Thời Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ sáu (1284), là năm thứ năm kể từ khi đại hãn Hốt Tất Liệt tiêu diệt Nam Tống. Bấy giờ là giữa tháng chạp, không khí khô lạnh khiến ai nấy chỉ muốn trùm chăn ngủ thêm một chút. Những con đường yên tĩnh giá lạnh đến nỗi người đi nghe rõ mồn một tiếng tim đập của mình.
Một người, mười người, trăm người, hàng vạn người tụ tập lại, rất đông trước hoàng thành. Ai nấy hưng phấn lạ thường, xôm xao bàn tán, nhưng đi có trật tự, lề lối. Hàng ngàn chiếc kiệu được trai tráng khênh về, ai nấy đều cúi đầu cung kính. Hàng vạn cụ già được con cháu nâng đỡ, bước ra từ kiệu, đám đông cung kính vái chào các cụ. Người tụ tập về trước cửa Dương Minh đông nghìn nghịt, dễ có mấy trăm ngàn người.
Bốn vị tướng trẻ đứng trên cổng hoàng thành, dõi mắt nhìn xuống đám người. Vị tướng trẻ nhất nói:
– “Thánh thượng sắp đến chưa nhỉ?”
Vị tướng đứng cạnh mắt phượng mày ngài, khí thế hùng hổ, không giận tự uy, xem ra là người lớn tuổi nhất, nói:
– “Sắp rồi. Hôm nay là nghị Diên Hồng để vua tôi Đại Việt ta hỏi thăm tất cả bô lão trong nước, xem ý chí thế nào. Thát tử đã mang 40 vạn quân vượt ải Khả Ly ở Lạng Sơn, ngày mai anh em chúng ta sẽ ra trận chống giặc.”
Vị tướng đứng giữa nói:
– “Đúng vậy. Quan Long, Tiêu Long, Kiều Long, hôm nay là ngày cuối cùng anh em ta gặp mặt. Ngày mai mỗi người một lộ, biết khi nào gặp lại!”
Quan Long nói:
– “Ngọc Long, gở cái mồm vừa thôi! Anh em ta là dòng dõi thần nhân thiên tướng, mang thần công trong người, làm sao chết được! Ngươi nói bé thôi, ta không muốn thân binh nghe được!”
Tiêu Long trẻ nhất, lơ đễnh nói:
– “Quân dân Đại Việt ta hòa ái đùm bọc, lộ ra thì thế nào? Chúng ta vốn chung một nòi ‘Thần Long’, họ phải đặt chúng ta trong đình thờ, cúng bái hàng ngày mới phải!”
Quan Long trừng mắt:
– “Tiêu Long, ngươi muốn một thân công lực cả đời bị phế bỏ, trở thành phàm nhân hay sao? Lão nhân gia ông ta nghiêm khắc vô cùng! Ta là huynh trưởng, có trách nhiệm bảo ban các ngươi. Mới có chút võ nghệ đã huênh hoang ngạo mạn, ra thể thống gì?”
Nghe tới ‘lão nhân gia’, Tiêu Long liền rụt cổ lại, nói:
– “Đừng a! Anh đừng nói cho cha biết! Ta không muốn thành phàm nhân đâu!”
Kiều Long vội can:
– “Giặc chưa tới đã huynh đệ tương tàn, không tốt lắm đâu. Em nghe anh em đại tướng họ Đỗ, Đỗ Vĩ và Đỗ Hựu đã bị bắt giết ở Khải Ly. Họ vốn là danh tướng, cầm 5.000 tinh binh đóng nơi hiểm yếu, sao lại dễ thua đến thế?”
Quan Long nói:
– “Được. Tạm tha cho Tiêu Long. Bên ta có danh tướng, bên địch lại có thần tướng! Tên quốc sư Thát tử và con trai hắn Lý Bang Hiến đánh đâu thắng đó, 5.000 tinh binh sao cự nổi 10 vạn quân?”
Tiêu Long nói:
– “Gọi hắn là quốc sư là quá tôn trọng hắn rồi. Tên tà thần đó bán nước cầu vinh, ta chỉ muốn băm vằm hắn thành muôn mảnh mà thôi!”
Ngọc Long cười mà như không cười, nói:
– “Tiêu Long, ngươi còn nhỏ tuổi, tâm cảnh chưa đến nơi đến chốn. Sát tâm quá thịnh, trên chiến trường gặp phải cường giả Siêu Thần Nhập Hóa như hắn chỉ là đưa đồ ăn mà thôi!”
Tiêu Long bực tức, nói:
– “Huynh thì hay rồi, tên gì ẻo lả như con gái, đụng phải hắn đỡ được ba chiêu không? Trong ‘Ngũ Long’ chúng ta, có mỗi huynh là công lực yếu nhất, thật đáng hổ thẹn dòng dõi ‘Thần Long’!”
Ngọc Long cười, búng dây cung một cái, nói:
– “Ta không thích cái tên đó, cứ gọi ta bằng tên hiện tại ‘Địa Lô’ đi, thế nào? Vì không thạo cận chiến nên ta mới luyện công phu ‘Bách Bộ Xuyên Dương’ này, thế gian này có ai bắn tên giỏi như ta?”
Tiêu Long nói:
– “Có cha của chúng ta. Ta từng chính mắt thấy người bắn tên bay hai dặm liền, kết liễu tên Ngột Lương Hợp Thai khốn kiếp, trả thù cho các má má và Hà Bổng bá bá!”
Ngọc Long xụ mặt, nói:
– “Phụ thần thì không tính. Người trên thông thiên văn, dưới tường địa lí, không gì không biết, chỉ có vị lai là không nắm. Thần công ‘Kinh Dương Thần Long’ của người đã đạt tới ‘Thông Thần’, trên đời này chỉ có tà thần mới đủ sức làm đối thủ của người.”
Vỗ vai hai em, Quan Long nói:
– “Mấy năm không gặp, các ngươi đã quên hết giáo huấn của cha rồi. Không được gọi người là thần. Luôn phải điệu thấp, không nói ai biết huyết thống của chúng ta. Không được truyền ‘Kinh Dương Thần Long’ cho người ngoài. Ngươi tự tiện đổi tên, ta đã không truy cứu rồi. Cứ phụ thần nọ, phụ thần kia, người khác nghe được sẽ nghĩ phụ thân của chúng ta ngạo mạn cho bản thân lớn hơn cả hoàng thất, là tội đại bất kính!”
Kiều Long cảm thấy oan ức cho anh, nói:
– “Chỉ tại cha đặt tên quá yêu mến bản thân, toàn là ‘Long’ cả! Nguyễn Ngọc Long, cái tên chẳng ra gái, chẳng ra trai! Anh Minh đổi tên thành Địa Lô, theo hầu Hưng Đạo Đại Vương, muốn giấu huyết thống thì phải đổi chứ sao! Cha của chúng ta ngao du giang hồ nhiều năm, giết vô vàn tên ác tặc, gian thần, cứu sống không biết bao nhiêu lê dân bách tính, là đại anh hùng trong lòng chúng ta, gọi phụ thần để tôn kính, có gì là sai đâu?”
Quan Long nghiêm khắc nói:
– “Về tình là đúng, về lý là sai. Lão nhân gia có muôn vàn bộ dáng, biến ảo tùy ý, cứu nhân độ thế không để lại tên tuổi, người đời gọi là ‘Vô Danh Thần Tăng’. Từ bé ông đã dạy chúng ta phải khiêm nhường, điệu thấp, làm tốt không cần báo đáp. Chỉ tại ba tên quỷ nhà ngươi cứ đòi tòng quân giết giặc, bây giờ ta mới phải trông nom ba đứa bay thế này đây! Hễ nói là cãi!”
Tiêu Long vận công, phất tay một cái, song cánh tay Quan Long mềm dẻo như vòi bạch tuộc, làm thế nào cũng không thoát được, đành nhỏ giọng, nói:
– “Đại ca, tha lỗi cho đệ đi. Cha chúng ta là đại anh hùng, thần nhân giáng trần, nhưng người cổ quái vô cùng, nhiều lúc ta cũng thấy hoang mang!”
Trước khi ra trận đánh giặc mà hoang mang bất định là đại kỵ binh gia. Quan Long nhíu mày, nói:
– “Nói. Sủa la.”
Tiêu Long trừng mắt, nói:
– “Shuohua là ‘nói đi’ chứ không phải đọc là sủa la. Em có phải chó đâu. Em từng hỏi cha vì sao đặt cả sáu anh em chúng ta đều tên Long, người nói ‘độc giả sẽ khó theo dõi’. Đệ chẳng hiểu ra sao cả. Công pháp ‘Kinh Dương Thần Long’ của chúng ta vốn do Lạc Long Quân viết, mọi con dân Đại Việt đều có quyền học tập. Cha lại bắt chúng ta phải giấu đi, là cớ gì? Người rành rẽ thuật rèn đúc, sao lại không đúc tạo thần binh, phân phát cho người Việt? Thần công trong mình, thần khí nơi tay, người Việt sẽ dễ dàng thống trị cả thế giới, tại sao không làm như vậy? Người chỉ truyền cho dân trong nước xăm hai chữ ‘Sát Thát’ lên người mà thôi, có ích chi?”
Quan Long thở dài, nói:
– “Một đêm đầy sao, lão nhân gia ôm ta vào lòng ngắm sao cùng Lục má má, ta cũng hỏi ông những điều này. Lớn lên ta lại quên kể lại cho các ngươi, là lỗi của ta. Thứ nhất, cha viết rất nhiều thiên thư, các ngươi đều đã được đọc. Ông nói cuộc đời chúng ta cũng là một quyển thiên thư, sẽ có rất nhiều rất nhiều thiên thần, bình dân, dị tộc trên các vì sao đọc về chúng ta. Họ là muôn vàn ‘độc giả’, chúng ta là những ‘nhân vật’ trong sách. Đặt tên như vậy để thể hiện tình yêu vô cùng mà ông dành cho các má má, là tên họ ghép với tên ông. Còn có tác dụng giúp các ‘độc giả’ phân biệt chúng ta là con của ai dễ dàng hơn.”
Đám đông bên dưới chợt hò vang như sấm dậy, chùng hô lên “Đánh” đồng thanh, âm vọng khắp kinh thành. Hàng vạn bô lão cùng nói một lúc, người xung quanh cũng theo nhịp, làn sóng tỏa ra khắp cả kinh thành. Mọi người cùng hô “Đánh!” Theo nhịp, ầm ầm rung chuyển cả tường thành.
Quan Long thấy người dần dần tản ra, nói:
– “Lão nhân gia liệu sự thông thần, hội nghị này thăm dò lòng dân, xem ra Đại Việt ta vạn tâm như một, vững chắc không gì phá nổi! Trưng cầu dân ý là việc cổ kim chưa từng có, nay khí thế như thế này, mỗi người ở đây đều sẽ trở thành một người đưa tin, truyền hào khí Đông A của chúng ta đi khắp đất trời! Vua tôi đồng lòng, trên dưới nhất trí, địch ắt bại vong!”
Tiêu Long nói:
– “Anh còn chưa kể hết chuyện của cha, mau nói a, em sắp phải đi yết kiến Chiêu Văn Vương rồi!”
Quan Long gật đầu, nói:
– “Thứ hai, công pháp ‘Kinh Dương Thần Long’ có nhiều tầng cần phá giải, mà không ai giải được trừ lão nhân gia, đó là thiên mệnh. Người phàm đột ngột có thần công, thần khí mà không có tâm cảnh tương ứng, sẽ sinh dị tâm, trở thành ác bá. Nhẹ thì kiêu căng ngạo mạn như Tiêu Long ngươi đây. Nặng thì thành ma đầu họa hại thế gian, giống như tên tà thần Quốc Hùng vậy.”
Một tên thân binh tới bẩm báo, Quan Long lắng nghe, nói:
– “Ba năm trước, Toa Đô dẫn quân đánh Chiêm Thành. Dù đã được Đại Việt điều quân và thuyền chiến sang giúp, Chiêm Thành vẫn bại lạc. Hắn định vòng ngược lên công nước ta. Ta phải theo Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải xuôi nam chống giặc. Quân tình khẩn cấp, ta không có nhiều thời gian. Ba em, chú ý lắng nghe.”
Ba người nói “dạ” một tiếng. Quan Long nói:
– “Lão nhân gia dạy lễ nghĩa trí tín, đạo đức làm đầu, là để tâm cảnh chúng ta chịu được thần công. Thử nghĩ xem nếu để tên tà thần Quốc Hùng có được ‘Kinh Dương Thần Long’, hậu quả sẽ thế nào? Thiên cơ chúng ta được đọc cũng vậy. Nếu ai ai cũng biết, thì có còn gọi là thiên cơ? Nếu nhà nhà có thần binh, thì có còn gọi là thần binh không? Lúc đó kẻ nào luyện ‘Kinh Dương Thần Long’ nhanh hơn sẽ leo ngôi bảo tọa, chém giết với kẻ khác cũng có thần công, ân oán tương tranh đến khi nào xong?”
Rút chiếc roi ra, Quan Long nói:
– “Ta là huynh trưởng, nhưng lại không được thần binh nào, từ nhỏ chỉ được dùng một sợi roi gân bò, chính là đạo lý này. Vạn sự phải từ chính thân mình tranh đấu mà có được. ‘Kinh Dương Thần Long’ bị mã hóa vô cùng phức tạp, chỉ kẻ có duyên mới giải được, là vì thế.”
Thấy Chiêu Minh Vương ở xa vừa nhìn về phía mình, Quan Long cười, nói:
– “Thế Lộc, Địa Lô, Chế Nghĩa, Khoái mỗ xin bái biệt hai tướng quân. Hãy nhớ luôn phải điệu thấp! Hẹn ngày tái ngộ!”
Hai người cũng đáp lễ. Kiều Long cũng từ biệt. Nhìn đại ca và em út đi xa dần, Tiêu Long dẩu môi, nói:
– “Anh Quan cũng đổi tên như chúng ta, thế mà lắm chuyện. Mèo chê mèo lắm lông, hừ.”
Póc một tiếng, một giọt sương bắn thẳng vào trán Tiêu Long, làm hắn ngã ngửa ra đất. Các thân binh giật mình định đỡ chủ tử, Tiêu Long phải giơ tay can ngăn. Ngọc Long kéo em lên, cười khổ, nói:
– “Đừng quên anh Quan đã ‘Thông Khí’ trong ‘Tinh Khí Thần’, một chút khí lay động vài trăm mét đều biết, nói xấu người ta không tốt lắm đâu.”
Tiêu Long nói:
– “Anh Quan đã đạt cảnh giới Siêu Phàm Nhập Thánh, việc gì phải điệu thấp, cầm quân đánh trận? Trực tiếp đoạt ngai vàng không phải tốt hơn?”
Tru tâm chi ngôn!
Một sợi dây thừng bay tới, tát hai cái vào má Tiêu Long, nhanh đến nỗi thân binh không ai thấy được. Ngọc Long nắm lấy cổ áo em trai, vờ như giúp sửa lại mũ giáp, nói:
– “Tiêu Long! Lời như vậy em tuyệt đối không được nói! Nghĩ cũng không được nghĩ! Trái thần huấn, sẽ bị cha giết chết! Biết không? Cha dạy không được tranh quyền đoạt vị, nếu không sẽ bất luận thân sơ!”
Tiêu Long bị mắng ác quá, rơm rớm nước mắt, nói:
– “Em… em chỉ là lỡ lời, anh tha lỗi cho em.”
Ngọc Long thả tay ra, nói:
– “Em còn quá nhỏ tuổi, chưa đủ hiểu huyền cơ của đại đạo. Anh đành thay cha giáo huấn em một lần vậy!”
Sau đó lôi kéo Ngọc Long vào lều, đuổi thân binh ra, trói lại, bịt giẻ, đánh cho một trận 500 đòn liên hoàn, tới tê cả tay. Hồi lâu sau Tiêu Long nước mắt đầm đìa, phun miếng giẻ ra, nói:
– “Anh, em đã biết sai, xin anh tha thứ!”
Ngọc Long cười, nói:
– “Thôi đi, thần công của ngươi đã ‘Thông Tinh’, ta đánh toàn lực cũng chỉ không đau không ngứa, giả bộ có ích gì? Ngươi thật sự đã hiểu chưa?”
Tiêu Long cười khổ, nói:
– “Anh dùng chân khí đánh vào huyệt, không đau nhưng mà nhột a! Đánh thế này nhột chết em rồi! Hí hí hí! Tha… tha em đi! Hé hé! Em hiểu rồi mà!”
Ngọc Long tát một cái, nói:
– “Sủa la!”
Tiêu Long giật mình, nói:
– “Shuohua, tiếng Hán là shuohua cơ mà! Huyền cơ đại đạo là ‘điệu thấp’! Tha mạng a!”
Ngọc Long gật đầu, hỏi…
– “Điệu thấp là gì?”
Tiêu Long nói như đọc thuộc lòng:
– “Sức mạnh càng lớn, trách nhiệm càng cao! Phải không lộ sức mạnh ra!”
Ngọc Long rút dây trói về, nói:
– “Đúng vậy! Đây là lời nguyền rủa trong quyển thiên thư ‘Người Nhện’ mà cha đã viết. Chúng ta càng cậy mạnh, rắc rối càng lớn sẽ kéo tới càng nhiều. Nếu ai ai cũng tập ‘Kinh Dương Thần Long’, thì tận thế đại kiếp sẽ tới! Em kiêu căng, kẻ thù sẽ lấy mạng em! Hiểu chưa hả cậu em ngu ngốc!”
Tiêu Long gật đầu lia lịa. Ngọc Long ôm lấy bả vai em, thân thiết nói:
– “Cha truyền cho em bảo đao Nguyệt Ảnh là vì tâm cảnh của em kém nhất, võ ông có cao cũng vô dụng. Tính nết em thẳng thắn, dùng dao chỉ có đi không về, rất hợp lý! Hãy luôn nhìn đao mà nhớ đến ‘Tỉnh Trung Nguyệt’, rèn luyện tâm pháp. Có điều em cần phải giữ mình nữa, gặp phải tà thần thì nên tránh, đừng uổng mạng vô ích! Hãy luôn nhớ lời cha dặn, nếu em có làm sao, Trình má má sẽ vô cùng đau lòng. Tạm biệt!”
Ngọc Long thi lễ, rồi đi ra khỏi lều. Tiêu Long ê ẩm mình mẩy đứng dậy, nói:
– “Má má đi du hí với cha khắp thiên hạ thì có, đau lòng cái gì chứ!”
Sau đó, Ngọc Long, tức Nguyễn Địa Lô, theo Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ra trận, đóng ở Nội Bàng, Bắc Giang. Quân tình truyền về liên tục, vô cùng khẩn cấp.
Quân Thát kéo tới ải Động Bản cách Nội Bàng 80 dặm (40 km) về phía đông. Tướng Trần Sâm dựa thế hiểm yếu để chống lại, dùng 3.000 quân chống lại 10 vạn quân.
Lý Quốc Hùng cùng Lý Hằng, Lý Bang Hiến trổ khinh công leo lên đỉnh núi, từ trên đánh xuống đại bản doanh. Binh sĩ bắn tên vào, bị Quốc Hùng dùng ‘Càn Khôn Đại Nã Di’ hất ngược trở về chết hết cả. Trần Sâm sử Bắc Việt Võ, múa song đao như bay, một đánh ba, cầm cự được một canh giờ. Sau cùng bị Lý Bang Hiến sử ‘Bắc Minh Thần Công’ hút cạn nội lực mà chết, hy sinh anh dũng.
Sau trận này, quốc sư Mông Cổ Lý Quốc Hùng nổi danh như cồn, đánh đâu thắng đó, lấy sức 3 người chống 3.000 người, ai nghe thấy cũng phải khiếp hãi.
Vạn hộ Sát Tháp Nhi Đài đi cùng Lý Quốc Hùng, lệnh cho quân lùng bắt đàn bà con gái để ăn mừng, nhưng chỉ tìm được nam tử. Ai cũng có hình xăm ghi “Sát Thát” trên tay cả. Sát Tháp Nhi Đài tức giận vô cùng, sai giết hết đi cả. Lại thấy tờ giấy thông báo của triều đình ghi rằng “Tất cả các quận huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến, phải liều chết mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng.”
Hắn phẫn nộ, chưởng sập một ngôi nhà. Lý Quốc Hùng nói:
– “Vạn sự đã trong tính toán của ta cả, sớm nói thì ngươi lại không nghe. Từ bây giờ, đại quân để ta dẫn đầu.”
Hoàng tử thứ 9 của Hốt Tất Liệt là Thoát Hoan dẫn 30 vạn quân theo sau, hội họp với Lý Quốc Hùng, tạo thành đội quân khổng lồ 400.000 người.
50.000 quân Nguyên nữa do Bột La Hợp Đáp Nhĩ tấn công ải Chi Lăng cách Nội Bàng 80 dặm (40 km) về phía bắc, gặp phải Kiều Long Nguyễn Chế Nghĩa. Kiều Long dàn 2.000 quân xong, một mình một ngựa đi ra, cầm song thương, nói:
– “Nguyễn Chế Nghĩa ở đây, Thát tử nào dám xông trận?”
Một kẻ cưỡi ngựa bước ra, là danh tướng Trương Bằng Phi nước Nguyên. Y giục ngựa chạy lại, cầm kích đâm thẳng. Kiều Long vận ‘Kinh Dương Thần Long’ đồ hình chân rồng, đâm một chiêu ‘Độc Long Xuất Động’, tua đỏ đầu thương lay động, bóng thương thành quầng sáng phóng thẳng vào ngực Bằng Phi. Y khen:
– “Hảo!”
Sau đó lách qua bên trái sượt qua mũi thương, lật tay định cướp vũ khí. Kiều Long vận chân khí vào thương, đầu tua đỏ hóa thành tia sáng chớp lóe, quét trong không khí kêu xì xì như linh xà thổ tín. Tia sét đỏ uốn lượn quanh bàn tay Bằng Phi, cắn thẳng vào huyệt Cự Cốt. Bằng Phi có bao tay thép, không sợ đao thương, song khuỷu tay lại chỉ có áo vải. Chỉ thấy xoẹt một tiếng, Trương Bằng Phi nhìn lại, kinh hãi khi thấy cánh tay y đã đứt đoạn từ khuỷu tay trở xuống.
Y sợ hãi quá độ, quay lưng bỏ chạy. Kiều Long tế ngựa đuổi theo. Chỉ chờ có thế, Bằng Phi âm thầm vận nội lực toàn thân, vặn lưng xoay tay, thanh kích xoáy tròn phóng thẳng ngược lại vào giữa mặt Kiều Long.
Là chiêu ‘Hồi Mã Thương’ nổi danh chiến trường. Kiều Long nhếch mép, xoáy tròn thương y hệt chiêu của đối phương, tia chớp đỏ xoay tròn thành cơn bão, phóng tới cây kích.
Cơn bão tia đỏ mạnh hơn, cuốn đầu kích vào, Kiều Long hất tay một cái, đầu kích gãy đôi. Trương Bằng Phi đang lúng túng, một cây thương từ xa phóng tới, thẳng đến Kiều Long. Gã vung tay một cái, đoạt được cây thương dễ dàng. Một vị tướng cưỡi ngựa nhảy ra, quăng cây kích khác cho Trương Bằng Phi, nói:
– “Ta là Áo Xích Lỗ, mời tiếp chiêu!”
Đoạn giục ngựa, cầm đao chém tới. Kiều Long thấy một đối hai, không còn giữ lại nữa, vận hai cây thương cùng một lúc như hai người ra chiêu. Gã dụng kình rất xảo, cây thương thứ ba xoay tít giữa hai cây thương như có thêm một người nữa cầm, kỳ lạ vô cùng.
Ba ngựa gặp nhau, đao pháp ‘Sa Trường Hoàng Tảo’ của Áo Xích Lỗ bị hất ra, cây thương thứ ba hất trúng mặt, may có chân khí hộ thể bằng không đã vong mạng. Trương Bằng Phi dùng kích đấu thương, bị chấn vũ khí rời tay, hổ khẩu rách toạc. Y thấy tia sét đỏ xoẹt qua một đường, liền hụp xuống, mũ giáp liền đứt lìa bay ra. Hai danh tướng nhà Nguyên vội quay ngựa chạy trối chết.
Quân Đại Việt hò reo rầm trời. Kiều Long Nguyễn Chế Nghĩa một mình một ngựa hai thương lao thẳng vào quân giặc, chém giết như hổ vào bầy dê. Quân Nguyên nao núng, nhưng quân số đông hơn hai mươi lần, không sợ tiêu hao. Đánh một ngày một đêm, giặc chết hơn 5.000 người, thây chất như núi, Kiều Long vẫn du tẩu ra vào, không có vẻ gì là mệt. Về trại thấy quân Đại Việt chết hết 400 người, gã đau lòng hết sức, đành rút lui.
Quân Nguyên khiếp sợ trước sức mạnh như thần của Nguyễn Chế Nghĩa, từ đó gọi gã là ‘Thần Tướng’.
Hưng Đạo Đại Vương lâm vào thế hai mặt thụ địch, Ngọc Long Nguyễn Địa Lô hàng ngày đều leo lên đỉnh núi cao nhất thám sát địch tình.
Ngày này, Ngọc Long lại một mình thi triển khinh công, lên núi thoăn thoắt như chạy trên đất bằng. Lên đến đỉnh, gã rút ống nhòm ra, lau chùi sạch sẽ, rồi nhìn các phía. Gã ghi vào giấy vài dòng chữ, rồi rút cây cung ra bắn một phát. Mũi tên bay xuống núi, cắm vào hồng tâm trên tấm bia cách 300 mét. Binh lính canh phòng thán phục rút mũi tên ra, bên trong có tờ giấy ghi rõ địch tình.
Cây cung và chiếc ống nhòm là hai thần khí được phụ thân đo ni đóng giày cho gã. Một chiếc phỏng theo pháp khí trên thiên giới, phóng to 50 lần sự vật ở xa, vượt trước thời đại rất nhiều. Một thứ lực giương đến 200 cân, người thường không sao kéo nổi. Nhờ tiễn thuật bách phát bách trúng, tài nhìn xa chục dặm mà Ngọc Long trở thành một trong năm mãnh tướng của Hưng Đạo Đại Vương.
Hưng Đạo Đại Vương mở giấy ra, thấy ghi “Địch chia 6 đường, công từ hướng đông. Hướng bắc Chi Lăng đã bị phá, Nguyễn Chế Nghĩa đang rút về. Số lượng địch nhiều vô cùng, phải đến 50 vạn. Đông như quân Nguyên!”
Trần Quốc Tuấn cau mày, ngay lập tức hạ lệnh rút quân. Một võ tướng tên Đoàn Thai, con trai của Đoàn Hưng Trí đứng ra nói:
– “Đại vương, tôi xin ở lại điều khiển trận ‘Nhị Thập Bát Tú’, đón tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa, chặn đường địch quân, báo thù mất nước cho gia phụ!”
Xét thấy một mình Nguyễn Chế Nghĩa phải gặp hai lộ quân lên đến 50 vạn, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ưng thuận, để Đoàn Thai đoạn hậu, đại quân rút đi dần.
Kiều Long Nguyễn Chế Nghĩa vừa dẫn 1.500 quân trở về, định ở lại nhưng Hưng Đạo Đại Vương có lệnh phải rút. Hai cánh quân Nguyên ập tới, đụng phải trận ‘Nhị Thập Bát Tú’ mà Nhất Long năm xưa đã truyền lại cho Hà Bổng. Sau Hà Bổng bệnh nặng mất, nhưng đã kịp truyền trận pháp này cho Nhân Huệ Vương và Phùng Hộ Lộc. Kể từ đó quân giặc vào Đại Việt mỗi khi gặp các đồng bằng, bãi sông đều khốn đốn vì trận pháp này.
Kim Luân Pháp Vương đã từng ăn trái đắng nhiều lần với trận pháp này, cũng đã bày cho quân Nguyên cách phá trận. Chỉ việc xua quân tới, đào các khối đá lên, hoặc dẹp bỏ hết các xe bao cát là xong. Nhưng trận hình ‘thuẫn quy’ kiểu khiên chắn bốn bề, thương dài đâm ra thì quân Nguyên vô cùng khó chịu, tiến lên rất khó khăn.
Thấy đánh lâu không để dẹp xong trận, Lý Quốc Hùng, Lý Bang Hiến và Lý Hằng xuất chiến. Cả ba vận khinh công chạy thẳng vào, gặp cản phá cản, một chưởng là xong. Dịch Cân Kinh đỉnh cấp cộng với Kim Chung Trạo 11 tầng, ba người này đã tới trình độ đao thương bất nhập, thủy hỏa bất xâm, giang hồ gọi đây là ngang với thần, chạm tới cánh cửa tạo hóa (Siêu Thần Nhập Hóa).
Ba đại tướng dẹp cả ngàn quân, không gì cản nổi, không gì không phá. ‘Thuẫn quy’ với họ chỉ một chưởng là tất cả quân binh trong đó đều vong mạng ngay lập tức. Đoàn Thai tức giận cực độ, trừng mắt muốn nứt ra, Kiều Long vội vận nội lực bình tức nội tâm của hắn.
Biết không địch lại tà thần Lý Quốc Hùng, Kiều Long đành rút quân về. Đoàn Thai đi ở sau đoạn hậu, rút dần khỏi trận địa cùng thân binh. Đi qua một hẻm núi, hắn giật dây đánh sập sơn đạo, liền thấy không có động tĩnh gì.
Ngước nhìn lên, Đoàn Thai thấy Lý Quốc Hùng đứng trên hòn đá cao nhất, liền thầm kêu hỏng bét. Hắn nói:
– “Các gia tướng, hãy đi trước, ta ở lại. Đây là quân lệnh!”
Đoàn Thai rút kiếm ra, định nhảy lên, thì thấy một bàn tay vỗ vào vai. Tốc độ của Lý Quốc Hùng nhanh đến cực đỉnh, Đoàn Thai đành cắn răng, đầu không quay lại, vận chưởng thành chỉ, điểm liền ba phát. Lực đạo Nhất Dương Chỉ bậc thứ tư cuồn cuộn tuôn ra, đánh trúng ba huyệt trên người Lý Quốc Hùng.
Chưa kịp mừng, Lý Quốc Hùng nói:
– “Múa rìu qua mắt thợ. Thứ này ta đã luyện tới tuyệt đỉnh. Ngươi chẳng khác gì trẻ con vẽ bậy cả.”
Liền nghe rắc rắc rắc ba tiếng, thì ra Đoàn Thai đã trúng Nhất Dương Chỉ của Lý Quốc Hùng, xương gãy đoạn cả. Hắn nói:
– “Vô Danh Thần Tăng sẽ trả thù cho ta.”
Đoạn tự chấn đứt kinh mạch mà chết. Lý Quốc Hùng nhếch mép, nói:
– “Hai mươi năm trước hắn đánh không lại ta, bây giờ cũng thế mà thôi! Người đâu, đem xác tên này về bêu lên cho bọn Đại Việt thấy hậu quả dám chống lại ta.”
Quân Nguyên đuổi rất gấp, Kiều Long Nguyễn Chế Nghĩa hội họp với Ngọc Long Nguyễn Địa Lô rồi nhưng không dám vọng động, chỉ sợ tà thần bắt hai người để làm con tin khiến Nhất Long lộ diện. Thành thử Lý Quốc Hùng không biết con của kẻ thù đang trong quân Đại Việt, không cố đuổi gấp.
Đến Bãi Tân, Vạn Kiếp, Chí Linh nơi hội họp 5 con sông lớn, quân Nguyên đông đen cả đường chân trời, như muốn nuốt cả thái dương. May thay đại tướng Yết Kiêu giữ một đội thuyền ở đó, quân Đại Việt rút về được hết, nhưng đợi mãi không thấy Đoàn Thai đâu.
Ai nấy đều buồn rười rượi. Hưng Đạo Vương nói:
– “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi.”
Câu này vừa khen Yết Kiêu ở lại vì chủ, vừa có ý thương tiếc Đoàn Thai hy sinh vì nước.
Đoàn thuyền đi được mấy ngày, quân của ‘Bạt Đô’ Ô Mã Nhi – Omar người Uzbekistan đuổi tới. Hơn 1.000 thuyền chiến quân ta gặp phải thuyền địch, thủy chiến toàn diện nổ ra.
Bạt Đô tiếng Mông Cổ có nghĩa là dũng sĩ, tương đương với kị sĩ vinh dự châu Âu, rất ít người có được danh hiệu này. Chỉ thấy Ô Mã Nhi dũng mãnh như thần, bắn tên bách phát bách trúng, buộc lòng Ngọc Long Nguyễn Địa Lô phải dùng tên đối tên, bắn trả để hóa giải những mũi tên độc địa của y. Hai bên đốt cả thuyền không, thả vào nhau. Một thuyền do Kiều Long Nguyễn Chế Nghĩa chỉ huy áp vào các thuyền nhỏ của địch, gã nhảy xuống chém gãy cột buồm rồi quay lại, tìm thuyền khác để đánh tiếp.
Thấy tên mình bắn sang bị chặn cả, Ô Mã Nhi nói:
– “Nước Nam sao lại lắm thần tướng đến thế?”
Quan sát thấy đội thuyền quân Nguyên rối loạn, Lý Quốc Hùng liền hỏi quân tình. Quân Nguyên đều bẩm báo có ‘Thần Tướng’ Nguyễn Chế Nghĩa tung hoành, chém đứt hết các cột buồm, không ai cản nổi. Hắn cười, nói:
– “Vô Danh Thần Tăng Nguyễn Nhất Long có muôn vàn bộ dạng, nay lại đổi cả tên ư?”
Bèn giục ngựa xuống sông, lên một thuyền để đến tận nơi xem sao. Ngọc Long Nguyễn Địa Lô nhìn ống nhòm thấy điều ấy, liền gọi Nguyễn Chế Nghĩa. Kiều Long đành lui lại, nói:
– “Giá có người ở đây thì tốt biết mấy!”
Ngọc Long nói:
– “Người không muốn thêm biến số vào thiên cơ, dẫn tới không thể khống chế nổi kết quả. Hãy cứ nhịn trước đã!”
Hai anh em đành rút quân về, ưu tiên bảo vệ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lên trên hết.
Phía Tây Bắc, Tiêu Long Nguyễn Thế Lộc theo Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật trấn thủ ở trại Thu Vật, Yên Bái. Nạp Tốc Lạt Đinh mang 1.000 kỵ binh tinh nhuệ qua ải, bị Tiêu Long phục kích, chém chết mấy trăm người. Đao pháp của Tiêu Long chém ra loang loáng bóng trắng, nguyệt ảnh chồng lên nhau, chỉ cần thấy là mất mạng. Chúng đành phải giục ngựa lui lại, quang cảnh một người đuổi hơn 500 kỵ thật khôi hài, nhưng Tiêu Long không biết cái bẫy đã giăng ra, chỉ chờ gã lao vào.
Có tin khẩn cấp báo Hưng Đạo Đại Vương có lệnh rút quân, Chiêu Văn Vương liền thổi kèn lệnh lui binh. Tiêu Long đang đánh giết thống khoái, đành hậm hực quay về. Nạp Tốc Lạt Đinh đấm gãy cột doanh trướng, nói:
– “Khốn kiếp! Chỉ một chút nữa là hắn sẽ đi vào bẫy hố chông của ta!”
Đoạn cho quân đuổi theo, nhưng sợ võ công cái thế của Tiêu Long Nguyễn Thế Lộc, không dám đuổi quá sát. Chúng chia binh thành 3 đường. 2 Đường kẹp hai bên sông. Một đường chọn tinh kỵ khỏe nhất, đi vòng ra đằng trước, chặn ở cửa sông Lô. Chiêu Văn Vương không thấy quân đi vòng, song vẫn đoán được, nói:
– “Truy kích thì phải nhanh, nay chúng lại đi thong thả, sợ có quân phía trước đón chặn.”
Tiêu Long vô cùng bội phục, lòng nghĩ thầm mình vẫn còn quá non nớt, háo thắng, đi theo Chiêu Văn Vương quả là một ngày đàng học một sàng khôn.
Quân Chiêu Văn Vương bỏ thuyền lên bờ, đi thẳng về phía nam, đến được Việt Trì. Nghỉ ngơi chưa được bao lâu, ông lại tiếp tục dẫn quân chuẩn bị vào Nghệ An để ngăn cánh quân Nguyên của Toa Đô vòng từ Chiêm Thành, qua phía Nam đánh lên. Vậy là Tiêu Long lại có cơ hội gặp lại Quan Long.
Quan Long: Thế nào, còn muốn tranh đoạt ngai vàng nữa không?
Tiêu Long…
Tóm lại, một trận đánh đập đầy tình thương của anh cả đang chờ gã ở Nghệ An.
Giữa tháng hai, trời chợt lạnh chợt ấm, sông Hồng lạnh ngắt, thuyền chiến Đại Việt đều tập trung về đây cả. Các tướng sĩ đều quây quần quanh Kiều Long và Ngọc Long, vì chẳng hiểu sao hai người này tỏa ra rất nhiều khí nóng, ở chung phòng sẽ thấy ấm áp vô cùng.
Đại bản doanh quân Đại Việt dựa lưng vào kinh thành, thủy quân cả ngàn chiến thuyền, đông đen, chen chúc hết bên này sông. Quân ta muốn kéo dài thời gian, cốt để ‘Tiêu thổ’, sơ tán tất cả dân chúng trong kinh, đốt hết làng mạc đồng ruộng gần đó. Cũng như lần đầu Thát tử sang Đại Việt, có đánh được kinh thành thì cũng chẳng có gì để mà ăn, mà cướp.
400.000 quân Đại Việt gặp 444.000 quân Nguyên tại sông Hồng. Quân số bên Nguyên đọc tiếng Hán là tứ tứ tứ, gần âm với tử tử tử, là con số rất xấu. Lý Quốc Hùng cau mày, không lẽ điều này cũng có trong tính toán của ‘Vô Danh Thần Tăng’? Trong lòng sinh nghi kỵ, sợ có cạm bẫy, hắn không dám ra lệnh tiến quân.
Ô Mã Nhi, Thoát Hoan cũng thấy như thế. Quân Đại Việt có địa lợi nhân hòa, thủ dựa lưng vào tường thành, quân số không khác nhau mấy, muốn đánh phải tìm kẽ hở hoặc dụng mưu. Chúng bắt đầu lắp ráp máy bắn đá Hồi Hồi Pháo để oanh kích sang doanh trại Đại Việt.
Ngọc Long đứng trên tường thành bắn tên cả dặm, chết hết mấy chục tên phu lắp máy, quân Nguyên đành phải lùi lại. Kiều Long được chân truyền nghề mộc từ cha, nhìn máy bắn đá mà dạy quân ta lắp Hồi Hồi Pháo, bắn sang trại địch, chết mấy trăm người. Kiều Long đứng bên này, nói to tiếng Mông Cổ:
– “Ngươi tới đánh ta nha!”
Lý Quốc Hùng nghe thấy, giục ngựa lại gần nói:
– “Oắt con, khẩu khí lớn lắm, trông mi giống được sáu phần phụ thân đấy. Vô Danh Thần Tăng ở đâu?”
Kiều Long cười khẩy, nói:
– “Ngươi tới đánh ta nha!”
Lý Quốc Hùng gạt một mũi tên của Ngọc Long ra, nói:
– “Từ đây ta có thể phóng Lục Mạch Thần Kiếm giết chết ngươi, không sợ sao?”
Kiều Long giơ ngón giữa lên, nói:
– “Ngươi tới đánh ta nha!”
Lý Hằng nổi gân trán, nói:
– “Phụ thân, để ta bắn chết hắn!”
Kiều Long giơ hai ngón giữa, nói:
– “Ngươi tới đánh ta nha!”
Lý Bang Hiến nhịn không nổi, giương cung bắn một phát. Kiều Long dùng ngón giữa gạt tiễn, nói:
– “Ngươi tới đánh ta nha!”
Quân sĩ Đại Việt thấy vậy hò cùng một nhịp, cả vạn người cùng hô “Ngươi tới đánh ta nha!” Bằng tiếng Mông Cổ. Lý Quốc Hùng mất hết kiên nhẫn, nói:
– “Kẻ nào tiết lộ Vô Danh Thần Tăng ở đâu, ta hạ được thành sẽ tha chết cho kẻ đó, thế nào?”
Cả chục vạn quân Đại Việt cùng hô:
– “Ngươi tới đánh ta nha!”
Thoát Hoan nhịn nãy giờ, thấy sĩ khí Đại Việt hợp nhất một dòng, xông thẳng tới trời xanh, âm thanh như một phá tan hết cả nhuệ khí quân Nguyên. Hắn tức giận quá đỗi, huyết khí đảo ngược, ngực tức khôn tả, phun ra một búng máu rồi ngất đi.
Quân Đại Việt thách đánh một ngày một đêm, ai nấy đều hô vang “Ngươi tới đánh ta nha!” Mà quân Nguyên đều co đầu rụt cổ, đứng bên kia sông không dám làm gì. Thoát Hoan được các danh tướng vận nội công chữa thương cho, hơn hai ngày mới đỡ. Hắn quan sát địch tình, mới thấy quân Đại Việt rút theo sông Hồng cả rồi.
Danh tướng Khoan Triệt, Mãng Cổ Thái, Bột La Hợp Đáp Nhĩ, Lý Hằng theo đường bộ truy kích. Dưới sông có Lý Quốc Hùng, Lý Bang Hiến và Ô Mã Nhi đuổi theo. Thoát Hoan xua quân vào kinh thành, thấy rỗng không, hắn đành hạ lệnh đốt hết tất cả, rồi dựng trại cạnh sông Hồng.
Ô Mã Nhi nói với thân binh:
– “Vương tử nghe lời tên quốc sư Lý Quốc Hùng ấy, đánh mãi cũng có được gì đâu! Đã không biết cầm binh, còn hay ra vẻ!”
Bèn mang 1.300 thuyền chiến đi riêng một đường, vòng ra biển để đánh vào Thanh Hóa.
Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật dẫn Tiêu Long hợp quân với Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Nhân cơ hội này, Tiêu Long liền xin phép dẫn 1.000 quân ra đóng ở Vĩnh Bình, Lạng Sơn. Hiển nhiên, gã có chết cũng không muốn gặp lại huynh trưởng để bị ăn đòn.
Quan Long…
Ngọc Long quan sát thấy địch quân vội truy đuổi có kẽ hở, liền báo cho Hưng Đạo Đại Vương. Người liền mang Phạm Ngũ Lão cùng Ngọc Long trở ngược ra đông bắc, về đóng hơn 1.000 chiến thuyền ở Vạn Kiếp, Chí Linh.
Đường bộ, ngựa Mông Cổ nổi tiếng to lớn, đi được xa, ăn ít cỏ, nên đuổi rất gấp. Bộ binh Đại Việt muốn rút được về đến Thiên Trường, Nam Định thì phải có người dẫn quân đoạn hậu. Kiều Long Nguyễn Chế Nghĩa định đứng ra, song có người đã nhanh hơn, là Trần Bình Trọng.
Kiều Long nghe đến người này, liền thầm than đáng tiếc, muốn can lại thôi. Nhất Long đã có lệnh không được tiết lộ thiên cơ, nếu tùy tiện thay đổi, lịch sử có thể chệch theo hướng bất lợi cho Đại Việt. Ngũ Long khi ra trận đều khắc ghi điều này, bởi vậy không dám tiết lộ điều gì cả, chỉ có thể tận hiển tài năng, cứu những người không có tên trong thiên thư.
Vua ban cho Trần Bình Trọng 1.000 quân tinh anh Thánh Dực Thiết Kỵ, song ông biết có nhiều binh mã cũng chỉ hy sinh, liền xin rút lại chỉ còn 600 người, không cần ngựa. Thánh Dực là quân tinh nhuệ, mũ giáp toàn thân, một tay cầm trọng khiên, một tay sử thương dài 3 mét, một người địch nổi mười mấy người, quý giá vô cùng.
Trần Bình Trọng cho người lập trận ‘Nhị Thập Bát Tú’ ở bãi Đà Mạc, cố thủ nơi hiểm yếu ở Khoái Châu, Hưng Yên. Khoan Triệt dẫn 3.000 kỵ binh tới, bị vây trong trận với các đội ‘thuẫn quy’, không sao thoát ra được. Đánh một ngày một đêm, binh khí gãy hết, Trần Bình Trọng vứt giáo đi, dùng song thủ sử Vũ Long Quyền, hai tay như rồng cuốn, giết gần trăm người. Bên Nguyên càng lúc càng tuyệt vọng.
Ngoài trận, 5.000 tinh kỵ tới, ngựa đeo giáp sắt Hy Lạp, mũ đồng có chấn song che mắt. Đây là đội quân của Lý Hằng, hắn liền ra lệnh lắp ráp máy bắn đá, oanh tạc vào hậu trận Đại Việt. Thuẫn quy không sao đỡ nổi đá rơi, tử thương gần hết. Trần Bình Trọng dẫn hơn trăm thân binh phá vây, liền gặp phải tinh kỵ của Lý Hằng.
Trần Bình Trọng chém một đao, Lý Hằng sử ‘Tiểu Cầm Nã Thủ’, bắt được cây đao. Nhân lúc này, Trần Bình Trọng vận song quyền đấm ra, hình tướng song long ẩn hiện. Lý Hằng nói:
– “Hảo quyền pháp!”
Đoạn dùng ‘Linh Xà Quyền Pháp’ của Âu Dương Phong, đấm thẳng ra. Tưởng chừng hai đầu quyền chạm nhau, cánh tay của Lý Hằng như không có xương, đánh qua trái lại uốn qua phải, đấm thẳng vào bụng Trần Bình Trọng.
Song quyền của Trần Bình Trọng đánh trúng hai đại huyệt giữa ngực Lý Hằng. Hắn cười, nói:
– “Ta có Cửu Dương Thần Công và Kim Chung Trạo, ngươi đánh cả ngày cũng không sao.”
Hai tay y như độc xà thổ tín, linh hoạt không có quy luật, điểm hết các huyệt trên người Trần Bình Trọng. Thế là Trần Bình Trọng bị bắt, giải về trước mặt Thoát Hoan. Thoát Hoan thấy đây là tướng tài, muốn thu phục. Trần Bình Trọng nói:
– “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi.”
Tiếng vỗ tay như sấm vang lên, là Lý Quốc Hùng. Hắn nói:
– “Chư vị đã thấy chưa, ta nói có sai đâu?”
Đoạn bật ngón giữa tay trái lên, huyệt Trung Chỉ bắn ra ‘Trung Xung Kiếm’ trong ‘Lục Mạch Thần Kiếm’, xuyên qua tim Trần Bình Trọng. Hắn híp mắt, nghĩ thầm trong đầu:
– “Tới giờ mà hắn vẫn chưa xuất hiện, hắn định không nhúng tay vào luôn hay sao?”
Trần Nhân Tông nghe tin Trần Bình Trọng bị giết hại, cảm khái vô cùng, nói:
– “Xưa Lê Phụ Trần dùng ván thuyền che cho Thái Tông. Nay con của ông lại hy sinh vì nước. Truy phong cho Lê Tông Trần Bình Trọng là Bảo Nghĩa Vương.”
Kiều Long theo Trần Nhân Tông bảo vệ thủy quân, đoạn hậu ở sau cùng, sử song thương như mãnh hổ tung hoành, quân Nguyên không sao dám lại gần. Mấy lần Lý Quốc Hùng định đuổi theo đơn đấu, nhưng thuyền chiến Đại Việt quá nhanh, Kiều Long cố ý tránh né, thành thử cứ như trò mèo vờn chuột. Lý Quốc Hùng bắt mãi không được thuyền của Kiều Long, đành nói:
– “Thần tướng gặp phải bổn quốc sư phải trốn chui trốn nhủi, sao gọi là thần tướng được!”
Quân Nguyên thấy có lý, sĩ khí yên ổn vừa được chút, lại nghe một câu nói nhu hòa, song lại đi xa vài dặm, vang khắp núi rừng:
– “Ngươi tới đánh ta nha!”
Đây là công phu “Thiên Lý Truyền Âm”, Kiều Long Nguyễn Chế Nghĩa vừa đánh vừa hô câu này gần nửa tháng, quân Nguyên nghe đến tai đều muốn mọc kén. Lý Quốc Hùng tức lắm song chẳng làm gì được, quay sang thấy Thoát Hoan lại phun ra một búng máu!?
Lý Quốc Hùng: Con mẹ, ngươi đây là bình máu di động a, mỗi ngày phun mấy lần, máu nhiều tới cỡ nào?
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 9
Phần 10
Phần 11
Phần 12
Phần 13
Phần 14
Phần 15
Phần 16
Phần 17
Phần 18
Phần 19
Phần 20