Tôi về đến nhà bố vợ lúc 5 giờ chiều. Trời mùa này còn nắng và nóng. Bố vợ tôi không có nhà, chỉ thấy ông anh vợ (Quảng) ra mở cổng. Lâu không gặp nên giờ thấy Quảng già xọm đi, râu ria lởm chởm…
– Chú mới về! Quảng chào tôi khi tôi đã đóng cửa xe, bước lên thềm.
– Vâng! Thế anh chị về thăm ông lâu chưa? Tôi chào và hỏi…
– Gần tháng rồi chú ạ! Đang sốt ruột vào vì con bé cháu chuẩn bị đi làm. Cháu xin được vào công ty may liên doanh với Hàn quốc chú ạ. Còn thằng lớn thì chán lắm. Nay làm chỗ này, mai lại xin đi chỗ khác. Cả 2 – 3 năm nay bố mẹ nuôi báo cô hai anh em nó. Vợ tôi chạy chợ buổi đực, buổi cái chỉ đủ sinh hoạt hàng ngày. Còn lương của tôi thì cô chú biết đấy, có đáng gì. Thành thử…
Quảng bỏ lửng câu chuyện mà tôi chưa kịp hỏi. Vậy là Nguyên và tôi đoán không nhầm lý do Quảng giục bố bán nhà.
– Thế ông đâu hả bác?
– Chắc sang bên chú Hoạt chơi. Để tôi sang gọi… Nói rồi, Quảng bước ra cửa. Từ buồng trong, vợ Quảng bước ra lí nhí chào tôi. Một người đàn bà già hơn cái tuổi 40, nhìn khắc khổ và đen đúa.
– Chào chị! Lâu lắm không gặp chị. Chị và các cháu khỏe?
– Cảm ơn chú. Giọng nói Quảng Nam của chị nếu không nghe quen thì rất khó hiểu chị nói gì – Cực lắm chú! Như ổng vừa nói đó. Vợ chồng tui cơ khổ vì hai đứa nhỏ. Nói chú nghe nè…
Chị chưa kịp ca bài ca kể khổ (tôi đoán vậy!) Thì bố vợ tôi bước vào tới ngưỡng cửa.
– Bố Luân mới về à?
– Vâng! Con về Việt Nam nửa tháng rồi. Nhưng công việc bận quá. Việc trong Nam, ngoài Bắc chưa đâu vào đâu. Nay tranh thủ về thăm ông và biết tin hai vợ chồng bác Quảng ra Bắc thăm ông nên con bỏ việc đi Quảng Ninh để về gặp…
– Mẹ Thư (tên của vợ Quảng) nấu cơm đi, muộn rồi. Nấu thêm cơm rồi sang bảo mấy đứa anh em sang ăn cho vui. Hai con gà nhốt trong chuồng đấy, bắt ra thịt.
Thư tê tái đi xuống bếp.
Còn lại 3 bố con. Tôi vào đề luôn:
– Trước hôm con về, Nguyên có nói với con về chuyện vợ chồng anh Quảng muốn đón ông vào Đà Nẵng ở cùng. Ý ông thế nào ạ?
– Tôi nói rồi! Dứt khoát tôi không đi đâu cả. Còn bảo tôi bán cái nhà, đất, vườn tược này đi thì còn lâu. Trừ khi tôi chết thì hai anh em nó muốn bán thì bán…
– Con cũng đâu dám ép ông. Quảng nói – Chỉ là vợ chồng con thấy ông cứ thui thủi một mình. Từ ngày bà mất đến nay thấy ông…
– Tôi không đợi vợ chồng anh xót tôi. Tôi còn khỏe, lương hưu tôi có, tôi ở đây còn bà con, họ mạc sớm tối có nhau. Vả lại, tôi đi thì giỗ chạp ai lo, mồ mả ai chăm? Không lẽ bỏ? Dân làng người ta chê cười, chửi cho mục mả. Không! Tôi không đi. Con Nguyên không về được nhưng nay có chồng nó ở đây. Chắc vợ chồng nó đã bàn bạc như thế nào thì bố Luân cho bố và anh Quảng biết.
– Vâng! Tôi chậm rãi – Nguyên cũng không muốn để bố đi vào Nam. Cô ấy bảo nếu bố bỏ đi thì cô ấy về nước, khổ cũng chịu được để nuôi bố và chăm sóc phần mộ gia đình thay anh cả. Hai đứa cháu cứ khóc mãi vì thương ông ngoại. Riêng ý con thì thế này…
– Chú cứ nói! Quảng bảo.
– Nhà có hai anh em. Anh thì ở xa và đã yên phận. Ông thì tuổi cũng đã cao. Tài sản thì còn ngôi nhà, mảnh đất và khoảnh vườn này thôi. Nếu không may ông có mệnh hệ nào…(Tôi quay sang bố vợ: Con xin lỗi bố) thì cơ ngơi này thuộc về anh và Nguyên là hàng thừa kế thứ nhất, có quyền lợi ngang bằng nhau.
Nhưng ai dám mong ông chết đi để chia nhau?
– Không! Chú hiểu sai ý tôi rồi. Nếu ông chịu vào với vợ chồng tôi thì ông bán đi rồi chia cho cô Nguyên một phần. Còn hai phần thì tôi chỉ xin ông một. Còn một thì do ông giữ, ông quyết…
– Tôi không bán là không bán, không đi là không đi! Ông cụ bắt đầu to tiếng.
Tôi xoa dịu:
– Bố không đi cũng được và chẳng ai dám ép. Nhà đây là của ông bà để lại và nay còn bố thì là của bố. Vợ chồng con cũng không muốn bố phải đi đâu. Có điều như anh Quảng đã thưa và chiếu theo Luật thì cũng không sai.
Thôi thế này! Ông xem giá đất đai ở ta bây giờ như thế nào. Ông và bác Quảng thống nhất giá bán và tham khảo giá chung của nhà nước, của thị trường hiện nay rồi tính…
– Ôi dào! Giá đất làng quê có đáng gì. Vừa rồi nhà Cửu bán cả nhà xây hai tầng, vườn cây, ao cá, diện tích gần 3 sào mà được có 1 tỷ rưỡi kia kìa. Báu gì! Diện tích nhà mình chưa đầy 2 sào phỏng được bao nhiêu…
– Thế cũng được, bố ạ! Quảng nói – Hay là bố cứ bán 2 phần, giữ lại một phần thôi để xây cái nhà nhỏ, gọn để ở…
– Anh nói nghe chả lọt tai tí nào. Tôi bán bò để tậu ễnh ương ư? Anh mà nói nữa…
Tôi thấy căng bèn bấm nhẹ vào sườn ông ví ông ngồi ngay cạnh. Tôi bảo:
– Con cũng đồng ý ý kiến của bác Quảng (Liếc thấy nét mặt Quảng giãn ra, nhẹ nhõm và hy vọng). Nhà người ta gần 3 sào với nhà to, vườn cây ao cá bán được 1 tỷ rưỡi. Không lẽ nhà mình trên 2 sào bán đi không được tỷ mốt, tỷ hai…
– Khó đấy chú ạ! Quảng trầm giọng – Nhà đấy nó vớ được khách cần mua vả lại vị trí đất nhà nó đẹp, gần đường to, ngõ rộng chứ nhà mình lọt thỏm gần giữa xóm, chỉ có ngõ không cạnh đường lớn… E rằng…
– Biết thế đã. Ông cụ bảo.
Ngoài cổng có ánh đèn pin đi vào. Biết mấy đứa cháu sang nên ông ngắt câu chuyện và gọi vọng xuống bêp:
– Mẹ Thư xong chưa?
– Dạ! Con xong lâu rồi Cha.
– Bố Quảng xuống bê mâm lên đi. Các cháu vào cả đây. Hôm nay chồng nhà Nguyên về và cả vợ chồng nhà Quảng còn ở nhà. Mời các cháu sang vui chung.
Liếc nhìn đồng hồ đeo tay đã gần 8 giờ tối. Tôi ra xe bê vào nhà một thùng bia 333.
Bữa ăn vui vẻ, ấm cúng không khí gia đình, họ hàng. Trong bữa ăn không ai đả động đến chuyện bán nhà.
Tiệc tan. Mọi người xin phép về. Thư lại làm nhiệm vụ dọn rửa. Còn lại ba bố con, cả ba uống không đáng gì, rất tỉnh táo và vui vẻ. Thấy Quảng ra giếng, tôi nói nhỏ với bố vợ:
– Bố cứ để con nói những gì vợ chồng con đã bàn. Chúng con sẽ trả phần tiền chia cho anh Quảng…
Quảng bước vào, tôi giót nước mời bố và anh vợ, rồi nói:
– Bố và anh cho vợ chồng con ý kiến. Không nói chuyện đắt, rẻ nhưng cứ lấy cữ giá của họ để làm giá bán nhà đất của mình vậy. Người ta đất, nhà và giá ấy thì đất, nhà mình cứ định giá 1 tỷ 2. Ai mua thì bán ngay để cả nhà yên tâm, để anh chị Quảng còn về trong Nam và để sau này bố, vợ chồng anh và vợ chồng con không phải bàn chuyện bán chác, chia bôi nữa…
– Tôi e không bán nổi, chú ạ. Quảng nói nhỏ.
Biết anh ta sốt ruột lắm rồi nên tôi bảo:
– Bây giờ coi như con mua cho riêng con, mục đích làm gì thì do con quyết. Con trả ông, trả bác toàn bộ nhà, đất và vườn là 1 tỷ 2. Đắt con chịu mà rẻ thì coi như con xin ông, em xin anh.
Bố vợ tôi không nói gì. Quảng thì sốt sắng:
– Tôi đồng ý, ý của bố thế nào cho anh em con biết ạ.
– Tùy hai anh em. Nhưng tôi phải có túp lều ở ngay mảnh đất này để ở.
– Việc đó vợ chồng con sẽ lo cho bố. Ngày mai bố viết giấy bán nhà và đất cho con, có cả chữ ký của vợ chồng anh Quảng và chứng thực của Uỷ ban xã. Xong thì làm luôn giấy phân chia tài sản (tiền đã bán) thành 3 phần. Bố một phần, anh Quảng một phần còn phần của Nguyên con ký nhận thay…
– Nhất trí luôn. Quảng có vẻ phấn khởi nói to.
Rồi sự vụ này tiến triển đúng như tôi dự tính. Hai hôm sau, vợ chồng Quảng chào bố và tôi để vào Nam mang theo 400 triệu. Tôi cho thêm 150 triệu nữa. Bố vợ tôi đưa cho vợ Quảng 50 triệu và bảo:
– Cho hai vợ chồng anh 30 triệu còn mỗi đứa cháu 10 triệu làm vốn. Bảo chúng nó là ông dặn phải ngoan, tằn tiện và đừng hoang phí. Còn anh thì gửi tiết kiệm cả đi mà có tiền tiêu đều đặn hàng tháng chứ cứ đầu tư, buôn lớn thì anh không làm được gì đâu.
Ngay đêm hôm vợ chồng Quảng đi, còn lại hai bố con ngồi với nhau.
– Bố gửi toàn bộ tiền vào ngân hàng đi, bố ạ. Coi như số tiền của Nguyên là Nguyên biếu bố dưỡng già. Còn nhà và đất thì bố cứ ở, coi như của riêng của bố, không con nào có phần nữa…
– Vậy là bố vui rồi. Ông chậm rãi nói – Nhiều khi cứ nghĩ đến thằng Quảng là bố buồn và lo. Tính nó phổi bò, cạn nghĩ, vợ thì chăm chỉ, chân chất nhưng vụng đường tính toán nên kinh tế cứ lụi đi…
– Bố đừng lo. Biết đâu thời thế đổi thay, anh ấy rút được bài học để làm ăn. Số tiền đó là vốn lớn bố ạ. Các cụ bảo: “Dài vốn thì lớn lãi” mà…
– Ừ! Cũng mong như thế. Ông cụ trầm tư.
Tôi chuyển đề tài…
– Bố ạ! Chúng con thực sự không yên tâm một tí nào khi bố cứ lụi cụi, đơn chiếc thế này. Đêm hôm, mưa nắng, nóng lạnh khó lường. Mẹ con thì mất đã qua năm rồi, cũng chẳng cần phải 3 năm để tang bà đâu. Bố xem có bà nào tương xứng mà tốt tính, thấy hợp thì bố…”Con chăm cha không bằng bà nuôi ông”. Chúng con ở xa quá chẳng cận kề sớm hôm được. Vợ con cứ héo hon và khóc suốt khi nói, nhớ đến bố. Cô ấy bảo chừng nào bố còn ở vậy thì cô ấy còn mất ăn, mất ngủ. Bố xem…
– Uầy dà! Nhiều khi bố cũng nghĩ đến chuyện ấy. Nhưng làng xã chẳng có ai để gá nghĩa vả lại cũng ngại điều này, tiếng khác. Những ngày làm việc cho con ở dưới Hạ Long, vợ chồng anh bạn của con cũng giới thiệu, mai mối cho bà cô hay thím của chị Hồng đấy. Nhưng xa quá nên chẳng cập…
– Hay là bố chiều theo ý của con gái và con rể nhé…
– …
– Nguyên bảo với con: Tốt nhất là bố lấy thím Hường. Chú ấy mất lâu rồi. Giờ nhà có hai mẹ con lại là con gái. Dẫu sao cũng đã là một nhà, đủ hiểu nhau và thông cảm hoàn cảnh…
– Nói thì dễ. Nhưng liệu thím ấy có suy nghĩ như các con không? Rồi còn anh em, họ hàng, bà con làng xã nữa chứ đâu cứ muốn là được…
– Vậy là bố ưng thím Hường rồi nhé! Tôi đóng đinh và chốt cái rụp. – Với thím Hường và họ hàng để bọn con lo cho, chắc không ai phản đối…
– Thôi được! Bố cũng muốn có người cho vui cửa vui nhà, ra vào có nhau đỡ tủi thân.
Hai bố con đêm nay ngủ ngon hơn. Không còn nghe tiếng ông cụ trở mình và nén tiếng thở dài như mấy đêm trước.
Hôm sau, tôi gọi điện sang cho vợ để thông báo mọi việc ở nhà. Nguyên vui lắm. Nàng gọi ngay cho bố khi tôi dừng nói chuyện. Không biết hai bố con nói những gì mà thấy ông cười vui vẻ lắm.
Hai hôm tiếp theo, tôi “hoạt động” rất tích cực, từ xa đến gần tôi lái mọi người theo ý của tôi một cách khôn khéo của một người đàn ông đi nhiều, tiếp xúc nhiều và hiểu rộng hơn những nếp nghĩ của những người nông dân chân lấm, tay bùn ở miền quê nghèo, ai cũng phấn khởi và vun vào.
Lô cốt khó phá nhất chính là bà thím tên Hường. Về thân thế, hoàn cảnh của người vợ liệt sĩ này thì tôi đã kể với các bạn ở phần trên rồi. Hôm đầu, tôi chỉ cần gieo vào suy nghĩ của Hường một sự đắn đo, cân nhắc mà không thấy sự hoài nghi hoặc từ chối thẳng thừng như tôi đã từng e ngại. Hôm sau, tôi dấn thêm một bước nữa dài hơn và nhận được những tâm tư thầm kín, những lo sợ thể hiện qua lời nói của bà thím này. Tất nhiên tôi biết cách xoa dịu và xóa đi những trắc trở. Để rồi ngày thứ tư, tự tay tôi làm cơm rồi sang mời hai mẹ con thím Hường sang ăn “kẻo vui để mai cháu đi rồi”.
Bữa tối vui vẻ, con bé Hinh mới 11 tuổi, khá xinh, trắng trẻo và rất… dẻo mỏ, nói như khiếu và suy nghĩ già trước tuổi. Tôi ăn xong ra ngoài sân hóng gió, một lúc sau bé Hinh cũng ra. Tôi kéo tay nó lại gần và hỏi:
– Này bé! Nếu mẹ em đi lấy chồng thì em có thích không? Có buồn không?
– Lấy ai?
– Thì lấy bác (tôi gọi tên bố vợ tôi)
– Eo! Bác già thế mà…
– Ai bảo em là bác già? Rồi năm sau mẹ đẻ em bé cho mà xem…
– Thế thì em thích.
Tôi dám nói vậy vì bố vợ tôi mới 60 tuổi, sức khỏe tốt còn thím Hường chỉ hơn vợ tôi (Nguyên) 4 tuổi, nghĩa là mới 42 tuổi, cái tuổi còn đẻ tốt. Hơn nữa, Hường mới sinh nở một lần, người đàn bà nông thôn còn mặn mà hương sắc và khao khát sau bao năm không có đàn ông.
Chả biết “anh chị” tâm sự với nhau những gì mà khi hai anh em tôi vào thấy nét mặt hai người rạng rỡ, vui vẻ và… bẽn lẽn.
Cái Hinh bảo:
– Mẹ ơi! Mẹ có lấy chồng không? Mẹ lấy chồng thì con ở với ai?
– Con ở với mẹ chứ ở với ai nữa? Bố vợ tôi bảo thế.
– Mẹ lấy ai? Có ai muốn lấy mẹ đâu mà.
Con bé chỉ vào bố vợ tôi rồi nói:
– Mẹ lấy bác đi cho gần nhà mình…
Cả nhà phá ra cười làm con bé tròn mắt, không hiểu.
Khi hai mẹ con thím ra về.
Tôi thưa:
– Như vậy là chúng con yên tâm đã làm được hai việc lớn là lo đất để năm tới xây nhà cho bố mà không ngại sự trái nắng, trở mưa của vợ chồng anh Quảng, Hai là mừng bố có người ở cùng đỡ thui thủi một mình, lại thêm có con bé Hinh càng vui. Biết đâu, trời cho là vợ chồng con có em bé, hai anh em thằng Thăng Long và Liên Hoa có cậu, có dì…
Bố vợ tôi không nói gì nhưng tôi thấy ánh mắt ông ngời lên dưới ánh đèn một niềm vui hạnh phúc đang chờ phía trước.
Tôi bèn thông báo tin vui ngay với Nguyên và giục Nguyên gọi điện ngay cho thím Hường. Số máy và máy cầm tay hiệu Samsung nắp gập mà tôi mua ở Hà Nội mang về vì mục đích này, khi tôi đưa máy cho thím Hường, tôi bảo Nguyên gửi về tặng thím đấy.
Hôm sau, tính ra tôi ở quê vợ đúng 1 tuần, tôi nói với bố vợ là phải đi làm nốt mấy việc ở Hạ Long. Hai tháng sau sẽ về. Rồi từ biệt.
Cả hai mẹ con thím Hường và bố vợ tôi tiễn tôi ra khỏi ngõ đến tận ngoài đường làng mới quay vào.
Ra tới đường cái, tôi gọi ngay cho Tâm và Minh để báo rằng tôi lên Thái nguyên và dặn 2 nàng không thông báo với ai ở HN rằng tôi lên Thái Nguyên.
– “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Cả hai nàng đều khúc khích cười khoái chí.
Dọc đường đi, tôi mở máy trong xe nghe những bản nhạc tình yêu dịu ngọt…
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 9
Phần 10
Phần 11
Phần 12
Phần 13
Phần 14
Phần 15
Phần 16
Phần 17
Phần 18
Phần 19
Phần 20
Phần 21
Phần 22
Phần 23
Phần 24
Phần 25
Phần 26
Phần 27
Phần 28
Phần 29
Phần 30
Phần 31
Phần 32
Phần 33
Phần 34
Phần 35
Phần 36
Phần 37
Phần 38
Phần 39
Phần 40
Phần 41
Phần 42
Phần 43
Phần 44
Phần 45
Phần 46
Phần 47
Phần 48
Phần 49
Phần 50