Cuộc sống cứ bình lặng trôi qua. Bỗng một ngày nắng tháng tư, thằng Cuốc bảo tôi:
– Dạo này ông không hay qua nhà tôi nhỉ? Mải vẽ à? Này, qua nhà tôi rồi chơi thử Call of Duty xem, hay cực!
Tôi nhận lời và về nhà nó. Trò chơi hay tới nỗi gần một giờ chiều tôi mới chịu nhấc mông đi về. Lúc dắt xe ra cửa, tôi định đi ngược đường để về nhà nhanh hơn. Nhưng cái nắng oi bức khiến tôi nhớ lại những ngày hè năm lớp 9. Như một phản xạ tự nhiên, tôi bèn quay xe và đạp xuôi theo con đường. Lúc đi qua ngôi nhà của Hoa Ngọc Linh, tôi lại đạp chầm chậm. Mới vài tháng trước, tôi còn chầu chực ở đây, ngay trước cổng ngôi nhà này. Nhưng thời gian thay đổi, con người cũng phải thay đổi. Tôi tự nhủ rằng câu chuyện thời cấp hai giữa tôi và em chỉ là một kỷ niệm đẹp. Kỷ niệm rồi sẽ qua đi và chẳng bao giờ quay lại nữa. Rồi tôi và em sẽ bớt nói chuyện trên Yahoo! mỗi đứa sẽ bước theo những con đường riêng.
Tôi cứ nghĩ như thế cho tới khi đạp xe đến đầu phố. Phố xá vẫn thế nhưng có cái gì đấy thiêu thiếu. Nhìn ngược nhìn xuôi, tôi chợt nhận ra cây phượng năm nào đã bốc hơi, chỉ còn lại một cái gốc nằm trơ thơ lơ bên vệ đường. Tôi vội vòng xe sang vệ đường để nhìn cho rõ, như chưa tin chuyện trước mắt, tôi bèn hỏi một người đi đường:
– Bác ơi, cho cháu hỏi, cái cây phượng ở đây đi đâu rồi?
– Người ta cưa rồi cu ạ! – Người nọ cười – Hình như họ định xây nhà ở đây nên phải cưa bớt cây đi!
Tôi chùng xuống và hụt hẫng. Một phần tâm hồn tôi đã ở đây cùng cây phượng, nhưng người ta đã chặt đi mất. Tồn tại không ai quan tâm, mất rồi mới thấy giá trị – cây phượng đã sống trong lòng tôi như thế.
Bần thần hồi lâu, tôi vội vã đạp xe về nhà và lôi ra bức tranh dang dở thuở trước. Nguyên cả ngày hôm ấy, tôi hết vẽ lại đổ màu, bỏ luôn cả bữa tối lẫn lời ca thán của mẹ. Rồi ngày hôm sau, tôi nhờ thằng Sĩ bọc bức tranh khung gỗ và giấy gói quà. Nó bảo tặng ai thì tôi chỉ ậm ừ “tặng bạn”. Ngoài bức tranh ra, tôi còn để lại một thiệp chúc mừng cùng lời nhắn:
“Chúc mừng sinh nhật nhé! Hy vọng là mày thích! Xin lỗi vì thời gian qua không trả lời tin nhắn của mày! He he, tao thích vẽ lắm, khi nào vẽ xong một bức, tao sẽ cho mày xem, coi như là xin lỗi đi! Vậy nhé!”.
Tan học, tôi chạy qua nhà Linh và chờ đợi. Song một giờ rồi hai giờ chiều vẫn chẳng thấy bóng dáng em đâu, tôi bèn luồn bức tranh qua khe cửa sắt với hy vọng em sẽ thấy nó khi đi học về. Tôi muốn níu kéo kỷ niệm, muốn chúng sống lâu hơn nữa.
Nhưng như tôi đã nói, đến tận bây giờ, tôi chẳng biết Linh có nhận được món quà ấy hay không nữa…
Tôi của thời cấp ba khác nhiều so với thời cấp hai, bởi lẽ một phần tâm hồn tôi đã ở lại với quá khứ. “Nó” – thứ tâm hồn ấy vẫn quẩn quanh trong những trò nghịch ngu, cái nắm tay vụng trộm giữa mùa đông và con đường trải nắng có cây phượng xòe bóng. Tôi và “nó” sẽ cùng nhau lớn, hoặc là tôi đã từng nghĩ thế.
Nhưng tôi càng lớn bao nhiêu, “nó” càng thụt lùi bấy nhiêu. Không còn những trò nghịch ngu nữa, không còn thể hiện cái tôi trẻ trâu trước mặt người khác nữa, “nó” đang dần xa rời tôi mà chính tôi chẳng hay biết. Chỉ đến khi cây phượng năm nào bị người ta chặt mất, tôi mới giật mình. “Nó” đang biến mất. Chỉ còn cái nắm tay ấm áp thuở xưa vẫn tồn tại trong trí nhớ của tôi. Nhưng đó là tôi…
…Linh thì sao? Liệu em còn nhớ không?
Và để níu giữ “nó” – thứ tâm hồn đầy kỷ niệm ấy, tôi đã vẽ. Trong thiệp chúc mừng sinh nhật, tôi đã nói mỗi khi hoàn thành một bức tranh, tôi sẽ cho Linh xem. Và để thực hiện lời hứa, suốt ba tháng hè sau, tôi vẽ liên tục. Tôi vẽ trong âm thanh của rock và metal, bao nhiêu bài hát là từng ấy lần tâm trạng tôi biến đổi, chủ đề tranh vì thế khá đa dạng.
Khi thì tôi vẽ tranh fantasy – thể loại sở trường, khi thì tranh tĩnh vật, cũng có lúc tôi biến tờ giấy A4 thành những trang truyện tranh hài hước. Mỗi khi hoàn thành một bức, tôi lại đạp xe sang nhà thằng Choác hoặc thằng Cuốc và nhờ chúng nó thẩm định. Nếu chúng nó bảo “cũng được” hoặc “bình thường”, tôi sẽ vẽ lại. Nếu chúng nó bảo “được” hoặc “đẹp”, tôi sẽ đạp xe thêm vài cây số nữa để mang bức tranh tới nhà Linh. Tôi muốn cho em biết đam mê của mình, muốn thanh minh rằng chỉ vì mê vẽ quá mà tôi quên mất quà sinh nhật.
Nhưng gặp Linh khó hơn lên trời. Hễ ra hàng điện tử, việc đầu tiên tôi làm là mở Yahoo! và ngó vào nick em. Phiền nỗi mỗi khi tôi online thì em lại offline, nhắn tin nhiều thế nào, em cũng không trả lời. Nội dung tin nhắn cũng chẳng thay đổi mấy, đại khái thế này:
“Mày có xem mấy bức tranh không? Đẹp chứ? ^^
Cho tao xin lỗi về quà sinh nhật nhé, tại tao quên! He he!
Thích tao vẽ cái gì thì cứ bảo nhé!
Mà năm lớp 10 mày học hành thế nào?
Tao được học sinh trung bình thôi, cơ mà giờ ai quan tâm mấy bằng khen nữa chứ? :))
Mày có bị các cụ nói về chuyện thi đại học không?
Tao bị nói suốt!
Đ.M cứ trường này trường kia, mệt hết cả người!
Tao khoái vẽ, chắc tao sẽ xin vào ngành mỹ thuật!
Chẳng biết các cụ đồng ý không nữa
Vậy thôi
Trả lời tao sớm nhé! :D”.
Chẳng hiểu vận số đen đủi thế nào, đã không gặp được trên mạng thì chớ, tôi cũng chẳng gặp được Linh ngoài đời. Mỗi lần qua đưa tranh, tôi lại đợi chờ trước cửa nhà em; hôm đợi một tiếng, hôm đợi hai tiếng, hôm đợi nguyên cả buổi chiều. Em cứ gieo vào lòng tôi cả thất vọng lẫn hy vọng bằng sự vắng mặt của mình. Có lẽ em giận tôi vì không trả lời tin nhắn Yahoo!, không tặng quà sinh nhật đúng hẹn, thế nên em chẳng đả động gì quà sinh nhật của tôi luôn. Nhưng tôi không nản. Tình cảnh này cũng chẳng khác sự vụ năm lớp 7 mấy, nên tôi tin rằng Linh sẽ sớm vui tươi trở lại.
Nguyên cái vụ tặng tranh cũng phát sinh lắm chuyện bên lề. Vì không gặp được em nên tôi toàn phải luồn tranh qua khe cửa sắt. Phiền nỗi ba tháng hè ở cái xứ Hà Nội này mưa nắng thất thường; có hôm tặng tranh xong, tôi đang túc tắc về nhà thì trời nổi gió cùng mây đen rồi ào mưa xuống. “Ôi thôi Đập Con Muỗi Văng Cuốn Lịch nhà con rồiiiiiiiiii!” – Tôi lẩm bẩm. Đợi ngớt mưa, tôi cuống cuồng đạp xe quay trở lại nhà Linh và cảnh tượng đau lòng hiển hiện: bức tranh dính bét trên đất, nhoe nhoe nhoét nhoét không còn ra hình gì cả. Sau này, nhằm tránh bị mưa, tôi bọc tranh trong túi nylon, sau khi luồn nó qua khe cửa sắt, tôi lại đặt một tấm bìa các- tông lên trên. Trừ phi mưa thối đất ba bốn ngày chứ trước những cơn mưa rào ngày hạ, tranh của tôi vẫn sống khỏe.
Do hay lượn lờ trước cổng nhà em nên một số người nghĩ tôi là quân ăn trộm. Một ngày nắng chang chang tháng bảy, lúc tôi đang lúi húi luồn tranh qua cửa sắt thì một ông trật tự phường xuất hiện và quát:
– Thằng kia, mày làm gì đấy?
Tôi giật mình, mồm mép luống cuống:
– Cháu làm… làm gì đâu ạ?
– Mày rình mò trước cửa nhà người ta làm gì? Định ăn trộm hả?
Ông trật tự phường này cao to, đầu trọc lốc, mặt mũi bặm trợn, hai tay như máy khoan đường. Ổng mà tung chưởng, khéo tôi bắn sang tận Công Gô. Tôi thật thà khai báo:
– Dạ, cháu chỉ tặng bạn tranh thôi! Nhà bạn ấy ở đây, hôm nay sinh nhật bạn ấy nên cháu tặng mà!
Tôi chìa ra bức tranh cho ông trật tự phường. Ổng ngó ngó một lúc rồi phán:
– Đ.M dăm ba cái tranh vớ vẩn! Gái giờ nó không yêu mấy thằng họa sĩ đâu, cu ạ! Về học hành tử tế, kiếm nhiều tiền rồi mày muốn cưa con nào cũng được!
Tôi cười nhạt, mắt đảo quanh kiếm xem có viên gạch nào gần đó không. Chê tác phẩm của tôi thì được chứ chửi thì đáng bị táng gạch lắm! He he, đùa thôi. Không riêng ông trật tự phường mà nhiều người cũng nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ như thế. Cuộc sống đang thay đổi, những anh chàng trồng cây si lì cây chuối trước cổng nhà cô gái mình thích như tôi đây dần biến mất. Thế nên người ta nghi ngờ cũng phải.
Qua ba tháng hè, tôi đã tặng Linh ba mươi lăm (35) bức tranh. Vào năm học mới, tôi vẫn vẽ, vẫn tặng em tranh, hầu như không quan tâm học hành hay áp lực thi đại học. Mặc dù tôi đã cố giấu giếm nhưng bố mẹ thừa biết tôi vẽ nhiều hơn học. Mẹ tôi thi thoảng nói bóng nói gió:
– Con người ta hết tìm học bổng này học bổng nọ, đi du học, học tiếng Anh! Con mình thì suốt ngày vẽ vời!
Một cách trẻ trâu và bướng bỉnh, tôi không nghe lời bố mẹ. Tôi thu mình, tránh tiếp xúc với họ. Tuổi mười bảy, tôi nghĩ đấng sinh thành không hiểu tôi, không hiểu nguyện vọng của tôi, không hiểu công việc tôi đang làm. Tôi như người mộng du lang thang trong những khát vọng của chính mình. Chẳng cần biết sau này mình làm gì, trở thành cái gì, có trách nhiệm với ai, lúc ấy, tôi chỉ biết vẽ, rock và metal. Tuổi mười bảy của tôi giống như bài hát “Only for the weak” của ban nhạc In Flames, một bài hát đầy tâm sự, bực dọc với những mối quan hệ và cuối cùng gào lên:
“No need for sympathy, the misery that is me! – chẳng cần sự cảm thông, tự tay tôi sẽ làm nên điều kỳ diệu!”.
Dại khờ – tôi tự gọi thời đó như vậy. Dại khờ vì số tranh tôi vẽ ra xêm xêm số tóc trên đầu tôi (tôi là thằng tóc tốt), dại khờ vì quay cuồng trong những bản nhạc rock và metal…
…và dại khờ vì trót thích một cô gái.
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 9
Phần 10
Phần 11
Phần 12
Phần 13
Phần 14
Phần 15
Phần 16
Phần 17
Phần 18
Phần 19
Phần 20
Phần 21
Phần 22
Phần 23
Phần 24
Phần 25
Phần 26
Phần 27
Phần 28
Phần 29
Phần 30
Phần 31
Phần 32
Phần 33
Phần 34
Phần 35
Phần 36
Phần 37
Phần 38
Phần 39
Phần 40
Phần 41
Phần 42
Phần 43
Phần 44
Phần 45
Phần 46
Phần 47
Phần 48
Phần 49
Phần 50
Phần 51
Phần 52
Phần 53
Phần 54
Phần 55
Phần 56
Phần 57
Phần 58
Phần 59
Phần 60