Con nhỏ giận tôi đến mấy ngày, đến mức nhỏ không thèm nói chuyện với tôi nữa. Chỉ khi nào tôi hỏi nhỏ mới trả lời, bằng một giọng nói lạnh tanh như cái tên của nhỏ. Tôi thấy hơi buồn cười khi con nhỏ lại giận tôi chỉ vì một cái chuyện bé như cái lỗ mũi như thế, nhưng thôi, vì tôi mặc định rằng con nhỏ là trẻ con nên mình cũng cần cư xử như một người lớn. Một ngày sau khi kết thúc buổi học tôi gọi nhỏ:
– Nhóc, lại đây anh nói chuyện chút.
Con nhỏ miễn cưỡng ngồi xuống trước mặt tôi. Tôi hỏi tiếp:
– Hình như nhóc đang giận anh chuyện gì đó đúng không?
Con nhỏ trả lời thờ ơ:
– Dạ không có!
– Nhóc dỗi anh vì hôm bữa anh nói bậy đúng không? – Tôi cười.
Con nhỏ lắc đầu nhìn tảng lờ đi chỗ khác. Cái điệu bộ đó khiến tôi càng cười to hơn. Con nhỏ thấy thế bực mình gắt lên:
– Đừng cười nữa.
– Uhm, không cười nữa – Tôi nuốt ngược cục cười đang nhảy nhót trong cuống họng vào lại dạ dày.
Con nhỏ lườm lườm tôi một chặp rồi nhỏ khẽ thở dài buông ra một câu tràn đầy thất vọng:
– Chú làm mất hình tượng quá!
– Sao lại mất hình tượng? – Tôi thắc mắc.
– Người lớn mà nói bậy.
– Chứ bộ người lớn không được nói bậy hả?
– Nhưng…
Đến đây con nhỏ đuối lý không biết nói gì nữa. Tôi xoa đầu nhỏ cười xòa:
– Ha ha. Thôi anh xin lỗi vì đã nói bậy. Đúng là người lớn không nên nói bậy trước mặt trẻ con.
– Ai là trẻ con cơ? – Con nhỏ chu môi lên chống chế.
– Một ai đó.
– Con không phải là trẻ con.
– Thì anh có nói nhóc đâu. Có tật giật mình hả? Haha.
Con nhỏ đỏ mặt vì cứ bị tôi trêu hoài. Nhỏ ngúng nguẩy định bỏ đi nhưng hình như quên cái gì đó nên quay lại.
– Chú chở con về được không? – Nhỏ hỏi.
– Sao thế, chú của nhóc lại về muộn à? – Tôi hỏi lại.
– Dạ, chú bảo con nhờ bạn chở về mà nãy giờ quên mất tiêu. Huhu.
– Thôi được rồi, nhóc chờ anh chút.
Chú ruột của nhỏ Linh hay đi làm ngang qua lớp học của tôi nên con nhỏ toàn đi ké. Thỉnh thoảng ổng có việc ở công ty không về đón con nhỏ kịp là toàn bảo nhỏ nhờ bạn chở về. Mà toàn là tôi chở nhỏ không hà. Vì chả hiểu sao con nhỏ chả bao giờ chịu đi chung xe với tụi bạn trong lớp vẽ. Tôi có cảm giác như mình sắp thành bảo mẫu của con nhỏ vậy.
– Chú hay nói bậy lắm hả?
Con nhỏ Linh tự nhiên hỏi một câu vớ vẩn khiến tôi suýt nữa lạc tay lái đâm sầm vào lề đường. Tôi bực mình nói:
– Hỏi cái đó chi zậy?
Nhỏ bẽn lẽn nói tiếp, chả ăn nhập gì với câu hỏi:
– Con ghét những ai nói bậy.
– Sao lại ghét? Bộ nhỏ chưa thấy ai nói bậy bao giờ à?
– Có chứ, thấy nhiều. Mà toàn là người gì đâu không à.
Tôi phì cười. Nhỏ nói như thể tôi là thiên thần vậy. Tôi đành phải hứa với nhỏ là tôi sẽ không nói bậy trước mặt nhỏ nữa. Tôi làm thế không phải vì mình là người dễ thay đổi, chỉ là như tôi đã nói rồi đấy, nói bậy trước mặt trẻ con là điều không hay chút nào. Mặc dù vậy tôi cũng muốn thẳng thắn với nhỏ:
– Nhóc à, anh nói điều này mong nhóc hiểu. Anh là người chứ không phải là thánh. Anh cũng xù xì và đầy tật xấu như bao người khác thôi. Nhóc đừng kỳ vọng cao quá ở người khác mà lại thất vọng bây giờ.
Con nhỏ chả nói gì và có vẻ vẫn còn giận hờn vu vơ với tôi lắm. Tôi tự hỏi có phải con nhỏ lớn quá chậm so với tuổi của mình không, hay là con nhỏ bị đột biến gen. Những suy nghĩ của nhỏ đáng ra chỉ có ở một cô bé 7 tuổi chứ không phải là 17. Con nhỏ trong veo như một tờ giấy trắng vậy, lại còn hay khóc nhè.
– Nhóc xem phim Tây Du Ký chưa? – Tôi hỏi nhỏ.
– Dạ xem rồi, từ khi còn nhỏ cơ.
– Thế có biết 4 thầy trò Đường Tăng không?
– Hỏi kì. Tất nhiên là biết chứ ạ.
Tôi chạy chậm lại rồi nói tiếp:
– Bốn thầy trò Đường Tăng là 4 khí chất đều có trong mỗi người. Đường Tăng là khí chất điềm tĩnh, cẩn thận. Tôn Ngộ Không là linh hoạt, nóng nảy. Bát Giới thì suồng sã, thô lỗ. Còn Sa Tăng thì ôn hòa và suy tư.
Tôi nghe con nhỏ cựa quậy sau lưng mình.
– Bốn khí chất đó không có cái nào tốt hơn cái nào, đều có điểm mạnh và điểm yếu. Ai cũng có 4 khí chất đó trong người. Nhưng ở mỗi người thì sẽ có cái này trội hơn cái kia, nó làm nên tính cách của mỗi người.
– …
– Khí chất của anh là Bát Giới, nên con người anh nhiều khi thô lỗ và hơi hoang dã vậy đó. Đi dạy nên phải nghiêm túc thôi, chứ bình thường nghiêm túc lắm. Hiểu chưa?
Tôi nói nửa thật nửa đùa nhưng con nhỏ vẫn kê cằm vào vai tôi và chăm chú nghe.
– Xạo. Chú nói thế để ngụy biện cho mình chứ gì.
– Chả việc gì phải ngụy biện cả. Chẳng qua nhóc là trẻ con nên anh mới mất công giải thích như thế. Chứ người khác thì anh éo… à nhầm… không quan tâm rồi.
Tí nữa tôi lại vuột mồm nói bậy. May mà con nhỏ không để ý, chứ không lại lảm nhảm nữa mệt lắm.
– Thế còn con là khí chất gì? – Nhỏ hỏi.
Tôi trầm ngâm một lúc rồi trả lời:
– Nhóc á? Nhóc chắc là khí chất Hằng Nga.
– Xạo, làm gì có khí chất đó.
– Có mà. Nhóc không nhớ đoạn Bát Giới “dê” Hằng Nga rồi bị đầy xuống trần gian làm lợn à. Haha.
Con nhỏ kêu lên một tiếng rồi nhéo tôi một cái thật đau.
– Xí xóa nha – Tôi nói
– Xí xóa gì ạ? – Con nhỏ thắc mắc hỏi lại.
– Vụ nói bậy.
– Nhưng chú phải hứa không được nói bậy nữa.
– Ok. Anh hứa sẽ không nói bậy trước mặt nhóc.
Con nhỏ chồm lên giơ ngón tay út ra trước mặt tôi bảo:
– Thề đi.
Tôi đang lái xe mà phải giơ ngón út lên ngoéo tay với nhỏ trông như một thằng dở người. Ngoéo xong con nhỏ ngồi xuống cười khúc khích.
Đến một con hẻm, nhỏ Linh bảo tôi dừng lại. Tôi chỉ toàn chở nhỏ đến khúc này rồi nhỏ tự về chứ chưa hề biết nhà nhỏ. Có lần tôi ngỏ ý chở nhỏ về tận nhà nhưng nhỏ nhất quyết không chịu. Hình như nhỏ không muốn tôi biết nhà mình. Chắc cũng có lý do nên tôi cũng chẳng bao giờ hỏi.
– Mà tại sao nhóc chả bao giờ chịu đi với tụi bạn trong lớp vậy? – Tôi thắc mắc khi con nhỏ bước xuống xe.
Con nhỏ không trả lời câu hỏi của tôi, nhỏ chỉ nháy mắt tinh nghịch nói:
– Bí mật.
Rồi tung tăng đi khuất sau con hẻm. Tôi lắc đầu quay xe trở về. Thú thật là đến tận bây giờ, tôi nghĩ mãi vẫn không hiểu nổi, tại sao con nhỏ Băng Linh này cứ lẽo đẽo theo tôi mỗi khi có cơ hội, nhưng lại chả bao giờ tiết lộ gì về bản thân mình ngoài việc “Em ghét người khác nói bậy”. Tôi hỏi thì nhỏ toàn tìm cách đánh trống lảng chứ chả bao giờ trả lời. Hay là con nhỏ thích tôi?
Nhưng ngay lập tức tôi gạt phắt ý nghĩ đó ra khỏi đầu. Bởi nhỏ với tôi dường như cách nhau cả một tuổi trẻ, chạy làm sao mà thắng nổi thanh xuân. Và quan trọng hơn, tôi chưa bao giờ gặp nhỏ trước đó, tôi cũng chẳng phải Soái ca, Soái đệ gì, cũng chẳng giàu có, phong lưu gì để khiến đám con gái phải ngã rạp ngay từ cái nhìn đầu tiên. Người như nhỏ Linh chẳng thiếu gì chàng trai theo đuổi, nhưng nhỏ cứ bám lấy tôi như thể tôi với nhỏ là một cặp vậy. Nhiều khi tôi cũng cảm thấy phiền toái thật. Nhưng hông lẽ không cho nhỏ học vẽ nữa? Có lẽ cần phải làm một cái gì đó rõ ràng và dứt khoát.
Tôi quên béng mất việc mình phải nói chuyện với con nhỏ Linh như thế nào bởi có một thứ khác xen ngang thu hút sự chú ý của tôi. Đan Chi nói với tôi điều đó trong một lần nhỏ kêu tôi qua nhà nhỏ ăn cơm.
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 9
Phần 10
Phần 11
Phần 12
Phần 13
Phần 14
Phần 15
Phần 16
Phần 17
Phần 18
Phần 19
Phần 20
Phần 21
Phần 22
Phần 23
Phần 24
Phần 25
Phần 26
Phần 27
Phần 28
Phần 29
Phần 30
Phần 31