Hai tuần sau đó là ngày nghỉ lễ. Nguyên lấy mấy ngày nghỉ theo chú Bảy xuống Georgia trong một chuyến viếng thăm một ông sư già là bạn tu của chú Bảy. Chàng và ông Bảy không biết tự hồi nào trở thành bạn đồng hành.
Nguyên đôi lúc tự hỏi mình như vậy, nhưng chàng tự trả lời rằng không phải Thu đã đặt tay chàng vào tay ông Bảy sao? Và bỗng nhiên, chàng thấy lòng ấm áp khi nghĩ đến nàng…
Có điều Nguyên không bao giờ ngờ rằng chuyến bay xuống Savannah, Georgia sau đó thay đổi hẳn cuộc đời còn lại của chàng…
Khi Nguyên bước vào khuôn viên chùa Giác Hoàng thì chàng hơi sững người. Có cái gì quen thuộc trong khung cảnh nơi đây làm chàng hơi chậm chân lại, chàng đảo ánh mắt một vòng nhìn toàn diện ngôi chùa.
Chùa Giác Hoàng tọa lạc trên một khu đất rất rộng, chẳng bù với căn chùa nhỏ của chú Bảy, chen chúc trong khu phố thị không chỗ đất trống…
Nguyên thầm nghĩ. Người xây cất ngôi chùa như cố gắng dựng lại cái kiến trúc quen thuộc của Á Đông. Cái góc của cái mái chùa cong cong… cái mái bằng gạch đỏ… cái cổng chùa bằng gỗ nâu.
Phía trước cổng chùa có cái tượng Phật Bà Quan Thế Âm thật lớn màu trắng… bên trái là một cái hồ sen có hoa sen hồng… trắng nở đầy… Nguyên hít sâu vào lồng ngực cái không khí của khu vực đất gần biển, mát mẻ dễ chịu. Savahnah đang mùa nóng.
Nguyên bước tới mấy bước nữa thì chàng đột nhiên khựng lại.
Cái cảm giác quen thuộc mà chàng cảm nhận được lúc mới bước vào ngôi chùa là trong giấc mơ lạ lùng mà chàng còn nhớ rõ từng chi tiết một…
Ngôi chùa này là nơi mà Thu đưa dẫn chàng đến trong giấc mơ hôm nào và ngoảnh nhìn chàng trước khi chia tay… Nguyên rùng mình. Cánh hoa màu đỏ…
Chàng bước đến mấy bước…
Là hoa Phượng hồng.
… Bạn đang đọc truyện Như một giấc mơ 2 tại nguồn: http://truyensex68.com/nhu-mot-giac-mo-2/
Những cánh hoa phượng thắm đỏ hồng rụng đầy trên sân chùa. Ngay sau lưng tượng Phật Bả đang mỉm cười hiền từ với bình nước Cam Lồ trên tay là một cây phượng vĩ chắc đã lâu năm. Gốc cây nhìn đã già, tàng cây sum sê lá và hoa phượng đỏ trên cành đang nở rộ.
Phượng hồng… ký ức của Nguyên bỗng lui lại nhanh hơn ánh sáng, lục lạo trong vùng trời kỷ niệm cũ… Còn nhanh hơn cả bộ nhớ siêu cấp của cái máy vi tính…
Chàng nhớ lúc Thu nhặt cánh hoa Phượng cài trên mái tóc đen xõa dài… chàng đột nhiên hiểu ra những gì Thu muốn nhắn với chàng… Phượng hồng của một vùng trời xưa cũ…
Mái tóc thề chàng vẫn thường cài hoa phượng làm đẹp cho nàng… Chàng nghe như tiếng lòng ngập lại cái tình tự thương yêu mà Thu dành cho chàng…
Tự sâu trong tim chàng như muốn nói… muốn hỏi Thu:
– Em muốn anh tìm lại Phượng phải hôn? Em đi rồi mà em vẫn còn lo cho “anh cù lần” này?
Nước mắt chàng ứa ra. Chàng bỗng nhớ đến Thu da diết Nguyên lầm bầm như người mất hồn:
– Mà ừ… Thu à… em muốn gì anh cũng chịu hết…
Hình như chàng nghe lại được tiếng cười trong trẻo của Thu, rồi tiếng nàng chọc ghẹo chàng:
– Dzậy mới đúng là “anh cù lần” dễ thương của em…
Nguyên mỉm cười một mình. Cánh hoa phượng đỏ thắm đang xoay xoay trên tay chàng…
Nguyên nhìn ra khung cửa nhỏ của chiếc máy bay đang hạ thấp. Trời bắt đầu tối dần, nhưng chàng vẫn còn nhận ra dải đất nhỏ màu xanh ở dưới…
Quê hương ngày đầu tiên trở lại.
Cái cảm giác của một kẻ phiêu lãng giang hồ, sau bao nhiêu năm tháng, đang quay trở về nhà bỗng tràn ngập trong chàng.
Cái quê hương khốn khó của chàng là những dòng sông uốn lượn quanh co hiền hoà, trên vùng ruộng đồng thẳng cánh cò bay.
Cái quê hương khổ nhọc của chàng là bao nhiêu năm bom đạn của hàng triệu kiếp người lầm than.
Cái quê hương của chàng là những thay đổi gớm ghê của thời thế, những đảo ngược lạ lùng của vận mệnh.
Cái quê hương của chàng là cuống rún chưa lìa của mùi rơm rạ, của khói toả bếp cơm chiều, của khoai lùi bếp nóng. Và của những người thân yêu…
Là cha. Là mẹ. Là anh em… Là người yêu…
Tất cả như hòa lẫn trong cái gọi là tình tự quê hương khi chàng bắt gặp lại trong ánh mắt hình ảnh dải đất quê nhà…
Sài Gòn thành phố cũ năm nào… con đường Duy Tân… Phan Đình Phùng… căn gác trọ nhỏ năm nao với Thùy… Sài Gòn bây giờ xô bồ trong hỗn loạn… Nguyên ngơ ngác nhìn cái thành phố một thời chàng chân ngược.
Chân xuôi đi học… với người yêu cũ… Đột nhiên chàng cảm thấy như mình đang là một kẻ xa lạ đứng ở bên lề nhìn những tất bật ngược xuôi của dòng người trên đường phố cũ.
Chàng quyết định ngày mai xuôi dòng về Vĩnh Long tìm lại quê nhà xưa cũ. Ba Mẹ chàng chắc đang mong đợi chàng từng ngày, từng giờ…
Cái miền đất hiền hòa xưa cũ rồi cũng hiện ra trong từng con đường xuyên tỉnh cũ kỹ, trong từng luống ruộng xanh màu lúa mạ, trong dòng sông êm ả nước đục ngầu màu phù sa nâu đỏ.
Quê hương chàng vẫn khốn khó trong những gương mặt nhăn nheo những vết hằn năm tháng của các cụ già, vẫn nhọc mệt trong những mái tranh nghèo, vẫn còn những con trâu già ngơ ngác chịu đựng những gánh nặng trên lưng…
Đường về nhà chàng vẫn vậy, những con đường nhựa gập ghềnh những cái ổ gà… rồi những con đường đất nhỏ hơn… con sông với con ghe đưa khách.
Chàng ngồi nhìn dòng nước đục ngầu có những chiếc ghe, chiếc tàu nhỏ chở hàng mà lòng hãy còn nhớ lại những năm tháng xuôi ngược sông hồ cùng với ông ngoại chàng.
Mười năm qua nhanh như một cơn gió thoảng…
Giây phút hội ngộ với gia đình bà con láng giềng là những giọt nước mắt mừng rỡ của Ba Mẹ chàng, của anh em, chú, bác. Nguyên ôm chầm từng người thân yêu quen thuộc mà đã nhiều khi chàng ngỡ rằng mình không còn có dịp gặp lại.
Tay trong tay còn lại là những đêm thức thật khuya chuyện trò cho thỏa những năm tháng cách xa. Chàng khề khà với ba chàng và mấy ông già hàng xóm từng ly rượu đế, với mấy con khô mực, mấy con cá nướng…
Chàng ngồi cả buổi với mẹ chàng hỏi chuyện cà kê dê ngỗng, chuyện trên trời, chuyện dưới đất, chuyện hàng xóm, chuyện láng giềng, chuyện bà con… Chàng kể chuyện chàng lưu lạc, long đong, chuyện xứ người với lắm đổi thay lạ lùng trong đời sống…
Cho đến khi mẹ chàng hỏi cái câu mà chàng nghĩ là bà muốn biết hơn hết:
– Con có dzợ, con gì chưa?
Nguyên cười vì chàng biết thế nào bà cũng hỏi tới câu này. Chàng trả lời mẹ:
– Dạ chưa, má à.
Bà cụ nhướng mắt có vẻ ngạc nhiên hỏi:
– Bộ bên đó khó kiếm “dzợ” lắm hả con?
Nguyên lại cười to hơn, chàng ghẹo mẹ:
– Dạ… bên đó hổng có cô nào ưng con hết, má ơi…
Mẹ chàng lườm chàng:
– Con xạo má “quài”…
Nhưng rồi bà có vẻ nữa tin nữa ngờ:
– … Mà bên đó hổng có ai ưng con thiệt hả?
Nguyên thầm thì:
– Con nói thiệt… Nhưng nè má à, con dzià là con đi tìm một người con thương…
Mẹ chàng có vẻ tò mò muốn biết:
– Ai dzậy con?
Nguyên đem chuyện chàng và Phượng ra kể cho Mẹ nghe. Chàng nhờ Mẹ giúp chàng tìm lại Phượng vì chàng biết mẹ và ông ngoại chàng biết rất rõ về bà Năm “đờn bầu”.
Dĩ nhiên là mẹ chàng đồng ý. Bà sai thằng cháu của Bà cùng đi với chàng xuống Rạch Giá. Bà nói:
– Thằng cu Tèo nó biết rành đường xá miệt dưới đó…
Nguyên cười:
– Má ơi, nó tên Hùng. Mà nó lớn cồ rồi, sao má còn kêu nó là thằng cu Tèo?
Chàng thấy ngọt ngào ấm áp trong tình cảm của gia đình. Hai chữ “quê hương” hình như gói ghém trong cái tình cảm thân thương này… Nguyên ngủ thật ngon trên chiếc võng mắc sau vườn. Gió mát thổi hiu hiu. Dòng sông êm êm rì rào chảy sau nhà…
Ngày mai chàng sẽ đi tìm Phượng.
Không biết sẽ ra sao?
Phượng còn đó hay Phượng đã sang sông theo chồng?
Kệ mặc. Chàng cũng sẽ đi tìm Phượng.
Tới thị xã, chàng thuê khách sạn để tạm trú. Sang ngày mai, theo đề nghị của Hùng, chàng và Hùng tỉm hai ông “honda ôm”, có nghĩa là…
Ôm eo ếch hai ông chạy Honda chuyên chở khách kiếm sống – Hùng giải thích với chàng – để vào xóm Vĩnh Thạnh, nơi mà chàng gặp Phượng và bà Năm vào cái thời chàng và ông ngoại bôn ba tìm đường vượt biên.
Ông ngoại chàng bây giờ đã mất, Nguyên không biết bà Năm còn sống không và Phượng bây giờ ra sao.
Đường vào xóm Vĩnh Thạnh gập ghềnh, chưa tân trang tu bổ. Chàng tới cái xóm cũ nhà cửa lộn xộn đủ kiểu đủ cỡ vào khoảng gần trưa.
Nguyên hoàn toàn không nhận ra cái khu vực nhà của bà Năm. Ngày đó chàng theo ông ngoại vào xóm bằng đường sông, phải đi loằng ngoằng qua mấy con đường bộ trong xóm mới tới được nhà Phượng.
Bây giờ chàng vào xóm bằng Honda, nhà cửa sau mười năm thay chủ, đổi tên, tân trang theo ngày tháng nhà cũ nhà mới lẫn lộn. Nguyên ngơ ngác nhìn và cố gắng moi móc trong trí nhớ một vị trí mơ hồ không rõ nét.
Anh lái xe Honda đề nghị chia hai cánh đi hỏi thăm và hẹn gặp lại vào 12 giờ trưa ở một quán nước góc đường. Người lái xe chở Nguyên là một anh trung niên cỡ tuổi chàng.
Chàng nói chuyện chàng về đây để tìm người yêu cũ thì anh chàng cảm động và hăng hái hỏi thăm dùm chàng. Những nhà có cây phượng vĩ trước nhà đều được Nguyên để ý và vào hỏi.
Gần trưa, cả hai vòng lại gặp Hùng và người lái xe thứ hai ở cái quán nước nhưng bọn họ cũng lắc đầu. Chàng thấy thất vọng trong lòng nhưng không nói ra.
Nguyên ngồi thừ người nhìn ra ngoài thì chàng gặp một ông già trong quán bước ra, chàng hỏi thăm hú họa:
– Bác à, cho cháu hỏi thăm…
Ông già chậm chân, nhìn Nguyên.
– Thưa, bác có biết nhà bà Năm “đờn bầu” trong xóm này hông bác?
Ông già chậm rãi:
– Bà Năm bán nhà đi rồi… cũng cầu đã mấy năm nay…
Nguyên chụp tia hy vọng cuối cùng:
– Bác có biết Bà Năm đi đâu hông bác…
Ông già lắc đầu:
– Tui cũng hông rõ… nghe đâu là bả dọn ra thị xã…
Nguyên nói cảm ơn ông già rồi quay lại nói với Hùng và hai người lái xe Honda:
– Ít nhất mình cũng biết là bà Năm không còn ở trong xóm này… Quay về lại thị xã kẻo tối…
Nguyên trở lại Rạch Giá mà lòng ngổn ngang trăm mối… Chàng thầm nghĩ trong đầu:
– Phượng… Phượng… Biết em bây giờ ở đâu mà tìm?
Đột nhiên chàng nhớ đến ông Bảy và những ngày cùng ông cầu nguyện cho Thu. Ông dặn chàng khi gặp khó khăn hãy tập trung và cầu nguyện.
“… Mọi sự sẽ thông…”, chàng còn nhớ ông Bảy nói với chàng.
Nguyên xoay qua hỏi anh lái xe ôm:
– Ở thị xã mình có chùa Phật Giáo nào không anh?
Người lái xe trả lời:
– Đề tui chở anh tới chùa Tam Bảo Rạch Giá. Chùa này là chùa lớn ở đây.
Nguyên đến Tam Bảo Tự vào lúc xế chiều.
Ngôi chùa rất lớn và cổ kính với những hàng ngói âm dương bằng gạch đỏ. Chàng tìm thấy cái khuôn viên nhỏ có tượng Phật Bà Quan Thế Âm bằng đá trắng.
Ngay phía trước tượng Phật Bà là một hồ sen thật đẹp. Lá sen xanh ngắt phủ đầy, vươn trên lá sen xanh là những bông sen hồng.
Có cây cầu bán nguyệt bắt ngang hồ sen dẫn đến trước một khuôn viên nhỏ có bốn cây cột với mấy hàng nhữ Nho màu đỏ. Tượng Phật Bà đứng hiền hòa giữa bốn cây cột.
Nguyên đứng đó lặng yên. Chàng chắp hai tay trước ngực và tập trung tình thần.
Nguyên cầu nguyện… Chàng cầu xin cho chàng gặp lại được Phượng… Chỉ đơn giản một điều. Nhắm mắt chàng thấy trong lòng thật yên tĩnh trong khung cảnh vắng lặng của một buổi chiều ở Rạch Giá.
Lúc trở lại cái khách sạn chàng vẫn còn không biết là làm cách nào có thể tìm lại được Phượng và bà Năm trong cái thị xã mênh mông này. Vậy mà lòng chàng không dao động như lúc từ xóm Vĩnh Thạnh trở về.
Chàng tin rằng chàng sẽ tìm gặp Phượng… một niềm tin lạ lùng mà chàng không thể giải thích được với Hùng, thằng em họ cùng đi với chàng.
Năm ngày trôi qua…
Nguyên quanh quẩn hỏi thăm, trên những hè phố, những con đường, vài khu xóm. Tất cả chỉ như một cầu may cho một cơ duyên hội ngộ. Hùng bắt đầu lộ vẻ thất vọng. Hắn nói với Nguyên:
– Em sợ rằng mình hông tìm ra được chị Phượng…
Nguyên hiểu nỗi thất vọng của Hùng. Hai anh em tìm người như tìm cây kim giữa một đống rơm, không manh không mối. Chàng trấn an gã em họ:
– Ngày mai em ở khách sạn nghỉ ngơi cho khỏe, anh thử vận may một mình anh xem sao.
Sáng hôm sau, chàng lại… vào chùa. Nguyên cười thầm một mình:
– Chắc mình có duyên với chùa chiền…
Thực ra thì chàng vẫn tin ở những lời ông Bảy nói với chàng. Rằng cầu nguyện và lòng tin phát khởi những duyên lành. Lần này chàng vào chùa Khmer…
Rồi vào luôn cả Đền Thờ Ông Nguyễn Trung Trực, một anh hùng Nam Bộ thời kháng chiến chống Pháp vang danh kịch sử với trận hỏa công thuyền Tây trên sông Nhật Tảo. Chàng cầu nguyện bằng cả tấm lòng thành…
Vậy mà cuối cùng chàng tìm lại được Phượng.
Ai tin hay không tin có Phật, có Trời, Nguyên không bàn đến. Nhưng chuyện tìm lại được Phượng diễn ra như thế này…
Đó là một khu phố nhỏ không tấp nập lắm mà người lái xe Honda “ôm” quen đã chở Nguyên chạy cùng khắp thị trấn trong suốt mấy ngày nay dừng lại để tạm nghỉ.
Anh chàng lái xe này lấy làm lạ lùng về sự kiên nhẫn và trì chí của chàng. Nhưng anh cũng rất vui vì gặp được ông khách “sộp” từ Mỹ về cho anh cái mối chạy xe liên tục đã 6 ngày nạy…
Anh rủ Nguyên vào một cái quán nước nhỏ, nơi anh thường hay ghé lại để uống ly cà phê hay nước ngọt những hôm trời nắng.
Cái quán nhỏ có mấy bộ bàn ghế. Bên trong có cái quầy nhỏ. Một cái kệ có thuốc lá, nước ngọt và bánh kẹo linh tinh. Một em bé gái khoảng bảy tám tuổi ngồi đằng sau quầy. Lúc đó là khoảng bốn giờ chiều. Nguyên gọi hai chai nước ngọt cho chàng và anh lái xe ôm.
Đứa bé gái thật xinh xắn mang đến cho chàng hai chai nước ngọt rồi yên lặng lùi lại cái quầy hơi tối ở sâu phía trong quán. Nguyên chậm rãi uống nước.
Chàng nhìn bâng quơ ra con đường phố trước mặt mà lòng thầm nghĩ… Đã sáu ngày, sáu ngày cầu may… sáu ngày hy vọng… nhưng không biết làm sao để có thể phăng ra đầu mối để tìm Phượng. Ngoại trừ có Trời giúp… Nguyên lại nhớ đến Thu và giấc mơ của chàng.
Chàng thầm gọi tên nàng:
– Thu à… anh đã cố gắng hết sức anh…
Rồi chàng tiếp tục trong đầu:
– … trừ phi em giúp anh…
Ngồi một lúc thì anh lái xe ôm hỏi Nguyên:
– Bây giờ mình đi đâu đây anh Nguyên?
Nguyên không nói… chàng chụp cái nón lên đầu, nhìn ra con đường nắng chang chang…
Chàng gọi đứa bé gái để trả tiền, muốn bước ra, rồi lại đổi ý ngồi nán lại. Chàng tính toán thật nhanh trong đầu về những nơi chốn mà chàng đã đi qua và dừng lại hỏi thăm cầu may…
Nguyên muốn trở lại khách sạn. Chàng vừa dợm chân bước ra khỏi quán thì bên trong cái quầy nhỏ bỗng văng vẳng vọng ra tiếng đàn.
Tiếng đàn… Mà chàng nghe như tiếng sét ngang tai…
Bởi vì đó là tiếng đàn bầu…
Là tiếng độc huyền cầm của tấu khúc Dạ Cổ Hoài Lang, cái khúc bất hủ mà chàng nghe từ những cái rung vuốt của ngón đờn bầu điêu luyện từ bà Năm và Phượng mà chàng không bao giờ quên.
Từ là từ phu tướng…
Bảo kiếm sắc phong lên đàng…
Nguyên đứng sững người như trời trồng. Trong đầu, chàng như muốn nói lắp bắp:
– Phượng… Phượng là em đó sao?
Nguyên bước lui. Chàng định thần nhìn vào trong cái góc hơi tối… Đứa bé gái bán hàng mới nảy là người gảy đàn. Nguyên bước tới, chàng cất tiếng:
– Xin lỗi cháu… cho chú hỏi…
Đứa bé gái lễ phép:
– Thưa chú muốn hỏi chi?
Nguyên bước thêm một bước vào phía trong quán. Chàng nói:
– Chú đang đi tìm một người bạn cũ. Cô ấy tên Phượng, bạn chú cũng biết chơi đờn bầu, cũng biết gẩy cái khúc Dạ Cổ Hoài Lang mới này cháu gẩy…
Câu trả lời của đứa bé gái làm trái tim Nguyên như muốn nghẹn lại:
– Má cháu cũng tên Phượng… chút xíu nữa má cháu dzề tới, chú hỏi thăm má cháu thử coi…
Thì lúc đó Phượng từ ngoài bước vào… Nguyên đang xoay lưng vào trong nên không thấy nàng… Chàng chỉ nghe giọng đứa bé reo vui:
– Mẹ cháu dzìa tới…
Nguyên xoay ra thì chàng như nghẹt thở…
Là Phượng…
Phượng vẫn đẹp như năm nào… mái tóc thề buông xõa ngang vai. Đôi mắt bồ câu đen dài… môi nàng vẫn hồng, dáng ngọc vẫn yêu kiều… giọng nói quen thuộc của nàng vẩn trong trẻo reo vui:
– Ừa mẹ mới dzìa…
Nàng ngừng lại nhìn Nguyên trong cái nón sùm sụp trên đầu rồi thêm cái kính mát đen trên mắt:
– Xin lỗi ông hỏi thăm ai…
Nguyên đứng sững đó nhìn nàng… rồi chàng gỡ đôi mắt kính và cái nón xuống. Giọng chàng reo vui trong xúc động:
– Phượng… Phượng… Anh là Nguyên đây…
Phượng khựng người nhìn chàng… Mắt nàng mở to như không tin những gì nàng thấy trước mắt… Nàng lắp bắp theo chàng:
– Anh… Anh… Là anh… Anh Nguyên?
Nguyên bước tới:
– Anh đây…
Phượng nắm tay Nguyên đang đưa ra phía trước… Chàng và nàng ôm chầm nhau…
Nước mắt làm cảnh vật nhạt nhòa trong mắt Nguyên. Chàng nghe Phượng cũng thổn thức khóc trong vòng tay ôm của chàng… Lúc đó hình như không còn gì có thể diễn tả được nỗi vui mừng của chàng và nàng. Hai người ôm nhau chặt cứng như sợ rằng sẽ lại phải phân cách chia ly.
Đứa bé gái mở to mắt nhìn mẹ nó đang ôm chầm lấy một người lạ mặt…
Anh xe ôm đứng đó xoay xoay cái nón, chết trân chứng kiến cuộc hội ngộ kỳ lạ của Nguyên và Phượng, người mà anh cùng Nguyên vất vả tìm kiếm ròng rã suốt mấy ngày qua… Anh lái xe cũng cảm động không nói ra lời…
Nếu nói rằng mọi chuyện đã có sự an bài của định mệnh thì những gì xảy ra trong đời sống Nguyên kể từ giây phút gặp lại Phượng làm chàng thực sự tin như vậy.
Ở cái giây phút của cạn nguồn hy vọng thì kỳ tích xuất hiện. Cũng giống như một cánh cửa mở ra cho một khoảng đời mới cho Nguyên.
Mà cái giây phút tái ngộ định mệnh đó là cái chìa khóa mở cánh cửa kia, Nguyên thực sự lặng người trước cái hạnh phúc choáng ngợp mà chàng nhận lại từ Phượng.
Khi Phượng gọi đứa bé gái đến và nói với nó:
– Chào ba đi con.
Thì cả Nguyên và đứa nhỏ cùng khựng người… Nguyên lắp bắp:
– Con anh hả?
Phượng cười:
– Nó tên “Nguyên Hồng”… Tên của nó có tên anh trong đó…
Nguyên Hồng lúng túng hỏi Phượng:
– Mẹ mẹ… chú này là ba con hả?
Phượng ôm nó kéo lại trong vòng tay của chàng và nàng:
– Ừa… Ba con đó… ba con mà mẹ hay nhắc là ổng đã đi xa thiệt xa… Chưa dzìa…
Nguyên thấy quặn đau trong tim chàng. Một nỗi ân hận bỗng nhiên tràn ngập trong lòng. Chàng vòng tay ôm trọn hai mẹ con Phượng vào lòng:
– Xin lỗi… xin lỗi… từ nay ba không xa con… xa mẹ nữa…
Giọng nói chàng bỗng trở nên ngắt quãng trong nước mắt của vui mừng và xúc động…
Chàng nghe đứa con gái của chàng và nàng gọi tiếng “ba” ngọt ngào…
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 9
Phần 10
Phần 11
Phần 12
Phần 13
Phần 14
Phần 15
Phần 16
Phần 17
Phần 18
Phần 19