Trong thời đi học, hôm đó là ngày vui nhất trong mọi ngày…
Sáng sớm, thằng Ngọc lót tót lên lớp thông báo.
“ Tiến sĩ gây mê – Đinh Cẩm Vân bị ốm”
Mà lớp tôi ngẫu nhiên được những hai tiết “tiến sĩ” dạy. Ôi sao sướng quá là sướng. Hạnh phúc quá bà con ơi.
Đứa nào cũng mừng ra mặt. Cả lớp xôn xao. Cô Vân dạy bọn tôi môn Lý, đồng thời là chủ nhiệm của lớp bọn tôi. Cô rất yêu thương học sinh, chỉ có điều không hiểu sao trời sinh cho cô một giọng giảng bài đặc biệt. Nó đi theo một hàng ngang. Giọng cô đều đều như rang lạc. Không lên không xuống. Mỗi giờ cô giảng dạy thì tỉ lệ đám học sinh lớp tôi ngủ tăng hẳn. Mấy đứa lười học gáy khò khò, mấy đứa siêng năng ngủ chập chờn, loại mọt sách thì tranh thủ học bài trước qua sách giáo khoa rồi đến tiết học của cô thì mang môn khác ra học. Do đó tất cả đều ngán môn Lý. Không chỉ đám lớp tôi, học sinh nào học tiết của cô cũng than phiền về chuyện đó. Tụi nó cũng “thích ngủ” y chang.
Thế mới biết là hôm nay Cô bệnh tụi học sinh hạnh phúc thế nào. Chẳng đứa nào nghĩ đến việc cô bị ốm ra sao. Đau nặng không?
– Lớp mình tranh thủ tiết 4, 5 đi chơi đi – Có đứa đề xuất.
– Nhưng mà đi đâu.
– Đi ăn kem ở công viên.
– Thôi, hay mình đi thác – có đứa ý kiến
– Theo tớ là mình đi lên Chùa chơi. Chùa có khoảng không đẹp lắm, nhiều hoa và cây nữa.
Có vẻ ai cũng xiêu lòng với ý kiến này. Nói chung được nghỉ học , đi đâu đó là một niềm phấn khích rồi, tự dưng tôi cảm giác lớp của tụi mình đoàn kết hơn hẳn. Chùa cũng không xa lắm nên phương án đó là tối ưu. Suốt ba tiết đầu tiên, đám học sinh nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa, chực chờ tiếng trống trường vang lên.
Điều chờ đợi cuối cùng cũng tới. Bọn tôi lục rục chuẩn bị sẵn sang cặp vở và cả lớp đi về.
Bác bảo vệ hỏi bọn tôi:
– Mấy đứa đi đâu?
– Dạ, tụi con được nghỉ hai tiết cuối nên lớp về sớm.
Bác nhìn bọn tôi và không nghi ngờ gì.
Cả lớp tôi cũng thế. Ai cũng nghĩ đây là một dịp đi chơi công khai, đường đường chính chính.
Nếu cả đám bọn tôi biết đây chỉ là một câu nói đùa của thằng Ngọc – có an gan hùm cũng không dám hô hào cả lớp cúp tiết của cô giáo chủ nhiệm.
Nhưng đó là ngày hôm sau. Còn lúc đó, ai ai cũng vui vẻ.
Bác bảo vệ cũng vui vẻ mở cổng cho bọn tôi dắt xe ra…
Tôi đi như một cái bóng, Tôi đã thân thiết với đám con trai trong lớp, nhưng thật sự vẫn có chút ít khoảng cách. Đám con gái đối với tôi thì vẫn vậy, Tôi chẳng xem bọn nó ra cái gì. Y như vô hình mà thôi. Cảm giác mình chỉ cố gắng hòa đồng vào đám đông.
Con nhỏ bữa nhìn tôi bằng ánh mắt đặc biệt tỏ vẻ quan tâm tôi hơn hết.
– Phong chở mình đi với. – Nó lên tiếng
– Thôi Bạn kiếm khác đi, xe tui xe khung. Khó ngồi lắm – Tôi lịch sự đáp lại. mà cũng là sự thật. Chiếc xe Khung ngang Thống Nhất ngồi lâu đau mông.
– Nhưng không có ai chở Phương Anh hết.
Thì ra con nhỏ tên là Phương Anh. Bây giờ tôi mới biết tên nó, mặc dù học chung với nhau cũng đã gần ba tháng.
– Uhm, thích thì tui chở thôi. Té ráng chịu.
Nó có vẻ lần đầu ngồi xe đạp. Tôi phải chỉ cho nó cách để lên xe. Ngồi vắt chéo lên chiếc xe Khung không dễ gì mấy đối với một đứa con gái mặc áo dài. Ngồi đằng trước có nghĩa là con nhỏ ngồi gọn trong vòng tay của tôi. Mỗi lần tôi đạp Pê – Đan. Con nhỏ phải hơi nhấc giò lên mới đạp được. Hai cánh tay của nhỏ vịn vào Ghi – Đông xe, mắt chăm chú.
– Ngồi đau mông không, nếu đau xuống dắt bộ nghen – Tôi nói khi thấy nhỏ dường như cựa quậy trên cái xe .
– Uhm. Mình xuống nói chuyện cho vui. – Nhỏ đáp lại.
Tôi xuống xe dắt bộ, nhỏ đi bên cạnh tôi. Nhỏ làm tôi nhớ Trâm Anh. Nhỏ có cái tên ghép gần giống tên của tôi và nàng. Nhỏ có đôi mắt giống Nàng. Tôi ước gì ………
– Bạn bữa trước là bạn Gái của Phong à? – Nhỏ lên tiếng hỏi
– Uhm. Bạn gái. Mà đi xa rồi, không gặp nữa.
Tôi kể chuyện bằng mấy câu vắn tắt. Có lẽ nhỏ hiểu được tâm trạng qua cách nói nhát gừng của tôi nên im lặng.
Tôi với Nhỏ đi cùng nhau trên một đoạn đường dài tới Chùa. Xung quanh Tôi là những bạn bè trong lớp, nhưng hình ảnh không rõ ràng. Như một bức tranh sương mờ mờ ảo ảo. Chỉ có cái cảm giác hiện hữu rõ rệt. Đó là cảm giác Em và Tôi đang đi học về trên con đường làng năm nào….
Nhớ da diết…
Tiếng hô vang và tiếng cười khúc khích của đám bạn đưa tôi về thực tại. Bọn tôi đã đi tới cổng chùa. Sau khi con bé Chi Đội trưởng vào xin phép thầy Trụ trì thì bọn tôi cũng được phép vào tham quan.
Ngôi chùa này không phải nổi tiếng và nhiều phật tử đến cúng bái. Đơn giản vì nó nằm trên vùng đất của người Thiên Chúa giáo. Nhờ đó mà nó mang vẻ hoang sơ, giản dị và buồn.
Tôi không rõ đám bạn Tôi thích thú chỗ nào, có lẽ là nhiều cây ăn trái, có lẽ là khoảng sân rộng giữa chùa. Riêng tôi, Bỗng thấy buồn bã…
Chùa rất giống làng tôi vì sự yên bình và có một giàn hoa thiên lý….
…
Dưới giàn hoa mát rượi…
Em ngồi chờ tôi đi ngang qua với một cốc nước lạnh trên tay, rồi Em dựa vào vai tôi trìu mến. Em ngồi nghe tôi kể những câu chuyện hài hước.
Tôi thật không hiểu nổi mình, đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì. Chỉ cần đâu đó có những điều giống kỉ niệm Tôi và Em đã trải qua ngày xưa, y như rằng tôi lại mộng mơ vê quá khứ…
…
Con nhỏ Phương Anh hòa mình vào đám bạn. Thỉnh thoảng ngước nhìn tôi rồi quay phắt đi.
Một tiếng rưỡi đồng hồ trôi qua nhanh chóng.
Tôi từ chối chở Nhỏ về, kêu không chung đường. Con nhỏ có vẻ buồn…
Sáng hôm sau…
Tôi lên Lớp và nhận thấy thái độ lớp khác hẳn…
Ban cán sự lớp mặt như đám tang.
Thằng Ngọc được mọi người nhìn với ánh mắt khinh bỉ.
Hỏi ra mới biết. Chuyện cô Cẩm Vân nghỉ là chuyện đùa của thằng Ngọc. Cô không ốm, Cô vẫn lên lớp dạy học, chỉ có điều cô vô tình lên muộn khoảng 10 phút, và Cô lên dạy học cho cái bàn và ghế. Đám học sinh đã bỏ trốn cao chạy xa bay. Sự tức giận lên tới tột đỉnh. Ngay lập tức cô ghi vào sổ đầu bài bốn chữ ngắn gọn:
“ CẢ LỚP CÚP TIẾT”
Đánh giá tiết học loại E – loại thấp nhất trong các loại
Nói về cái sổ đầu bài trường tôi, ngoài phần nhận xét thì cô giáo sẽ đánh giá tiết học theo A – B – C – D – E.
Mà theo tôi biết trong lịch sử trường chưa từng có tiết học nào xếp loại E.
Loại E sẽ ảnh hưởng đến thi đua của lớp trong tuần, tháng và hạng kiểm của học sinh và năm.
Ban cán sự lớp đi họp chắc biết điều này nên mặt đám tang là phải.
Thằng Ngọc nhận hết sự khinh bỉ của bạn bè trong thái độ cam chịu. Tôi bước tới an ủi nó. Kêu nó đừng buồn nữa.
Một ngày nặng nề trôi qua với cả đám
…
Ngày hôm sau thì phát hiện sổ đầu bài bị mất.
Ban cán sự lớp nhốn nháo như cái chợ. Cả lớp hí hửng vì nếu sổ đầu bài mất, xem như cái xếp hạng “E” cũng biến mất. Đúng là tuổi học trò ngu ngơ. Sau này, cả lớp họp vào dịp tết, đứa nào cũng kể về kỉ niệm đó và tự trách mình ngu như Cờ Hó. Giả sử sổ mất, cấp lại sổ mới cả đám vẫn bị phân loại”E” bình thường. Cái việc mất sổ đầu bài là tình tiết tăng nặng.
– Bạn nào dấu sổ đầu bài thì yêu cầu trả lại nha – Lớp trưởng lên tiếng và nhìn quanh lớp.
Mặt đứa nào cũng ngơ ngơ tỏ ra vô tội.
Tôi biết rõ là ai, nhưng không nỡ tố cáo.
Giờ học trôi qua, tôi viết giấy qua thằng Ngọc.
– Hết giờ mày gặp tao.
Nó chờ tôi trước cổng trường. Tôi chụp mũ:
– Mày cất sổ đầu bài đâu thì trả đi. Cô chủ nhiệm nói rồi đó. Nếu không tìm thấy sổ đầu bài là cả lớp bị kỉ luật nặng lắm.
– Tao… tao……
– Cất ở chỗ nào, tao với mày lén sáng mai đưa lên lớp nộp lại. An tâm đi, tao không nói mày lấy – Tôi thông cảm với nó.
– Tao… đốt rồi… – Nó rầu rĩ lên tiếng
– Thôi chết rồi, mày hại cả lớp rồi Ngọc ơi. Cô Cẩm Vân mà biết thì có nước đi ăn mày
Tôi thật không ngờ nó liều hết sức. Dấu đi được rồi ai dè nó cầm sổ đầu bài đốt luôn, tiêu hủy bằng chứng.
Chuyện sổ đầu bài đốt chỉ có tôi và nó biết. Giữ đúng lời hứa tôi không nói với ai. Có điều vì sự việc này mà cô Cẩm Vân cũng bị vạ lây. Bị ra trước hội đồng giáo viên kỷ luật. Tôi không rõ về tội danh lắm. Riêng ban cán sự lớp được mới họp bên chi đoàn trường. Thằng Ngọc thì bị mời phụ huynh uống trà lần hai trong năm vì phao tin bậy. Cũng may ông bà già nó không biết chuyện tày đình, nếu không chắc chắn nó bị đánh què giò.
Mất một thời gian bọn lớp tôi mới dám nghịch ngợm lại.
Đúng là Nhất quỷ – Nhì Ma – Thứ Ba học trò!
…
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 9
Phần 10
Phần 11
Phần 12
Phần 13
Phần 14
Phần 15
Phần 16
Phần 17
Phần 18
Phần 19
Phần 20
Phần 21
Phần 22
Phần 23
Phần 24
Phần 25
Phần 26
Phần 27
Phần 28
Phần 29
Phần 30
Phần 31
Phần 32
Phần 33
Phần 34
Phần 35
Phần 36
Phần 37
Phần 38
Phần 39