ngọn núi này quá quen thuộc trong tầm mắt và ống nhòm của chúng tôi, nhưng đặt chân lên đó thì chưa lần nào, dù tôi đã đi dọc dãy Damrei…
Rừng ở đó không rậm và nhiều như ở Kulen, phần đa là đá trơ trụi, đá ở đây cũng không giống như ở núi đá mà nó giống như đá ở những hang động ở biển, nơi này cao hơn núi Vải và khí hậu cũng mát hơn, càng lên cao càng mát nó giống như Đà Lạt của Việt Nam.
Lúc đó cũng có khách du lịch tới nơi này, nhưng những người du lịch đó nhìn hơi dị thường, họ thường đi đơn lẻ hay tốp ba, bốn người im lặng bước, họ thuê người bản địa dẫn đường và mang vác đồ dùng lương thực.
Trước khi khơmer đỏ nắm quyền có khá nhiều người Việt Nam sống ở quanh núi và cả trên núi, nhưng sau khơmer đỏ tìm tàn sát và truy cùng diệt tận người Việt thì phần đa bị giết, còn lại chạy về Việt Nam hay qua Thái lan lánh nạn.
Tôi nghe anh bạn nói, tại ngôi chùa Năm thuyền trên núi(một ngôi chùa cổ bí ẩn với những tảng đá như những con thuyền) có một sư thầy (lục cả) gốc Việt ở đó, nhưng khi tôi lên thì không gặp…
Có rất nhiều dấu tích của người Việt ở đó, và cả điện thờ vua Hàm Nghi Việt Nam, lúc đó phải chui luồn theo những con đường nhỏ hẹp cheo leo từ chùa Năm thuyền để tới…
Rất nhiều miếu, am, điện thờ trong núi, đường đi khó khăn cây cối rậm rịt, thú to như gấu, heo rừng, hoẵng… vẫn còn.
Ngọn núi này rất nhiều cây tùng to, nhiều cây hình thù cổ quái lạ lùng.
Tôi tới tận khu mộ đá người Việt, có chừng 2 đến 3 chục ngôi mộ, đắp bằng những hòn đá to, theo anh bạn dẫn đường nói thì đó là mộ những người Việt lên đó tu hành, ngồi thiền rồi bỏ mạng lại… tôi cũng khó hình dung rằng giữa nơi hoang vu này đầy rẫy rắn rết (rất nhiều rắn độc to khủng) và không có người dân ở thì họ sinh sống bằng cách nào, nghe nói có nhiều người tới đây ngồi thiền tới chết, người bản địa thỉnh thoảng vẫn gặp những bộ xương khô ngồi xếp bằng trong những khe núi, hang nhỏ hay ngay kế những gốc cây, tảng đá…
Cũng theo người dẫn đường kể thì thỉnh thoảng có những người lên đây tu hành hoặc ngồi thiền rồi không hiểu sao họ hóa điên, đi lang thang lẩn quất trong rừng, trong những bãi đá như những bóng ma, thỉnh thoảng họ hét lên hay cười lanh lảnh trong đêm vắng vang vọng…
Sở dĩ tôi chọn tháng 9 và cố lên nơi đó vào tháng 9 vì theo lời anh bạn tôi nói, đó là mùa lễ vạt sa của những người tu hành.
Lễ vạt sa nôm na như một thang bậc lên cấp cho những người tu hành. Người tu hành ở đây không phải là những người tu hành như trong Phật giáo, mà là người tu hành kiểu đạo sĩ, pháp sư, những “dị nhân” của giới huyền thuật, bùa chú…
Chúng tôi đã lang thang trong núi gần 10 ngày, lúc lương thực cạn kiệt mới đành xuống núi.
Ngày trước nghe nhiều người Cam và cả người Việt đồn rằng ngọn núi đó rất khó lên và khó sống bởi thời tiết khác thường, nhưng riêng với anh em tôi thì tôi thấy nó bình thường so với những ngọn núi tôi đã ở phía Bắc Việt Nam quê hương tôi, chỉ có điều hơi nhiều rắn, toàn hổ chúa và mai gầm, nhiều con to khủng khiếp dài tới 4 – 5 mét, nếu như ở những nơi khác tôi không ngại lắm, vì chúng là lương thực của chúng tôi rất nhiều lần, nhưng ở đây, là vùng đất linh nên hạn chế tối đa mọi sự sát sinh, trừ khi bị chúng tấn công truy sát.
Nhưng lạ lùng là tuy toàn rắn độc siêu to nhưng chúng gần như không sợ con người và dửng dưng như thể chúng tôi chỉ là những cái cây khô vậy, rất nhiều lần sẩm tối chúng tôi chạm chúng… chúng chỉ đủng đỉnh trườn đi không tấn công chúng tôi, như ở rừng khác là mệt rồi khi đêm mà gặp những “cụ” đó…
Cả mèo rừng cũng vậy, ai ở đây là thợ săn hẳn biết mèo rừng, linh miêu nó tinh ranh ma quái cỡ nào, không dễ gì mà đối diện với nó chừng 3 – 4 mét mà chúng vẫn bình thản nằm trên cành cây liếm chân, không buồn chạy…
Tôi đã cố gắng chọn tháng 9 và lên núi, và ở dài ngày, “lùng sục” tìm tòi khắp nơi, nhưng thật lạ lùng… tôi gần như… không gặp ai cả (những người tu hành, còn dân bản địa và những người trong khu bảo tồn không tính) chúng tôi đã luồn lách sang tận phía bên kia Cổng trời, phía bên mà người dẫn đường nói là người Thái thường ở đó tu luyện, có lần họ còn thấy một vị thầy pháp của Thái lan xếp bằng chắp tay và… bay là là như một cánh chim qua thung lũng núi rồi khuất vào mây mù… tôi thì không nhìn thấy mà chỉ nghe họ kể lại với vẻ rất thành kính và sợ hãi, tôi tin họ không nói dóc hay thêu dệt để lừa phỉnh những kẻ khố rách áo ôm khổ hơn tu hành như bọn tôi.
Lúc chuẩn bị lên núi, khi còn trong phum, có 3 người khách du lịch lặng lẽ từ đâu lếch thếch xuất hiện, họ để râu ria xồm xoàm, tóc tai bờm xờm và mặc đồ gần giống dân bản xứ nên tôi không để ý, tới khi họ đứng dậy tôi mới biết nhìn lầm, vì họ cao lênh khênh và trắng chứ không thấp nhỏ và đen như dân bản xứ…
Khi biết chúng tôi chuẩn bị lên núi, nhóm 3 người nài nỉ xin theo. Ban đầu tôi tưởng họ là một nhóm đi cùng nhau, sau mới biết, một người Hà Lan, một người Nhật và một người Úc, hóa ra “liên quân liên hợp quốc”.
Khi biết chúng tôi là những người lính Việt Nam họ vật nài xin đi theo, thậm chí người Hà Lan còn chắp tay như lạy chúng tôi, và họ tự động bàn nhau góp một mớ tiền lại đưa cho chúng tôi bằng hai tay với vẻ kính cẩn, tôi gạt tiền đi và gật đầu đồng ý. Người Nhật Bản nói được tiếng Cam làm phiên dịch cho chúng tôi và hai người kia, hai người đó dùng tiếng Anh, tiếng Anh thì bọn tôi mù tịt lúc đó, họ được trang bị rất tốt, từ máy chụp hình, đồ ăn dinh dưỡng, thuốc chống muỗi vắt, đồ bảo hộ rất nhiều… họ há hốc mồm nhìn chúng tôi chỉ mỗi đôi giày “bốt đờ sô” của lính cổ cao, còn lại là chả có gì, lương thực thì cơm sấy của lính, thuốc men cũng chả có, họ mời chúng tôi dùng thuốc chống muỗi vắt, nhưng anh em cười lắc đầu, dùng thuốc nhưng họ vẫn bị côn trùng tấn công tơi tả còn anh em tôi vô sự. Vì tôi có “bí kíp” của lính mà do chính tay tôi chế, tháo viên đạn lấy thuốc nổ, nghiền nhỏ trộn một chút dầu nhớt hay xà bông, không có thì bùn non bôi lên người… đến rắn còn trốn luôn đừng nói tới muỗi vắt…
Khi lên tới chùa Năm thuyền, thì họ muốn sang khu phố ma, là khu dinh thự, nhà thờ, biệt thự người Pháp xây dựng từ rất lâu rồi lúc đó bỏ hoang trong rừng, đen xì mốc meo và ma quái lắm, chúng tôi vui vẻ chia tay, anh bạn Nhật Bản ôm tôi hỏi, Anh đi tìm cái gì vậy, người lính chiến?? Tôi đi tìm Đức tin bạn ạ! Ô… hay… hay…(vâng vâng) chào anh lính Việt cộng… giơ tay như nhà binh đàng hoàng ?.
Chúng tôi đã chui luồn trong Tà lơn nhiều ngày, tới cả những nơi mà người dẫn đường cũng như hai anh bạn Cam không dám vào, họ e dè ngồi đợi, hai anh em tôi luồn lách chui vào những hang động (người Cam rất sợ “ma” ? đứng im lặng nhìn những bộ xương khô, có những cái xác như còn khá mới, rút nước đã khô, đen kịt như màu nhựa đường, bộ quần áo rộng bạc phếch tả tơi bay lất phất rách từng mảng. Có những xác chỉ còn là một đống xương đổ lổn nhổn, cái sọ lăn lóc cách mấy mét, có những xác như đang nằm ngủ nghiêng một bên, bên cạnh vẫn còn chiếc quạt đan bằng cây mây mủn nát… có một bộ xương khiến tôi tò mò nhất, đó là một người đàn bà, mái tóc dài (những người tu hành này thường để tóc dài, nhưng xương nữ và nam khác nhau ở vài điểm… xương nữ nhỏ và mịn hơn, hộp sọ nhỏ, chậu rộng và cao, xương chẩm thấp…) ngồi trên một phiến đá, dường như hai tay bó trước gối trước khi chết ngồi, dù bộ xương đã đổ nghiêng, nhưng hai cẳng tay vẫn dính chéo với ống chân thật lạ lùng… tất cả những bộ xương đều có điểm chung là cô độc giữa rừng hoang…
Chúng tôi đã không tìm được Người cần tìm, nhưng lại gặp một chuyện lạ lùng, khi quay về, qua điện Kim Quang (thờ vua Hàm Nghi) một đoạn, tất cả bị lạc đường, mất phương hướng, điều này lạ lùng là ở núi này khá dễ định hướng vì nó ngay gần biển và có thể nhìn rõ đảo Phú Quốc Việt Nam… nhưng không hiểu sao trời như sụp tối rất nhanh, và mây mù kéo tới chỉ trong chốc lát, điều này tôi gặp ở nhiều nơi, không riêng nơi này, nhưng trời như tối sầm lại thì tôi ít gặp, mưa đổ xuống ào ào, giọt to và lạnh buốt, nắng ở cái xứ chết tiệt này thì có thể thành bó đuốc cũng không sao, nhưng dính mưa đột ngột rất dễ “nằm xuống” tôi hét mọi người tụt xuống một khe rậm những cây nứa tộ để tránh mưa, ở rừng mà mưa chui vào khe trú không khác gì tự sát, vì lũ có thể quật xuống như thác và chôn luôn không kịp liệm ngay, nhưng ở đây nhìn địa hình tôi biết dường như không có lũ, có chăng chỉ là dòng nước to xíu thôi.
Khi tụt xuống dưới khe và rừng nứa rậm che mưa ào ào bên trên, muỗi nhiều khủng khiếp, như mưa quanh chúng tôi… nhưng lạ là dưới ngay những lùm cây rậm và con đường cheo leo phía trên chúng tôi vừa mò mẫm qua thì bên dưới là một con đường đá, nhỏ khá phẳng dẫn đi lắt léo… có dấu tích của người đã ở đó…
Cũng như những lần trước, mấy anh bạn Cam cười cười lắc đầu ngần ngại khi anh em tôi rủ đi sâu vào coi sao…
Chỉ hai anh em tôi đi theo đường đá đó, đúng hơn là chui theo lối đó…
Có ba chiếc hàm như ba cửa hang, đá đen khá lạ không giống đá nơi này lắm, hai hàm kia không có gì, nhưng phía hàm ngoài cùng, là hàm cạn nhất chứ không sâu, có những hòn đá xếp như một nơi để ngồi, dường như tôi thấy có người ở đó lờ mờ, đó là một bà già thì phải, tóc bạc rất dài… khi quay qua, thấy cậu em im lặng nhắm mắt mồ hôi chảy thành dòng… tôi cũng nhắm mắt… thật lạ là bà già đó rõ mồn một, bà ngồi im mắt nhắm, nhưng trong đầu tôi vẫn vang lên câu hỏi của bà…
Sau khi bà hỏi tôi trả lời và hỏi thêm một số câu, cuối cùng bà nói, Con về đi, tránh đường dễ đi, đường khó đi mới an toàn con ạ, năm… quay lại đây ta nói tiếp con trai…
Tôi bước ra mà cảm thấy như lơ lửng chân như bơi trên đá, không hiểu anh em tôi ra như thế nào, mãi tới ngã ba chùa Năm Thuyền thì Thắng hỏi tôi một câu, Năm… phải không anh? Tôi giật mình, Ừ… cậu cũng nghe thấy à, cậu em chỉ im lặng cười.
Lạ là thỉnh thoảng chúng tôi trao đổi với nhau vài câu, về những gì khi tôi nói chuyện với bà lão đó, cậu em nói y như cùng ngồi nghe với tôi, rất khớp và không trật câu nào…
Dù không nói gì nhưng từ lúc đó những anh bạn Cam rất sợ hãi khi nhìn chúng tôi…
Đúng 6 năm sau gặp lại một trong ba anh bạn Cam đi cùng hôm đó, tôi lựa lời hỏi, Sao hôm đó các ông cứ né né tôi là sao vậy.
Anh bạn nói một câu làm tôi sởn ốc, Em thấy một ông “bự” tóc dài mặt đỏ ghê lắm, đi sau các anh… và bộ đồ anh mặc nó màu hung hung đỏ đỏ lạ lắm, quần rộng a không bước đi mà như trôi trôi…
Thật lòng, khi đó tôi vẫn thấy bình thường, hai anh em thất thểu bước và nói chuyện gì đó với nhau, tới giờ cả hai không thể nhớ đã nói gì, dù “bộ nhớ” chúng tôi đều dai như nhau…
Có những điều lạ lùng về sau mà tới giờ chúng tôi vẫn không hiểu, tại sao mình lại biết trước nó sẽ xảy ra.
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 9
Phần 10
Phần 11
Phần 12
Phần 13
Phần 14
Phần 15
Phần 16
Phần 17
Phần 18
Phần 19
Phần 20
Phần 21
Phần 22
Phần 23
Phần 24
Phần 25
Phần 26
Phần 27
Phần 28
Phần 29
Phần 30
Phần 31
Phần 32
Phần 33
Phần 34
Phần 35
Phần 36
Phần 37
Phần 38
Phần 39
Phần 40
Phần 41
Phần 42
Phần 43
Phần 44
Phần 45
Phần 46
Phần 47
Phần 48
Phần 49
Phần 50
Phần 51
Phần 52
Phần 53
Phần 54
Phần 55
Phần 56
Phần 57
Phần 58
Phần 59
Phần 60
Phần 61
Phần 62
Phần 63
Phần 64
Phần 65
Phần 66
Phần 67
Phần 68
Phần 69
Phần 70
Phần 71
Phần 72
Phần 73