Mưa rả rích, mưa nặng hạt sau gần một tuần dài nắng nóng oi bức. Từng hạt mưa kéo nhau thả vào mái hiên, đụm cây và cả bàn tay tôi nữa. Nó làm tôi thoải mái hơn đôi chút, chí ít là về thể xác còn tâm hồn thì ngược lại. Mưa luôn làm tôi gợn buồn man mác, làm những dòng quá khứ chầm chậm chảy về trong tôi. Nhưng tôi thích mưa!
Nhìn khung cảnh quanh chỗ tôi sau trận bão tối qua khá ảm đạm. Lác đác vài chỗ gốc cây to bị bật rồi túi nilon, thùng rác… nằm rải rác trên đường. Chỉ là ảnh hưởng thôi mà sức tàn phá của nó không hề nhỏ, chẳng biết những nơi bão đi qua thì khủng khiếp thế nào. Quê tôi, một trong nhiều nơi hứng chịu trực tiếp từ bão có lẽ còn hoang tàn hơn thế này. Sáng sớm nay tôi gọi về cho con em hỏi han tình hình, nghe giọng nó lo lắng lắm.
– Tình hình ở nhà sao rồi, anh gọi cho bố với mẹ đều không được?
– Gió to, giật ghê lắm anh, cây cối ngoài vườn nhà mình đổ hết rồi, may mà có mấy chú hàng xóm sang chằng cửa hộ không thì gió giật tung hết hic hic.
– Thế bố với mẹ đâu?
– Bố mẹ đang trong phòng rồi, chắc bố mẹ tắt điện thoại nên anh không gọi được. Trên Hà Nội thì sao anh?
– Ừ, trên này cũng mưa to gió to từ đêm qua. Mà ở nhà có bị mất điện không?
– Thế ạ. Ở nhà đang mất điện này anh, thấy bố bảo mấy cột điện bị gió quật đổ nên mất.
– Ờ thôi, anh cúp máy đây mày ở nhà có chuyện gì thì báo anh nhá.
– Vâng, em biết rồi.
Vậy là bão to hơn tôi tưởng tượng, tiếc là tôi không ở nhà để “tận hưởng” nó.
Nhớ ngày trước, lúc tôi còn đang học cấp 2 cấp 3, quê tôi không ít lần được mẹ thiên nhiên ghé thăm.
Mỗi lần bão về là mỗi lần tâm trí tôi tự nhiên vui vui, lạ lạ không có chút sợ sệt.
Chẳng hiểu sao tôi lại thế.
Được ngồi quấn chăn trên chiếc ghế dài cạnh cửa sổ, trong tay là vài cuốn truyện tranh thu lượm được của bạn.
Bên ngoài mưa lớn, gió rít từng cơn qua khe cửa rồi táp thẳng vào một chỗ nào đó nó gặp trên đường.
Tạo một không gian đối lập, yên bình và giông tố.
Có lẽ… chúng giống tôi chăng?
Hôm nay, mẹ thiên nhiên cũng đang ghé qua đây tuy không lớn lắm.
Nhưng tôi đã có thể mở chốt cánh cửa sổ, đẩy tung nó ra và đối diện với “mẹ”. Ai nhìn tôi lúc này chắc bảo tôi đang điên, hay ngáo đá.
Ừ, hay tôi ngáo thật.
Ngoài trời gió to, mưa hắt rát cả mặt nhưng tôi vẫn đứng để mặc kệ chúng “đánh” vào.
Mỗi khi con người ta lắng đọng, tự nhiên thân thể lại thích làm điều khác thường.
Khác thường để trôi đi cơn sóng chìm trong lòng.
Ngày này, vài tháng trước là ngày mà tôi mất đi chiếc đồng hồ báo thức ấy… Tuy không dài, nhưng chẳng hiểu sao tôi cứ giày vò, đau đớn như vậy.
Hay do chiếc đồng hồ ấy đã quá quan trọng đối với tôi?
– Anh…
Quá khứ…
Tôi lặng người khi nhìn thấy em – cô bé của tôi.
Em đang ngồi sau xe một gã trai khác.
Em cười, nụ cười mà em vẫn dành cho tôi, và cái ôm ấy… Tay tôi gần như buông thõng, bờ vai khẽ run lên, môi mím chặt lấy nhau cố gắng kiềm chế cơn giận đang chờ để giải tỏa.
Trái tim tôi như bị ai đó bóp nghẹt lại đau đớn.
Đau chứ, khi mà người con gái mình yêu, mình trân trọng đang “tay trong tay” với người khác không phải mình.
Bất giác, ánh mắt em nhìn tôi.
Hai ánh mắt bắt gặp nhau giữa chốn đông người, ở giữa là dòng xe tấp nập như muốn chia cắt em và tôi.
Ánh mắt em thật lạ, không bất ngờ, không hồi hộp mà chỉ là “trách móc, giận hờn”. Đáng nhẽ đó phải là tôi dành cho em mới phải.
Tôi cười, nụ cười nửa miệng cay đắng.
Thôi đứng đây làm gì nữa, sợi dây liên kết giữa tôi và em chẳng còn nữa rồi.
Tôi quay xe, rồ ga phóng đi để lại sau lưng là tiếng chửi rửa của mọi người. Và có em. Tôi chờ em điên cuồng đuổi theo tôi, gọi tên tôi, ôm lấy tôi, khóc trong vòng tay tôi nói lời xin lỗi. Nhưng bóng em qua gương cứ xa dần xa dần, khuất dần sau lưng. Em vẫn đứng đấy nhìn tôi khó hiểu.
Tôi vốn là thằng cứng đầu, không thích lằng nhằng, không dai dẳng.
Chuyện em và tôi, tôi coi như chấm dứt, không tin nhắn không gọi điện hỏi lý do hay giải thích.
Nói vậy nhưng lòng tôi như lửa đốt, hàng loạt câu hỏi, hàng loạt lý do cứ thế giày vò tôi suốt quãng đường về phòng.
Làm sao có thể tin được khi sáng nay, hôm qua rồi cả hôm kia nữa em vẫn còn quan tâm hỏi han, dành cho tôi yêu thương từ em.
Vậy mà, ngay lúc trước thôi tất cả chỉ còn là đống vỡ vụn.
Tôi đơn giản chỉ là một thú vui qua ngày với em vậy sao?
Cô bé.
Hay em là một thiên sứ được trời phái xuống để trừng trị tôi sau những gì tôi đã gây ra cho Nhung?
Không, không thể.
Chúa trời hay thiên sứ vốn chỉ là trong thần thoại, trong tưởng tượng.
Làm sao có thật được.
Huống hồ Nhung… Vậy ánh mắt của em dành cho tôi lúc đó là sao.
Chỉ vì tôi không nghe được điện thoại, đến đón em chậm 5,10p mà em làm vậy với tôi sao. Trả lời anh đi em!
Với cốc bình nước đầy ắp tôi uống như chưa bao giờ được uống. Tôi dốc đến nỗi nước tràn cả ra mặt, ra cổ ướt đẫm cả cái áo đang mặc. Giá như có chai rượu ở đây chắc tôi cũng uống cạn.
– Anh! Anh làm sao thế? Nước tràn hết cả ra người rồi kìa – Nhung lo lắng nhìn tôi từ lúc nào.
– Anh… anh… à… anh nóng quá ấy mà hì hì – tôi buột miệng.
– Nóng mà dốc cả bình nước lên người thế à? Em nhìn anh lạ lắm, anh có chuyện gì à? Hay là Trâm Anh…
– Không, không có gì đâu, tại anh nóng quá thôi.
– Nhưng em nhìn anh lạ lắm. Chắc chắn có chuyện gì với Trâm Anh rồi phải không anh? – Nhung lo lắng thật sự, nhìn tôi hốt hoảng, 2 tay nắm chặt cánh tay tôi lắc lắc.
– Em yên tâm, nó vẫn ổn giờ đang toe toét trong bệnh viện ấy hì. Mà em đã ăn gì chưa? Lúc sáng anh thấy em có vẻ mệt à – tôi cố gắng nói bình thường nhất có thể.
– À, em mới ăn rồi, anh ăn chưa? Hay anh chở em vào với Trâm Anh đi.
– Ờ… anh chưa, anh định ra ngoài ăn đây, thôi em ở nhà nghỉ ngơi đi, em trông nó cả đêm qua với sáng nay rồi còn gì.
– Nhưng mà…
– Thôi, nó không sao đâu sáng nay bác sĩ bảo chiều hoặc mai có thể về rồi. Em yên tâm hì hì.
– Dạ, vậy để em ra chợ mua gì nấu cho anh ăn nhé, nhìn anh cũng mệt mỏi lắm.
– Anh không sao, chút anh làm suất cơm cho quán cho nhanh, trời nắng nên thế ấy mà. Thôi em về phòng nghỉ ngơi đi, có gì chiều tối anh gọi cho – tôi đẩy nhẹ em về phòng.
– Vâng, vậy anh đi ăn đi cho lại sức, rồi chiều có gì em đến.
– Ừ, rồi, rồi em về nghỉ đi.
– Vâng.
Tôi thở dài nằm vật ra giường, chẳng buồn ăn nữa. Tay cầm điện thoại, nửa muốn xem nửa muốn đặt xuống. Biết chẳng có tin nhắn hay cuộc gọi đến nhưng tôi vẫn muốn chờ, chờ lời xin lỗi, lời giải thích từ em. Tôi không muốn thần kinh tôi căng ra vì những câu hỏi vô hình kia nữa. Tôi mêt, mệt thật. Giá như có trận ốm đến với tôi lúc này thì hay biết mấy. Để tôi có thể ngủ, có thể tạm thời quên đi tất cả. Để em có thể đến bên tôi mà săn sóc, lo lắng như trước.
Có ai đó từng nói với tôi rằng “chia tay giống như ta ăn một quả khổ qua, lúc đầu thì đắng nhưng khi nuốt được rồi thì thấy vị ngọt ngọt xen lẫn vị đắng đọng lại nơi cuối lưỡi” Còn tôi hiện tại thì đắng, đắng lắm chẳng biết có thể nuốt trôi được không.
Ngoài trời, nắng vẫn gắt im ắng không có lấy một cơn gió một gợn mây.
Giờ đang là giữa trưa, mong một trận mưa rào lúc này có vẻ là ngoài sức tưởng tượng.
Ông trời hình như vào thu chỉ thích hất nước xuống dân gian vào chiều muộn thôi thì phải.
Giá như có con cóc trong tay khéo tôi hành hạ cho nó kêu ộp ộp cả tiếng mất.
Thế cho ông trời tức, ông trời giận mà đổ mưa.
Tự cười một mình với suy nghĩ vẩn vơ, tôi lẳng lặng vào toilet xả mạnh vòi hoa sen lên người thay cho cơn mưa.
Từng tia nước mát lạnh chảy lên tóc, lên mặt làm tôi tỉnh hơn đôi chút.
Liếc qua gương, phản chiếu rõ rệt trong đó hình ảnh của một thằng thất thần, đôi mắt xám ngoét và buồn. Bất chợt dây thần kinh hai bên thái dương tôi co giật nhẹ rồi chạy dọc sống lưng làm tôi giật mình lạnh toát. “Bỏ mẹ dính cảm rồi”.
Lò dò thay quần áo, tôi lê cái thân tàn tạ ra ghế ngồi lấy sức. Vừa đói, vừa mệt cộng với cơn cảm lạnh đang từ từ tiến đến làm tôi mất sức nhanh chóng. Cố gắng với cái điện thoại để gọi cho Uyên biết chiều tôi không vào được mà sao thấy nó xa vời quá. Đầu óc tôi bỗng chốc quay cuồng, tối sầm lại rồi ánh mặt lờ đờ lịm dần, lịm dần trước khi nghe thấy âm thanh chát chúa vang lên. Tôi ngất!
– Anh ơi… anh ơi – một giọng nói quen thuộc văng vẳng bên tai.
– Anh Đức ơi… em này… lại đây với em đi.
Tôi từ từ mở mắt, xung quan được tôi bao phủ một màu đen huyền ảo. Xa xa có vài chấm sáng nhỏ đang lơ lửng như mời gọi tôi bước đến. Chợt.
– Anh ơi… em ở đây cơ mà… anh đến với em đi – lại giọng ấy, giọng nói của em vang vọng khắp chốn.
– Em, em ở đâu, em ở đâu – tôi vùng dậy, hay tay mò mẫm, đôi mắt mở to nhìn dáo dác khắp chốn.
– Em ở đây cơ mà hihi…
Một hình bóng nhỏ bé lộ dần sau màn đêm dày đặc. Mỗi lúc hình bóng ấy một gần, thật gần làm sáng tỏ mọi vật xung quanh. Và em đến bên tôi không chỉ một mình. Bàn tay em đang nắm lấy một bàn tay khác chẳng phải tôi. Em nhìn tôi cười, nụ cười tỏa nắng. Tôi cố với tay, cố nhướn người về phía em nhưng sao khó quá. Em và người ấy mờ dần mờ dần, sau đêm đen hiu quạnh.
– KHÔNG, EM, EM ĐỪNG BỎ ANH.
Giật mình tỉnh giấc, chiếc khăn mặt do quán tính mà bật ra phía trước rơi xuống cuối giường. Bàn tay tôi vẫn nắm chặt, mắt mở to bàng hoàng sau cơn mê mụ mị khó hiểu. Mồ hôi lăn dài từng giọt bên thái dương.
– Anh… anh làm sao thế? – Nhung lay nhẹ cánh tay tôi sợ sệt.
Định thần, tôi nhìn khắp nơi tôi đang nằm tìm kiếm bóng hình em, cố gắng hy vọng em ở đây với tôi ngay lúc này. Nhưng vô vọng, chả có ai cả ngoài Nhung và căn phòng quen thuộc. Em vẫn ngồi trên ghế, ánh mắt đầy vẻ lo lắng nhìn tôi.
– Không… không có gì. Mà sao em lại ngồi đây? – Tôi díu mắt nhìn Nhung.
– Anh không nhớ à, anh bị ngất nên em ngồi trông anh mà.
– Anh bị ngất á! Ai da… – tôi vỗ nhẹ lên trán cố xoa dịu cơn đau đầu chợt đến.
– Vâng, em đang nằm nghỉ tự nhiên nghe tiếng đổ vỡ bên phòng anh nên em chạy sang. Mở cửa thì thấy anh nằm sõng soài ra nền rồi, bình nước thì vỡ tan.
– Thế… thế à, cảm ơn em – tôi bối rối.
– Có gì đâu mà anh, dù gì thì… – nhung khựng lại cố không nói ra điều mà tôi đang nghĩ.
– À, ừ, mà… mấy giờ rồi em? Anh nằm ngủ lâu chưa? – Tôi với cái điện thoại trên bàn lảng sang chuyện khác.
– Cũng gần 6h tối rồi anh, anh giờ còn mệt không để em nấu cháo cho anh nhé, trưa nay anh cũng chưa ăn gì đúng không – Nhung chạm tay lên trán tôi đo nhiệt giọng trách móc, tự nhiên tôi thấy ấm lòng lạ.
– Thôi chết, anh phải vào bệnh viện với… ai da – đầu tôi lại nhói lên cơn đau khó chịu.
– Ấy, anh yên tâm em có gọi cho chị Uyên rồi, giờ chị ý với Nhi đang trông TA. Em có dặn chị ý không nói chuyện của anh cho con bé biết đâu – em đỡ tôi nằm xuống, mấy ngón tay nhè nhẹ day lên đầu tôi như người ta vẫn làm khi bị đau đầu hành hạ.
– Ừ… thế à… cảm ơn em nhé – tôi cười gượng.
– Hì, thôi để em về hâm lại nồi cháo cho nóng nhé, anh cứ nằm ngồi nghỉ ngơi đi, nhìn anh vẫn còn yếu lắm.
Chẳng chờ tôi đồng ý, em lủi thủi về phòng để lại tôi một mình đầy suy nghĩ vẩn vơ. Có lẽ với tính nhạy cảm của mình, em cũng lò mò đoán ra chuyện gì. Biết nhau, rồi từng yêu nhau một năm trời chẳng khó để em nắm bắt mạch cảm xúc thất thường của tôi. Nhưng em vẫn vậy, vẫn giấu nó trong lòng, chẳng thể hiện chẳng hỏi han. Và tôi biết, em đang buồn. Giá như em quên tôi, em đừng giành tình cảm cho tôi thì giờ nụ cười của em không gượng gạo như vậy. Giá như…
Giờ cô bé đang làm gì nhỉ? Em đang vui bên người ta hay em đang khóc dấm dứt vì phản bội tôi? Chắc không đâu, em vốn trẻ con khờ dại mà. Tôi cười, lại nụ cười nửa miệng khi bất giác nghĩ đến em – cô bé của tôi. Em trong tôi là một cô gái tươi trẻ, hồn nhiên không chút gợn. Em giống như một tia nắng ấm áp giữa trời đông giá rét, em trẻ con hòa với tôi – một gã trầm mặc, rầu đời của đêm đông. Nhưng giờ mọi thứ về em đang dần dần nứt vỡ mà chẳng thể hàn gắn lại được. Người ta bảo “tình dễ đến thì tình cũng dễ đi”, ừ! Có lẽ vậy.
6 rưỡi tối, chiếc điện thoại vẫn nằm im lìm, không rung không một hồi chuông. Ngoài trời, ánh sáng đèn đường, ánh trăng đang soi rọi khắp chốn. Thấp thoáng phía xa xa là bóng tòa nhà Keangnam đang lấp lánh dưới màn đêm, ở đó có hứa hẹn có dự định mà sau này chẳng bao giờ thành hiện thực. Nghe nói đứng trên đỉnh Keangnam nhìn xuống đẹp lắm, ta có thể thu gọn Hà Nội trong tầm mắt. Nhất là khi đêm xuống. Thôi đành lỡ hẹn vậy.
– Anh ăn cháo đi cho nóng – Nhung với mái tóc bết vào trán vì mồ hôi, khuôn mặt ửng hồng đứng nhìn tôi trân trân.
Chẳng nói gì, tôi nhẹ nhàng bê bát cháo trên tay em đặt xuống bàn. Lấy chiếc khăn lau đi những giọt mồ hôi còn ấm nóng cho em. Thật nhẹ. Em vì tôi mà vất vả, mệt nhọc làm sao tôi có thể cầm lòng được. Bất giác em nhìn tôi, ánh mắt bất ngờ xen lẫn hồi hộp. Tự nhiên tim tôi lạc vài nhịp.
– Anh… anh… anh cảm ơn – tôi húng giọng cố giấu đi vẻ khác thường trong tim.
– Vâng.
Hai người ngại ngùng chẳng nói gì, tôi hết nhìn bát cháo rồi nhìn điện thoại. Mùi tía tô, mùi hành lá hòa quyện trong không gian chật hẹp làm miệng tôi ứa nước miếng. Tôi đói.
– Anh… anh ăn nhé.
Nhung nhìn tôi cười, chắc lúc đó trông tôi ngố lắm. Một câu hỏi thật ngốc nghếch.
Công nhận bát cháo hành luôn là đơn thuốc giảm sốt hiệu nghiệm. Hơi nóng của hành, của tía tô làm cơ thể tiết ra mồ hôi độc làm giải nhiệt, mùi vị thì làm giảm cái đắng ngắt nơi cổ họng. Chỉ cần sau hơn chục phút thần sắc sẽ bắt đầu trở lại. Tự nhiên nó gợi cho tôi chuyện tình dang dở của “Chí phèo và Thị Nở” ngày trước. Cũng vì bát cháo hành lúc ốm đau của Thị Nở mà một gã vốn “đầu đường xó chợ”, bất cần lại trở nên dịu lại. Hắn bắt đầu nghĩ về tương lai, về cuộc sống gia đình với Thị. Chỉ tiếc thay cái kết của câu chuyện của họ lại bi đát, khổ đau.
– Anh thấy đỡ chưa, để em múc cho anh bát nữa nhé – Nhung ân cần nhìn tôi.
– Ừ, thế… cho anh bát nữa vậy hì – chẳng hiểu sao tôi lại ngại ngùng vậy, thật lạ.
Hai bát cháo, một liều thuốc cảm của Nhung tôi bắt đầu thấy đỡ hơn. Những cơn run lẩy bẩy vì lạnh cũng không bám lấy tôi nữa. Nhưng trán vẫn còn nóng theo lời Nhung nói. Kệ, tôi đòi em cho tôi đến bệnh viện thăm con em xem nó thế nào. Từ trưa đến giờ nằm liệt một chỗ tôi ngán rồi, muốn ra ngoài cho khuây khỏa. Muốn thấy cái bản mặt câng câng của con em cho lòng dịu lại.
– Không, em không cho anh đi, anh yếu thế này giờ ra gió nhỡ sốt lại thì sao? Cái Trâm Anh mà biết thì thì em biết nói thế nào – Nhung nghiêm nghị, nhất quyết bắt tôi nằm nhà.
– Anh không sao thật mà, ăn hai bát cháo với liều thuốc của em giờ anh thấy khỏe lắm.
– Không là không, đang sốt mà anh cứ đòi ra gió vậy, em không cho anh đi đâu.
– Từ đây đến đấy có xa lắm đâu, với lại anh mặc thêm áo dài tay là được mà. Nhé… – tôi nhìn Nhung năn nỉ.
– Anh đúng là… phì… – Nhung cười, chắc nhìn tôi trẻ con lắm.
– Thôi được rồi, vậy anh ngồi chờ em chút.
Cuối cùng cũng ổn, may là tôi chịu ngồi sau để Nhung chở với quãng đường cũng gần chứ không chắc phải nói gãy lưỡi mới được em thả mất.
– Ơ, sao thấy chị Nhung bảo anh hôm nay có việc bận không vào được – con em ngơ ngác khi thấy tôi với Nhung đứng trước cửa phòng bệnh.
Không thấy Uyên đâu, chỉ có Nhi đang ngồi nói chuyện với con em tôi. Chắc bà này về phòng tắm rửa nghỉ ngơi rồi. Tôi chắc mẩm.
– Ừ, thì tao về sớm nên vào luôn chứ vứt mày ở đây một mình tao không yên tâm.
– Xì.
– Mà Nhi, em ăn uống gì chưa? – Tôi quay sang hỏi Nhi.
– Em với Nhi ăn lâu rồi, giờ anh còn hỏi – con em lườm lườm.
– Mà chị Nhung đi cùng anh em luôn ạ – nó quay sang hỏi Nhung.
– Ừ… ừ, thấy anh Đức về nên chị đòi vào cùng luôn.
– Thế ạ, mà sao nhìn anh có vẻ mệt mỏi vậy? Trời nóng còn mặc áo dài tay?
– Kệ tao, nhiều chuyện, mà mấy chị em ngồi nói chuyện đi anh ra ngoài chút.
Thấy con em vẫn bình thường, tôi đoán NA vẫn chưa nói gì với nó chuyện của hai chúng tôi cả. Vậy cũng tốt, tôi chưa muốn ai biết cả, giờ tôi cũng đủ mệt mỏi rồi. Rút điện thoại điện cho Uyên.
– Alo – giọng lảnh lảnh của Uyên phía đầu dây.
– Ờ, đang ở đâu thế?
– Ở phòng chứ đâu, mà ông thế nào rồi đỡ sốt chưa? Làm gì mà để ngất luôn vậy?
– Ờ thì mệt thôi, giờ đỡ rồi, cảm ơn bà nhá.
– Ơn với huệ, lắm chuyện. Thế đang ở phòng à?
– Không, tôi đang ở bệnh viện, mà tí nữa bà đón Nhi về đi. Phiền em ấy cả ngày nay rồi.
– Đùa à, đang sốt nặng thế mà vẫn cố mò vào. Ông cứ ở nhà nghỉ ngơi đi để tối nay tôi trông nó cho. Còn Nhi tí tôi đến đón nó về giờ.
– Thì giờ thấy đỡ rồi tôi mới vào, chứ ở nhà không yên tâm. Bà không phải trông đâu ở nhà mà nghỉ đi.
– Tôi trông chứ ai trông mà ông bảo không yên tâm. Mà thôi tí tôi đến rồi nói sau, đang tắm dở thì gọi.
– Hề hề.
Có đứa bạn thân là con gái lợi thật. Họ tâm lý, chiều chuộng ta như một bà chị gái, hay nhiều lúc lại ân cần, sẻ chia cùng ta như người yêu. Tôi may mắn vì được làm bạn Uyên lâu như vậy. Hai đứa chơi với nhau, biết nhau từ hồi còn mặc quần thủng đũng đến giờ. Ngót nghét cũng gần 20 năm, không quá ngắn cũng không quá dài, đủ để hai đứa hiểu nhau như ruột thịt. Có bạn thân là con trai đã khó, có bạn thân là con gái càng khó hơn. Tôi sẽ cố gắng giữ mãi tình bạn đẹp này của hai đứa.
– Anh ra ngoài làm gì đấy? Đang sốt mà cứ thích lượn lờ – con em lại đả kích.
– Sút cho cái giờ, nói linh ta linh tinh – tôi lườm.
– À, lát nữa Uyên vào đón em đấy Nhi, em ở đây cả buổi rồi còn gì – tôi quay sang Nhi, em và tôi vẫn luôn có một khoảng cách vô hình do tôi tạo ra.
– Dạ, không sao đâu anh, ngồi đây với TA cũng vui mà anh – Nhi nhìn tôi nhưng chẳng đủ lâu.
– À… ừ, cảm ơn em nhé – tôi cười.
– Dạ… vâng, à anh… – Nhi ngập ngừng.
– Ừ, em.
– À thôi… hì không có gì đâu ạ.
– Ừ.
Nhung với con em không nói gì, chắc vài câu đối thoại ngắn ngủi vừa rồi đủ để Nhung hiểu tình hình giữa tôi và Nhi. Còn em tôi thì nó chả lạ nữa, thậm chí nó còn nhìn tôi đăm đăm. Kệ, nếu giờ không làm cứng thì sau này sẽ khó khăn cho tôi nhiều. Tình cảm cần một chút gì đó dứt khoát và lý trí.
Chợt điện thoại tôi đổ chuông, một cuộc gọi đến bất ngờ mà có lẽ tôi chẳng ngờ tới. Và vì nó mà sau này đã làm tôi hối hận rất nhiều. Rất nhiều!
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 9
Phần 10
Phần 11
Phần 12
Phần 13
Phần 14
Phần 15
Phần 16
Phần 17
Phần 18
Phần 19
Phần 20
Phần 21
Phần 22
Phần 23
Phần 24
Phần 25
Phần 26
Phần 27
Phần 28
Phần 29
Phần 30
Phần 31
Phần 32
Phần 33
Phần 34
Phần 35
Phần 36
Phần 37
Phần 38
Phần 39
Phần 40
Phần 41
Phần 42
Phần 43
Phần 44
Phần 45
Phần 46
Phần 47
Phần 48
Phần 49
Phần 50
Phần 51
Phần 52
Phần 53
Phần 54
Phần 55
Phần 56
Phần 57
Phần 58
Phần 59
Phần 60
Phần 61
Phần 62
Phần 63
Phần 64