Mặt trời đã bắt đầu nhô lên quá khỏi những rặng cây. Tôi và nhỏ Linh vẫn cứ thế lạc trôi trên những cung đường rậm rạp. Chẳng biết có về sào huyệt kịp lúc hay không.
Chúng tôi đi qua một vài cung đường nữa, thoát được một vài cái bẫy nữa (thực ra là tụi đi trước đã dính hết rồi, khửa khửa) thì cuối cùng cũng đến nơi. Sào huyệt là một khu hồ tuyệt đẹp với làn nước trong veo có thể nhìn thấy đàn cá nhỏ lùa qua chân mình. Rặng cây bạch đàn xanh mướt rũ xuống những cơn gió cuối thu nghe lành lạnh. Một áng mây lơ đãng trôi bồng bềnh trên mặt hồ và nhòa đi trong tiếng mái chèo khua nước xa xa.
Thấy tôi xuất hiện, thằng Thụy Phong vẫy vẫy tay kêu to:
– Anh Nhân, bên này.
Tôi và nhỏ Linh hình như là 2 thành viên đến muộn nhất của đội Chân Bùn. À mà không, hình như là muộn nhất cả sào huyệt. Cũng tại cái đoạn con nhỏ ngồi khóc nhè khiến tôi mất ối thời gian dỗ dành này nọ. Chúng tôi rảo bước nhanh về vị trí tập hợp của tất cả mọi người. Sau khi đội Chân Bùn báo cáo đủ thành viên, một người thuộc Đấng Tối Cao bước ra lạnh lùng tuyên bố:
– Đội Chân Bùn bị tước 2 huân chương.
Bị tước 2 huân chương đồng nghĩa với việc chúng tôi bị tụt lại cuối bảng. Nhưng hình như không có ai trong đội Chân Bùn tỏ ra buồn rầu vì điều đó bởi tất cả đang nhìn chằm chằm về phía tôi, nơi có con bé mít ướt bẽn lẽn núp sau lưng và thỉnh thoảng đỏ mặt một cách đầy e thẹn. Bọn con trai thốt lên:
– Chồ ôi, dễ thương quá!
Trước khi tiếp tục câu chuyện, cho phép tôi tua lại một khúc thời gian, vì hình như tôi quên mất giới thiệu mình là ai, và tất cả những thứ tôi vừa kể là cái thứ gì.
Tôi là Nhân, một sản phẩm lỗi của trường ĐH BK Đà Nẵng. Tôi tốt nghiệp năm 2012 và sau đó đi làm 1 năm. Vì bất mãn với thời cuộc nên tôi quyết định nghỉ việc, hùn vốn với 1 vài người bạn mở lớp dạy vẽ kiếm sống qua ngày. Sau gần 3 năm cày cuốc như con trâu với những chiến lược marketing bài bản, lớp vẽ của chúng tôi bắt đầu trở nên có chút tiếng tăm trong vùng, học viên tới ngày càng đông và hung hãn. Và cũng sau 3 năm, những người trước kia làm việc cùng tôi đã ra đi xây dựng sự nghiệp mới. Chỉ còn tôi và một cô bé dạy vẽ tên là Đan Chi ở lại. Cô bé đang học năm cuối của khoa Kiến trúc, và nói thật, lũ sinh viên nữ Kiến trúc chỉ có hai loại: 1 là bẩn bẩn và bựa lòi, 2 là xinh đẹp và đầy cá tính. Và thật may, Đan Chi là tổng hòa của cả hai kiểu đó.
Nhỏ Đan Chi thường đi dạy trên chiếc xe wind bụi bặm với chiếc áo caro cột ngang hông và chụp lên đầu cái nồi cơm điện vẽ hình đầu lâu có hai cục xương chó bắt chéo. Nhỏ học võ Vovinam chẳng biết đến đai gì mà có lần đùa nhau với bọn học viên, nhỏ vật một thằng cu xuống đất làm nó chảy máu tè le. Nhỏ kéo thằng cu lên, lấy bông băng, thuốc đỏ rửa vết thương cho nó rồi xoa đầu bảo: “Đừng giận chị nghen nhóc, tự chơi thì tự chịu nghen!” Tội nghiệp thằng nhỏ, nước mắt ứa ra đỏ hoe vì đau mà cũng phải cắn răng gật gật “Hổng giận, hổng giận”.
Nhỏ Đan Chi tính cách có vẻ hoang dại vậy thôi chứ cực kỳ tình cảm, thương và quan tâm tụi học trò như chị gái, lại có vẻ ngoài xinh đẹp nữa nên tụi học trò đứa nào cũng thích chị Đan Chi. Mấy đứa khóa trước thỉnh thoảng vẫn vào Group của lớp kêu nhớ chị Đan Chi quá, muốn gặp lại chị Đan Chi quá mà méo có thằng nào kêu nhớ anh Nhân. Bọn mất dại.
Miềng giữ xe cho tụi nó cả năm trời mà chả đứa nào nhớ. Huhu.
Lớp vẽ của chúng tôi chủ yếu dạy cho tụi học sinh cấp 3, là tụi học vẽ để thi vào các trường Kiến trúc, Mỹ thuật trên cả nước, hoặc chỉ đơn giản là mấy đứa học vẽ vì thích vẽ thôi. Thường thì khi ai đó đi học vẽ sẽ chỉ nằm một trong hai trường hợp đó, nên tôi cực kỳ ngạc nhiên khi ngày nọ, một cô bé tới đăng ký học vẽ với lý do như sau:
– Con học vẽ vì muốn hiểu bản thân mình hơn.
Tôi tròn xoe mắt nhìn cô bé hỏi lại:
– Để hiểu bản thân mình hơn á?
– Dạ – Cô bé trả lời.
Tôi thực sự bối rối bởi đây là lần đầu tiên tôi gặp một trường hợp như vậy. Nếu cô bé học vẽ để thi, tôi sẽ chỉ cho cô bé cách tạo khối, đánh nét, sắc độ… và đủ thứ khác. Nếu cô bé học vẽ vì thích vẽ, tôi sẽ hỏi cô bé thích vẽ chân dung hay phong cảnh, vẽ chì hay vẽ màu. Còn học vẽ để hiểu bản thân mình hơn á? Tôi phải làm gì với cô bé bây giờ?
– Em chắc chứ? – Tôi hỏi lại vì sợ cô bé trêu mình.
– Dạ, tất nhiên là không ạ! – Cô bé bụm miệng cười khúc khích.
Tôi đã nghi nghi rồi mà ai ngờ con nhỏ lật kèo nhanh như điện. Mặt tôi thộn ra như một đứa mặt thộn, mí mắt giật giật như kiểu “tao cạn lời với mày luôn”. Thấy tôi có vẻ hơi kỳ kỳ, con nhỏ lại cười:
– Thôi con đùa đấy, hihi. Chú cho con đăng ký học vẽ đi.
Tôi nhăn mặt:
– Chú chú con con cái gì. Anh còn trẻ, gọi anh là được rồi.
– Chú bao nhiêu tuổi.
– 27.
– Hơn con những 10 tuổi.
– 10 tuổi chỉ đủ tuổi làm anh.
– Dạ.
Con nhỏ dạ vậy rồi lại chú chú con con ngon ơ. Tôi mệt phải đôi co với nhỏ nên thôi mặc nhỏ gọi gì thì gọi. Tôi gọi con nhỏ là “nhóc” và xưng anh.
– Tại nhóc dễ thương nên anh mới cho học thôi đấy nhé. Mới vào đã đòi lừa thấy rồi. Đây, điền thông tin vào đây.
Tôi đưa cho cô bé tờ giấy đăng ký. Nhỏ ngồi lúi húi viết một lúc rồi đưa lại tờ giấy cho tôi kèm theo một nụ cười sáng như mặt trời mùa hạ. Trần Nguyễn Băng Linh, cái tên nghe cũng hay ha.
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 9
Phần 10
Phần 11
Phần 12
Phần 13
Phần 14
Phần 15
Phần 16
Phần 17
Phần 18
Phần 19
Phần 20
Phần 21
Phần 22
Phần 23
Phần 24
Phần 25
Phần 26
Phần 27
Phần 28
Phần 29
Phần 30
Phần 31