Mấy thầy cô trong phòng giáo vụ mém xỉu tại chỗ khi thấy 3 gương mặt du đãng cô hồn khét tiếng của trại hung hăng bước vô… đăng ký tiết mục văn nghệ. Thiệt tình, tính mấy ổng cũng ham vui, suốt ngày làm mặt trầm đâu có dễ chịu chút nào. Hơn nữa, phàm là người có chút tài lẻ, ai cũng khoái được biểu diễn và hò hét ca ngợi hết trơn. Nam tàu gõ bo một cây, thi thoảng cao hứng ổng đệm cho ông Ngọc đàn bá cháy luôn. Hiếu mốc mặt mũi lầm lì nhưng móc guitar cũng có số, có điều trước khi ông Ngọc vô chưa khi nào thấy ổng đàn kiểu liveshow trường trại, chắc sợ… mất số. Có điều, du đãng bự nhất trại cũng tham gia thì còn ngại cái gì nữa chớ!
Mà cũng tội nghiệp mấy người phòng giáo vụ. Thấy 3 cha nội bước vô, đám giáo vụ lăng xăng bưng nước mời như thể có phái đoàn của thành phố ghé thăm. Không nịnh cũng không ổn, bởi ở thứ trường trại này, tiếng nói của họ có khi còn lớn hơn của nguyên đám cán bộ cộng lại. Thứ dữ như ông Ngọc hay Nam tàu, nếu đứng lên kêu… phá trại chắc nguyên cái trại nhỏ xíu này cũng tanh bành. Bởi vậy, đám cán bộ cũng biết đường mà nhường mấy ổng một cây, có chuyện gì cũng mắt nhắm mắt mở cho qua chuyện.
Tới phần chọn tiết mục, đám giáo vụ cũng thiếu điều quỳ lạy ổng. Hỏi Ngọc tính hát bài nào để ban nhạc chuẩn bị, ổng làm bộ suy nghĩ một hồi, kêu:
– Bài “Đêm 30” có được không?
Bài này lạ à nha. Đám giáo vụ nghĩ nát óc không ra bài nào có cái tựa vậy, đang bối rối thì lão kêu:
– Nó như vầy nè!
Rồi gân cổ ca:
– Ba mươi, đêm pháo giao thừa, con nằm trong chốn lao tù. Trại giam, bốn bức tường cao, con phân vân biết trốn sao…
Nguyên đám du đãng cười rần rần. Mặt lạnh như Hiếu mốc cũng phải nhếch mép lên. Lão này sao không đi đóng hài, đi làm du đãng chi uổng quá vậy trời. Nhìn mặt mấy bà cô phòng giáo vụ méo xẹo, tôi đành chạy qua kêu ổng:
– Trời hát nhạc đó sao mà diễn anh Ngọc!
Lão trợn mắt kêu:
– Nhưng đó là bài tủ của tao, không hát bài đó tao hát bài gì? Hay hát “Chim sẻ và đại bàng” nha?
Tôi cũng thua lão luôn. Nhưng cũng hên là còn có người trị được lão. Con nhỏ Mỹ Anh từ đâu chạy vô, bám tay nhõng nhẽo:
– Anh Ngọc hát mấy bài nhạc vàng đi mà. Anh hát mấy bản đó hay quá trời hay luôn, đi nha anh, nha anh!
Cái “nha anh” của con nhỏ kéo dài tới lần thứ 3 thì lão du đãng mắc dịch cũng chịu thua con nhỏ luôn. Thiệt tình, vậy mà cứ luôn mồm kêu tôi là “dại gái”, lão cũng dại nguyên cây. Chốt lại, lão sẽ ca một bản nhạc vàng, Hiếu mốc đàn và Nam tàu chơi bo. Du đãng band rốt cuộc rồi cũng hình thành.
Tôi và con nhỏ cũng tham gia thêm mấy tiết mục tầm bậy, dù biết chắc dưới sân có bao nhiêu hoa cũng sẽ không tới lượt tụi tôi mà sẽ được sắp hàng tặng cho band Tam ca du đãng, kể cả khi các lão hát sai nhạc từa lưa. Không tặng, mai mốt gặp bị đập thì cũng mệt à nha.
Buổi chiều trước khi văn nghệ diễn ra – cũng là chiều Noel luôn, đám giáo vụ mời cơm học viên tham gia văn nghệ để lấy khí thế. Cái vụ này cũng là một điểm đặc biệt tại trại tôi, bởi theo tôi biết rất ít nơi cán bộ mời học viên ăn chung như vậy. Tất nhiên không thể mời hết, ông Bảo chỉ nhắn tôi kêu lão Ngọc, bộ đôi Nam tàu và Hiếu mốc, thêm con nhỏ Mỹ Anh và một con nhỏ làm chân trang điểm khác lên phòng giáo vụ ăn cơm.
3 lão du đãng được mời cơm coi bộ cũng phấn khởi à nha. Nói gì thì nói, ăn cơm trại riết đổi sang cơm đời cũng thấy ngon chứ bộ. Chưa kể, mới bước vô, lão Ngọc đã nhìn chằm chặp vô bình rượu của ông Bảo. Ông giáo vụ già biết ý, dù tiếc đứt ruột nhưng cũng ráng tươi cười, rót đầy vô ly của 3 lão. Ai dè, lão Ngọc làm một câu khiến ổng té ngửa:
– Trời đất, sao lại để thầy rót rượu mời tụi tôi được. Ba cái vụ này thầy cứ để tôi.
Nói xong tỉnh bơ thò tay ra nắm lấy chai rượu. 2 lão du đãng kia thấy vậy mặt mũi cũng tươi như hoa. Trong trại này, rượu là đồ hiếm ngang với ma túy, hơn nữa đám chơi xì ke thường thích cái cảm giác được phê, được lâng lâng. Không có hàng thì rượu cũng ổn quá đi chứ! Lão Ngọc làm chủ xị, cùng 2 lão kia chén chú chén anh một hồi, chai rượu không còn lấy một giọt.
Nhìn lão Ngọc đi liêu xiêu lên sân khấu, tôi thiệt tình cũng chỉ biết trông chờ vào chúa lòng lành. Rượu vào, lão hứng lên có khi kêu học viên phá trại không chừng. Chưa tính 2 cha du đãng mặt mũi cũng đỏ gay đỏ gắt, một ôm bo một ôm đàn như chuẩn bị đi đánh lộn chứ biểu diễn gì trời. Đám học viên đang lộn xộn ở dưới, thấy 3 bóng hình kinh tởm bước lên sân khấu liền im bặt. Nhìn mấy bà giáo vụ mặt mũi tái nhợt, tôi cũng thấy áy náy quá đỗi. Nhưng lỗi một phần cũng là ở các bả, ai biểu kêu lão trời đánh kia tham gia biểu diễn làm chi!
Chỉ thấy Hiếu mốc dợt đàn một nhịp, tiếng hoan hô nịnh đầm đã vang lên khắp bốn góc trại. “Trong đám vỗ tay này, dễ chừng tới 3/4 là lính ổng” – Tôi đoán vậy. Nam tàu cũng hứng chí đập bo một lượt, nghe âm thanh cũng ổn lắm à nha. Tiếng vỗ tay lại vang lên ào ào. “Lính Nam tàu cũng đông dữ” – Tôi chép miệng. Thiệt tình, mấy đứa này cũng không có cơ hội để nịnh đầm đàn anh lộ liễu như vầy nếu họ không lên biểu diễn đâu nha.
Thấy Hiếu mốc quay qua ông Ngọc, nói nhỏ gì đó. Tôi nghi đang bàn chuyện kêu gọi học viên phá trại lắm nha. Thấy lão Ngọc gật gù gì đó, cái bộ dạng nửa say nửa tỉnh trông chẳng có nửa điểm nào giống nghệ sĩ hết trơn. Lão cầm lấy micro, hắng giọng một cái. Tim tôi đập lô tô luôn. Lão mà lớn tiếng la: “Anh em đâu, phá trại đi về chơi Noel!”, Dám đám này lao ra bóp cổ bảo vệ rồi đạp đổ cổng trại lắm. Đang còn run rẩy thì nghe cái giọng lão vang lên trong loa:
– Anh em ổn định trật tự, ngồi ngay ngắn chuẩn bị nghe ca nhạc nào!
Lão này thời đi tù từng làm tới thi đua của trại (trong trại tù ngoài Bắc, thi đua của trại chỉ có 1, là giang hồ có số má bậc nhất, chuyên quản lý phạm nhân thay quản giáo) nên nói năng hệt như nói với… đám tù vậy. Thấy đám học viên đang nhộn nhạo im re. Tôi cũng muốn nín thở. Ngó qua mấy bà giáo vụ, thấy mấy bả đang ôm ngực. Cũng hên mấy bả sức khỏe tốt, chứ ba cái vụ này dễ bị đột quỵ lắm nha.
Cái giọng lè nhè của lão lại vang lên:
– Bữa nay anh em muốn nghe nhạc tù hay nhạc thường nào?
Tôi biết mà! Lão quỷ này lại dở chứng, thiệt khổ không để đâu cho hết. Đã vậy, đám học viên bên dưới chẳng thèm để ý tới gương mặt méo xẹo của đám bảo vệ, đồng thanh hô lớn:
– Nhạc tù đi anh!
Anh giết em đi anh Ngọc ơi! Tôi ngó mấy đôi mắt hình viên đạn của đám giáo vụ mà lòng thầm than một tiếng đau khổ. Ai dè lão quỷ nghe xong, giơ cái tay ra hiệu im lặng rồi nói tiếp:
– Nhạc tù thì là tủ của anh rồi, có điều bữa nay anh hát nhạc tù xong anh sợ không yên ổn. Có 2 đứa nhóc ác nó hăm nếu anh hát nhạc tù bữa nay, mai nó cúp cơm anh. Bởi vậy, anh em chịu khó nghe nhạc vàng một bữa!
Nguyên đám học viên cười rần rần. Tôi cũng cười mà là… cười khổ. Ánh mắt của lão đưa về phía tôi và con nhỏ Mỹ Anh, hàng trăm ánh mắt đám học viên soi chòng chọc vô 2 đứa nhóc ác dám hăm cắt cơm anh đại. Tôi thiệt tình quê không để đâu cho hết. Kêu lão lên hát, lão lại lên tấu hài mới thật là bực bội.
Tiếng đàn guitar vang lên từ đôi tay Hiếu mốc khiến đám học viên im bặt. Hồi nào vào trại tới giờ, tôi mới thấy Hiếu mốc cầm đàn chơi trước nguyên đám đông. Nhưng quả thật, ổng chơi đàn nghề thiệt. Tiếng đàn cất lên giữa cái không gian im ắng có sức truyền cảm tới lạ lùng. Nam tàu cũng bắt đầu gõ bo. Thứ nhạc cụ trường trại cũng cất lên những âm thanh đặc biệt của riêng nó, hòa cùng tiếng đàn bập bùng tạo thành thứ hợp âm không có ở bất kỳ thứ sân khấu ca nhạc nào. Lão Ngọc cũng cầm lấy mic, cái chất giọng nhừa nhựa, buồn buồn của lão cất lên:
– Lời đầu năm ba viết cho con.
Trên quê hương khói lửa rã mòn…
Sau này về với xã hội, thi thoảng hứng chi đi coi liveshow của mấy đám ca sĩ tiếng tăm, tôi cũng chỉ thấy không khí bị nổ tung cỡ như khi lão Ngọc cất tiếng hát là cùng. Phần vì tò mò với màn trình diễn của 3 nhân vật tiếng tăm, phần vì thực sự lão ca bản đó quá hay, cái không gian im ắng như bị xé toạc bởi tiếng vỗ tay, hú hét. Mấy bà giáo vụ già tay cũng đã buông khỏi ngực, ánh mắt hướng về lão ngập tràn vẻ biết ơn. Biết ơn lão đã tha mà không có quậy trại!
Phần trình diễn của tam ca du đãng vừa kết thúc, tiếng hò reo vang lên quá trời. Mấy tay bảo vệ, quản lý gương mặt cũng giãn hẳn ra. Mấy cha bảo vệ già coi bộ còn trầm ngâm xúc động, lặng đi không nói nên lời. Biểu hiện của khán giả như vậy, tới cỡ Micheal Jackson còn âm thầm sung sướng chớ nói chi 3 lão nghệ sĩ nửa mùa này. Lão Ngọc cúi đầu xuống chào khán giả, coi bộ say quá tưởng mình là ca sĩ thiệt hay sao trời. Đám học viên bắc tay vô miệng, la chói lói:
– Tiếp đi ba anh ơi!
– Em thần tượng anh quá, anh Ngọc ơi!
Cái lão này coi bộ rượu vào dễ dụ à nha. Chỉ thấy lão làm bộ như cảm kích, vớ cái micro, chép miệng:
– Tính hát một bài rồi đi xuống, mà anh em nhiệt tình thế này anh đành phải tiếp nhận thôi. Trong không khí đêm Noel tưng bừng như thế này, anh biết nhiều đứa ở đây xa bồ, xa vợ, chắc cũng tủi thân và cô đơn lắm…
Tôi hơi bất ngờ nha, rượu vào không ngờ lão trở nên tâm lý và tình cảm như là người khác vậy. Lại nghe cái giọng lè nhè của lão tiếp tục:
– … bởi vậy anh và Nam, Hiếu sẽ gửi tới các em một nhạc phẩm vui tươi hơn. Mọi người đồng ý không?
Đám học viên lại vỗ tay rào rào. Mặt lão tỉnh bơ, quay qua Hiếu mốc, nói vọng vào micro:
– Hiếu chơi cho anh bản “Đồi thông hai mộ” đi em!
Nguyên đám học viên té chúi nhủi. Tiếng cười rần rần vang lên khắp sân trại. Đám giáo vụ cũng nhịn không nổi, mấy bà có máu nhột ôm lấy bụng mà cười. Hiếu mốc cũng cúi gằm đầu, cái vai rung rung kiểu nín cười mà không có nổi. Con nhỏ Mỹ Anh cười hết cỡ, tay níu chặt lấy áo tôi, cái bụng gập cả xuống. Thiệt tình, tôi cũng phục lão quỷ này quá xá.
Đêm Noel tưởng chừng buồn chán ở trại, không dè lại là một đêm vui tới nín thở đối với đám học viên. Có điều, chỉ tội cho đám học viên đăng ký hát sau tam ca du dãng. Mất công trang điểm đẹp thiệt đẹp, áo quần xúng xính, ai dè bị lão cướp sân khấu tới gần hết cả đêm. Nam tàu hứng lên còn ca luôn một bản tiếng Hoa, giọng khỏe khoắn cao vút. Hiếu mốc cũng góp một bản đàn não nùng, nghe hay tới giật mình.
Đêm ca nhạc sắp tàn, nhỏ kéo tay tôi:
– Chờ em một chút nha!
Tính hỏi nhỏ “em đi tiểu hả” nhưng thấy vậy bất lịch sự quá nên tôi bỏ. Nhỏ chạy vô phòng một hồi rồi lon ton chạy lại chỗ tôi. Trên tay con nhỏ là một cái bọc gói giấy màu sặc sỡ. Mặt nhỏ hãnh diện và sung sướng trông thấy khi rón rén đưa cho tôi món quà:
– Quà Noel của anh nè. Tự em làm đó, anh không được chê xấu nha!
Tôi nghe trong lòng xúc động quá đỗi. Con nhỏ này thiệt tình chu đáo và quan tâm tới tôi hết mức luôn. Cầm cái bọc trong tay, tôi nghe trong lòng mình ấm áp hẳn. Nhỏ len lén ngồi xuống bên canh, bám chặt lấy tay tôi chờ đợi. Tôi cũng tò mò, không hiểu trong cái trại này nhỏ kiếm được thứ gì làm quà Noel cho tôi. Cái bọc giấy mở ra, tôi lặng người khi thấy bên trong là một cái áo gối thêu một hình trái tim bự thiệt bự. Cái áo gối may vẫn còn vụng lắm, hình trái tim còn hơi xiên xẹo một chút, nhưng có hề gì, bởi tôi biết bên trong đó là cả tấm lòng của nhỏ. Mắt nhỏ nhìn đăm đăm vô khuôn mặt tôi, giọng ngượng nghịu:
– Em học hoài nhưng chỉ may được vậy thôi! Có xấu không anh?
Tôi choàng tay qua eo nhỏ, khẽ đẩy nhỏ dựa sát hơn vô mình, thì thầm:
– Đây là cái áo gối đẹp nhất anh từng thấy luôn đó!
Mặt nhỏ bừng lên một tia hạnh phúc, ngả đầu vô vai tôi. Phía sau lưng, đám bảo vệ lại bắt đầu làm nhiệm vụ:
– Mỹ Anh lạnh hả? Lạnh thì vô buồng nằm, đừng có ngồi ôm ấp bạn trai ở đây nha!
Tôi giơ cái bộ mặt đưa đám về con nhỏ bảo vệ có duyên hết sức kia:
– Tui cũng lạnh nè, 2 đứa vô phòng một lượt được không?
Thấy cái tay con nhỏ lại luồn luồn xuống đùi tôi. Thiệt tình, sao nó khoái chữa thẹn bằng cách cấu nhéo tôi vậy hả trời!
Đêm ca nhạc rốt cuộc cũng khép lại một cách “thành công mỹ mãn”. Tôi cũng chỉ nghĩ rằng nó vui vẻ, an toàn, vậy cũng tính là thành công. Nhưng cuộc sống trường trại đâu đơn giản vậy. Đối với đám giáo vụ mà nói, đây là một thành công mang tính bước ngoặt trong cuộc đời giáo dục đám nghiện của họ. Phải biết rằng đám du đãng anh lớn không khi nào hợp tác với cán bộ hết trơn, đám em út thấy đàn anh vậy lại càng không dám.
Trường trại có cái lệ riêng của trường trại, đàn anh kêu đi quét nhà răm rắp làm theo ngay, nhưng đám cán bộ kêu thì còn phải xét lại à nha. Cái tư tưởng chống đối và luồng suy nghĩ: Nghe theo cán bộ thì bị mất mặt là cái cản trở lớn thiệt lớn trong công việc của mấy bả. Nhất là thứ học viên trong đây toàn thứ mang tiền nhà đóng để vô, không thể cư xử kiểu đám cai nghiện tập trung, cãi là đập chèm bẹp. Sau lần này, công việc của mấy bả rốt cuộc cũng sẽ thuận lợi hơn nhiều lắm, nhất là trong vụ nhờ vả mấy đứa học viên hưởng ứng mọi thứ phong trào. Nếu như trước đây, đứa nào cũng ngại quê, ngại bị chọc vì nghe lời giáo vụ, giờ có thách kẹo cũng không đứa nào dám há miệng. Hễ há miệng sẽ mắc phải 3 cái quai bự thiệt bự, cô hồn một cây!
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 9
Phần 10
Phần 11
Phần 12
Phần 13
Phần 14
Phần 15
Phần 16
Phần 17
Phần 18
Phần 19
Phần 20
Phần 21
Phần 22
Phần 23
Phần 24
Phần 25
Phần 26
Phần 27
Phần 28
Phần 29
Phần 30
Phần 31
Phần 32